Bệnh truyền nhiễm với khả năng lây lan mạnh có nguy cơ tạo thành dịch. Bệnh do các tác nhân từ vi khuẩn, virus, nấm hay ký sinh trùng gây ra. Bệnh có khả năng lây nhiễm từ người sang người, từ động vật sang người. Nắm vững kiến thức y khoa về bệnh truyền nhiễm là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi mầm bệnh, tránh mối đe dọa do bệnh truyền nhiễm gây ra.

Bệnh truyền nhiễm là gì?

Bệnh truyền nhiễm là các bệnh gây ra do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm,… lây từ người sang người hoặc từ động vật sang người. Bệnh có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng, có thể bùng phát dịch với quy mô lớn và diễn biến theo từng giai đoạn: ủ bệnh, khởi phát, toàn phát, phục hồi.

Khi đã mắc các bệnh truyền nhiễm, cơ thể người bệnh sẽ có đáp ứng miễn dịch dịch thể và đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào. Đó được gọi là quá trình tạo thành miễn dịch. Tùy theo loại bệnh và cơ thể người mà miễn dịch được hình thành với mức độ, thời gian tồn tại miễn dịch bảo vệ khác nhau.

Bệnh truyền nhiễm được phân loại theo đường lây và chia ra 5 nhóm bệnh. Cụ thể:

  • Bệnh truyền nhiễm lây theo đường máu
  • Bệnh truyền nhiễm lây theo đường da và niêm mạc
  • Bệnh truyền nhiễm lây theo đường tiêu hoá
  • Bệnh truyền nhiễm lây theo đường hô hấp
  • Bệnh truyền nhiễm có thể lây bằng nhiều đường

Mỗi một bệnh truyền nhiễm sẽ do một loại mầm bệnh gây nên. Tuy nhiên trong trường hợp cá biệt có thể do hai hoặc nhiều mầm bệnh (ví dụ sốt rét do P.falciparum + P.vivax kết hợp).

Những đặc điểm của bệnh

Đặc điểm chung của bệnh truyền nhiễm

Thông thường, đặc điểm chung của bệnh truyền nhiễm như sau:

  • Bệnh truyền nhiễm có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành bằng nhiều con đường khác nhau.
  • Bệnh do vi sinh vật gây ra nên gọi đó là mầm bệnh. Thông thường mỗi một bệnh truyền nhiễm do một loại mầm bệnh gây nên, tuy nhiên có một số trường hợp có thể do hai hoặc nhiều mầm bệnh gây nên.
  • Có thể lây bằng một đường, nhưng cũng có thể lây bằng nhiều con đường.
  • Bệnh phát triển theo các giai đoạn và diễn ra kế tiếp nhau.
  • Sau khi mắc các bệnh truyền nhiễm, cơ thể người có đáp ứng miễn dịch dịch thể và đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào. Quá trình đó gọi là miễn dịch bảo vệ.

Giai đoạn phát triển của bệnh truyền nhiễm

  • Thời kỳ ủ bệnh: Đa phần người bệnh không cảm thấy có triệu chứng gì trong giai đoạn này. Thời kỳ ủ bệnh sẽ phụ thuộc vào loại bệnh, số lượng và độc tính của mầm bệnh, sức đề kháng của cơ thể.
  • Thời kỳ khởi phát: Các triệu chứng của bệnh xuất hiện nhưng chưa nặng và rầm rộ nhất. Bệnh khởi phát theo một trong 2 kiểu: từ từ hoặc đột ngột.
  • Thời kỳ toàn phát: Giai đoạn này bệnh phát triển rầm rộ nhất, đầy đủ các triệu chứng nhất và bệnh nặng nhất. Các biến chứng cũng thường hay gặp trong thời kỳ này.
  • Thời kỳ lui bệnh: Do sức chống đỡ của cơ thể người bệnh và tác động của điều trị, mầm bệnh và các độc tố dần được loại trừ ra khỏi cơ thể. Triệu chứng của bệnh ở thời kỳ toàn phát cũng dần dần mất đi.
  • Thời kỳ hồi phục: Sau khi mầm bệnh và độc tố của chúng được loại trừ ra khỏi cơ thể người bệnh thì những cơ quan bị tổn thương dần hồi phục, chỉ còn những rối loạn không đáng kể. Tuy nhiên cần phải được tiếp tục theo dõi bởi vì một số trường hợp tái phát.

Nguyên nhân gây bệnh truyền nhiễm

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây bệnh lây truyền. Các căn bệnh lây nhiễm có thể gây ra do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc nấm.

Vi khuẩn

Vi khuẩn là những vi sinh vật sống hay còn gọi là sinh vật đơn bào, sinh vật nhân sơ, chúng có kích thước siêu vi, cấu trúc tế bào đơn giản không có nhân. Vi khuẩn ở khắp mọi nơi, xung quanh ta, có thể ở bên trong cơ thể và trên da. Có nhiều vi khuẩn vô hại (thường sống trong ruột giúp tiêu hoá thức ăn, nâng cao miễn dịch) nhưng một số vi khuẩn nhất định giải phóng độc tố và gây bệnh. Vi khuẩn có nhiều hình dạng khác nhau, hình xoắn, hình cầu, hình que…

Virus

Virus là ký sinh trùng không có cấu trúc tế bào. Virus gồm các chuỗi đơn hoặc chuỗi kép acid nucleic và một vỏ protein bao quanh vật liệu di truyền là AND (axit deoxyribonucleic) hoặc ARN (axit ribonucleic) . Virus sống trong tế bào của cơ thể sống (vật chủ) và nhân lên. Một khi virus lây nhiễm vào cơ thể sẽ điều khiển bộ máy tế bào tạo ra nhiều virus hơn và khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Các bệnh lây nhiễm do virus gây ra như: cúm, HIV, HPV,…

Ký sinh trùng

Ký sinh trùng sống ký sinh trên vật sống khác như cơ thể người, động vật, thực vật,…Chúng hoàn toàn phụ thuộc vào vật chủ để tồn tại, phát triển. Ký sinh trùng không phải là một bệnh lý nhưng chúng có khả năng truyền bệnh, gây ra nhiều bệnh lý khác nhau trên cơ thể, trong đó có nhiều bệnh truyền nhiễm: sốt rét, sốt xuất huyết,…

Nấm

Giống như vi khuẩn, nấm có nhiều loại khác nhau, sống trên hoặc trong cơ thể. Nấm khi phát triển quá mức hoặc xâm nhập vào bên trong cơ thể qua miệng, mũi, vết cắt trên da có thể gây bệnh lây nhiễm.

Trẻ em sức đề kháng yếu nên dễ mắc bệnh

Các bệnh truyền nhiễm thường gặp

Một số các bệnh truyền nhiễm thường gặp bao gồm:

  • Bệnh bại liệt
  • Bệnh cúm A/H5N1
  • Bệnh dịch hạch
  • Bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola, Lassa hoặc Marburg.
  • Bệnh sốt Tây sông Nile
  • Bệnh sốt vàng
  • Bệnh sốt Dengue, sốt xuất huyết Dengue
  • Bệnh sốt rét
  • Bệnh sốt phát ban
  • Bệnh sốt do Rickettsia
  • Bệnh sốt mò
  • Bệnh sốt xuất huyết do vi rút Hanta
  • Bệnh tả
  • Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người do vi rút (HIV/AIDS).
  • Bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do vi rút
  • Bệnh lao phổi
  • Bệnh bạch hầu
  • Bệnh sởi
  • Bệnh tay-chân-miệng
  • Bệnh cúm
  • Bệnh dại
  • Bệnh ho gà
  • Bệnh lỵ Amip.
  • Bệnh lỵ trực trùng.
  • Bệnh quai bị
  • Bệnh than
  • Bệnh thương hàn
  • Bệnh thủy đậu
  • Bệnh uốn ván
  • Bệnh Rubella
  • Bệnh viêm gan vi rút
  • Bệnh viêm màng não do não mô cầu
  • Bệnh viêm não do vi rút
  • Bệnh xoắn khuẩn vàng da
  • Bệnh tiêu chảy do Rotavirus
  • Bệnh giang mai
  • Bệnh lậu
  • Bệnh mắt hột
  • Các bệnh do giun gây ra
  • Bệnh sán dây
  • Bệnh sán lá gan
  • Bệnh sán lá phổi
  • Bệnh sán lá ruột
  • Bệnh Nocardia
  • Bệnh phong
  • Bệnh do Chlamydia
  • Bệnh do nấm Candida albicans
  • Bệnh do vi rút Cytomegalo.
  • Bệnh do vi rút Herpes
  • Bệnh do Trichomonas
  • Bệnh do liên cầu lợn ở người
  • Bệnh do vi rút Adeno
  • Bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm
  • Bệnh viêm miệng, viêm họng, viêm tim do vi rút Coxsackie
  • Bệnh viêm ruột do Giardia
  • Bệnh viêm ruột do Vibrio Parahaemolyticus

Mức độ lây nhiễm và nguy hiểm của bệnh

Bệnh truyền nhiễm được chia làm 3 nhóm. Mức độ lây nhiễm và nguy hiểm của từng nhóm khác nhau, cụ thể:

  • Bệnh lây truyền nhóm A: Nhóm A là các bệnh đặc biệt nguy hiểm: sốt vàng, cúm A-H5N1, bệnh bại liệt… Bệnh thuộc nhóm này có khả năng lây nhiễm nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao, chưa rõ tác nhân gây bệnh.
  • Bệnh lây truyền nhóm B: Nhóm B gồm các bệnh nguy hiểm: sốt xuất huyết, sốt rét, sởi, thủy đậu, tay chân miệng, HIV/AIDS,… Khả năng lây lan bệnh nhanh và có thể gây tử vong.
  • Bệnh lây truyền nhóm C: Nhóm C gồm: giang mai, lậu, sán lá gan, bệnh Nocardia, bệnh phong,… là các bệnh lây nhiễm ít nguy hiểm, có khả năng lây bệnh không nhanh và ít có nguy cơ gây tử vong.

Ai dễ mắc bệnh truyền nhiễm hơn bình thường?

Bất kỳ ai cũng có nguy cơ mắc bệnh lây nhiễm. Trong đó, trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh bao gồm:

  • Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh.
  • Người đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
  • Người cao tuổi, người mắc các bệnh làm suy giảm miễn dịch như: người đang điều trị ung thư, người sống chung với bệnh HIV,…
  • Người mắc các bệnh ung thư.
  • Người mắc các rối loạn liên quan đến miễn dịch.
  • Người chưa tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm thông thường.
  • Người thường xuyên tiếp xúc với mầm bệnh: bác sĩ, điều dưỡng,..
Sử dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục

Điều trị bệnh truyền nhiễm

Điều trị bệnh truyền nhiễm phải điều trị đặc hiệu, cơ chế bệnh sinh, điều trị triệu chứng và chế độ chăm sóc dinh dưỡng. Cụ thể:

  • Điều trị đặc hiệu: Diệt cơ chế gây bệnh. Thuốc diệt mầm bệnh thường là các loại kháng sinh và hoá dược, thảo dược.
  • Điều trị theo cơ chế bệnh sinh: Đây là biện pháp đặc biệt quan trọng đối với các bệnh do vi rút, vì hiện tại thuốc có tác dụng thực sự diệt vi rút còn rất ít. Phương pháp này nhằm ngăn cản hoặc điều chỉnh những rối loạn bệnh lý.
  • Điều trị triệu chứng: Làm giảm các triệu chứng, giúp người bệnh dễ chịu hơn, đây là phương pháp điều trị hỗ trợ cần thiết.
  • Chế độ chăm sóc và dinh dưỡng: Chế độ chăm sóc và dinh dưỡng là yếu tố rất quan trọng, do vậy ngoài điều trị bệnh phải rất quan tâm đến chế độ chăm sóc và dinh dưỡng.

Phòng ngừa bệnh truyền nhiễm

Các bệnh truyền nhiễm có thể nhập vào cơ thể thông qua: Da, hít phải vi trùng trong không khí, ăn thức ăn bị ô nhiễm hoặc nước, bị côn trùng cắn hoặc bị muỗi đốt, quan hệ tình dục không an toàn.

Do vậy, để phòng ngừa bệnh, mọi người nên thực hiện theo các phương pháp sau để giảm nguy cơ lây nhiễm cho bản thân hoặc người khác:

  • Thường xuyên rửa tay: Trước và sau khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn và sau khi sử dụng nhà vệ sinh cần rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn.
  • Tiêm vắc-xin đầy đủ: Tiêm vắc-xin đầy đủ có thể giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh.
  • Không đi làm hoặc đến trường nếu đang có các hiện tượng như nôn mửa, tiêu chảy hoặc sốt.
  • Ăn chín uống sôi, chọn thực phẩm và nguồn nước sạch.
  • Vệ sinh cơ thể, nơi ở, học tập và làm việc thường xuyên. Không dùng chung vật dụng cá nhân (bàn chải đánh răng, lược, lưỡi dao cạo…). Tránh dùng chung ly uống hoặc đồ dùng ăn uống.
  • Quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su. Chung thuỷ 1 vợ 1 chồng.
  • Không du lịch đến nơi có vùng dịch.

Việc nâng cao ý thức, cập nhật thông tin về các bệnh truyền nhiễm thường gặp, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chủ động tiêm phòng đầy đủ để phòng, giảm thiểu nguy cơ biến chứng do bệnh truyền nhiễm gây ra.

Leave a reply