Bệnh tim mạch được cho là mối đe dọa nghiêm trọng và nó trực tiếp ảnh hưởng chất lượng cuộc sống. Bệnh lý do rối loạn của tim và mạch máu, bệnh bao gồm các bệnh mạch vành, tăng huyết áp, bệnh động mạch ngoại vi, thấp tim, bệnh van tim, bệnh cơ tim, loạn nhịp tim… là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn cầu.

Bệnh tim mạch và những điều cần biết
Bệnh tim mạch gây ra rất nhiều tác động xấu tới sức khỏe

Bệnh tim mạch

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có 17,9 triệu người tử vong vì bệnh lý tim mạch, trong đó, 85% số đó do nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Bệnh tim mạch là các tình trạng bệnh lý liên quan đến cấu trúc, hoạt động của trái tim hay của các mạch máu, hậu quả gây suy yếu khả năng làm việc của tim.

Bệnh tim mạch gây hẹp, xơ cứng và tắc nghẽn mạch máu, làm gián đoạn hoặc không cung cấp đủ Oxy đến não và các bộ phận khác trong cơ thể. Từ đó khiến các cơ quan bị ngừng trệ hoạt động, phá hủy từng bộ phận.

Các trường hợp bệnh nhân mắc bệnh tim do chuyển hóa từ tình trạng tăng huyết áp, bệnh tim mạch vành ngày càng tăng nhanh. Tuy nhiên, các bệnh lý tim mạch chuyển hóa lại thường không có triệu chứng rõ ràng và nếu chủ quan, người bệnh thường dễ dàng bỏ qua. Từ đó, nguy cơ cao xảy ra các biến chứng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim,… ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh.

Nếu như trước đây, các bệnh lý tim mạch như bệnh động mạch não, bệnh động mạch vành, bệnh động mạch ngoại biên… thường gặp ở người lớn tuổi, thì ngày nay, có thể xuất hiện sớm ở người trẻ.

Trong khi đó, những người trẻ thường chủ quan cho rằng mình không có nguy cơ mắc bệnh nên không có biện pháp phòng ngừa hợp lý và thái độ tầm soát sớm, điều đó dẫn tới các biến chứng đáng tiếc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn tài sản lao động của xã hội. Bên cạnh đó, trường hợp bệnh nhân tim bẩm sinh không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời trong những năm đầu sau sinh cũng chiếm tỉ lệ đáng kể bệnh lý tim mạch ở người trẻ.

Những bệnh về tim mạch thường gặp

Bệnh lý mạch vành

Bệnh lý mạch vành là bệnh lý rất phổ biến trong các bệnh lý tim mạch. Bệnh lý mạch vành do bởi mạch vành bị hẹp do các mảng vữa xơ, khiến lượng máu nuôi cơ tim không được đáp ứng đủ. Bệnh lý mạch vành bao gồm cơn đau thắt ngực, co thắt động mạch vành, hội chứng vành cấp tính.

Bệnh lý van tim

Van tim là cấu trúc ngăn cách các buồng tim, có tác dụng đóng mỡ một chiều để hướng dòng máu theo hướng nhất định. Bệnh van tim do nhiều nguyên nhân nhưng phổ biến là do thấp tim hay thoái hóa, và thường biểu hiện dưới hai dạng tổn thương chính là hẹp van tim và hở van tim.

Rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim là thuật ngữ dùng để chỉ sự bất thường liên quan đến nhịp tim hay dẫn truyền điện trong tim. Có một số loại rối loạn nhịp lành tính, có thể cùng tồn tại lâu dài nhưng cũng có những rối loạn nhịp ác tính, gây tử vong nếu không điều chỉnh kịp thời.

Có các dạng rối loạn nhịp: nhịp nhanh, nhịp chậm, rối loạn dẫn truyền (block dẫn truyền) hay các dạng nhịp bất thường (ngoại tâm thu)

Bệnh cơ tim

Bệnh cơ tim là những bệnh lý liên quan đến khối cơ tim, gồm một số loại sau:

  • Bệnh cơ tim phì đại.
  • Bệnh cơ tim thể giãn.
  • Bệnh cơ tim hạn chế
  • Bệnh cơ tim thất phải sinh loạn nhịp

Suy tim

Suy tim là hậu quả của những tổn thương thực thể hay rối loạn chức năng của quả tim dẫn đến tim không đủ khả năng tiếp nhận hoặc bơm máu đáp ứng nhu cầu cơ thể

Có nhiều nguyên nhân gây suy tim như:

  • Nhồi máu cơ tim
  • Bệnh van tim gây hở hoặc hẹp van tim
  • Bệnh tim bẩm sinh.
  • Viêm cơ tim.
  • Suy tim do loạn nhịp tim nhanh kéo dài
  • Suy tim cũng hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp, cường giáp
  • Suy tim còn gặp ở bệnh nhân đang hóa trị điều trị ung thư hoặc một số loại thuốc đặc biệt khác.

Bệnh tim bẩm sinh

Bệnh tim bẩm sinh là những khiếm khuyết ở tim hay mạch máu xảy ra từ trong bào thai, khiến cấu trúc và chức năng của tim của trẻ bị ảnh hưởng.

Bệnh lý tim bẩm sinh có nhiều loại khác nhau nhưng thường được phân thành 2 nhóm:

  • Bệnh tim bẩm sinh không tim: thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch, hẹp van động mạch phổi, …
  • Bệnh tim bẩm sinh có tím: kênh nhĩ thất, thân chung động mạch, tứ chứng Fallot, Ebsten, …

Bệnh tim do nhiễm khuẩn

Có nhiều loại nhiễm khuẩn gây ảnh hưởng tới tim mạch, bao gồm:

  • Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
  • Viêm cơ tim
  • Thấp khớp cấp
Thừa cân là 1 trong những nguyên nhân gây nên bệnh

Những nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch

Nguyên nhân thường gặp của bệnh lý tim mạch ở tuổi trưởng thành và trung niên: Hút thuốc, béo phì, ít vận động, căng thẳng (stress), chế độ ăn nhiều muối, chất béo, rượu bia, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, đái tháo đường…

Bên cạnh đó, béo phì ở trẻ em đã trở thành vấn đề toàn cầu, cứ 10 trẻ lại có một trẻ bị béo phì. Béo phì lại dẫn đến những yếu tố nguy cơ tim mạch khác như tăng cholesterol, đái tháo đường, tăng huyết áp, và hội chứng chuyển hoá. Nếu chúng ta không kiểm soát các yếu tố nguy cơ này sớm thì các bệnh lý tim mạch sẽ xảy ra sớm ở người trẻ.

Ngoài ra nhóm bệnh tim bẩm sinh không được phát hiện và điều trị sớm trong những năm đầu sau sinh cũng chiếm tỉ lệ bệnh lý tim mạch không nhỏ ở người trẻ.

Những dấu hiệu cảnh báo mắc bệnh tim mạch

  • Đau ngực: là triệu chứng thường gặp của bệnh tim mạch. Cơn đau tim điển hình được miêu tả là cơn đau tức, đè ép ở giữa ngực, xuất hiện khi gắng sức, đôi khi đi kèm triệu chứng đau nặng lan ra cánh tay trái, cổ hoặc ở hàm.
  • Khó thở: là triệu chứng cũng hay gặp của bệnh lý tim mạch. Bệnh nhân suy tim thường biểu hiện khó thở khi gắng sức, nặng hơn có thể khó thở cả khi nằm nghỉ, đôi khi bệnh nhân đang ngủ đột nhiên thức dậy rồi thở hổn hển, gọi là “khó thở kịch phát về đêm”
  • Đánh trống ngực: người bệnh có cảm giác nhịp tim đập nhanh, hay hụt nhịp, là các triệu chứng của các bệnh lý rối loạn nhịp tim. Bởi một số rối loạn nhịp có nguy cơ diễn tiến nặng, bệnh nhân cần được khám đánh giá bệnh lý để điều trị.
  • Hoa mắt, chóng mặt hay ngất: có thể do bởi não không cung cấp đủ máu, hay gặp trong các bệnh lý như hẹp động mạch cảnh, hạ huyết áp tư thế, các trường hợp rối loạn nhịp nhanh hay chậm. Nếu tình trạng thiếu máu kéo dài có thể đưa đến ngất.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh

Ai cũng có thể là đối tượng mắc bệnh lý tim mạch, tuy nhiên một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này như:

  • Tăng huyết áp (Huyết áp cao)
  • Hút thuốc
  • Cholesterol cao (Mỡ máu cao)
  • Bệnh tiểu đường
  • Thừa cân hoặc béo phì
  • Ít hoạt động thể lực
  • Lối sống thiếu khoa học
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tim
  • Người lớn tuổi

Điều trị bệnh tim mạch

Tùy theo thể trạng, bệnh lý của từng người bác sĩ có thể có các phác đồ điều trị khác nhau, một số phương pháp điều trị có thể được chỉ định bao gồm:

  • Thay đổi lối sống: người bệnh cần duy trì một lối sống khoa học, hạn chế các thực phẩm nhiều chất béo và mỡ, natri. Tập luyện thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, các bài tập nên tham khảo qua bác sĩ điều trị, nếu bệnh nhân hút thuốc cần bỏ hoàn toàn và hạn chế uống rượu bia.
  • Dùng thuốc: Bên cạnh có một lối sống khỏe mạnh, người bệnh cần sử dụng đúng và đủ các loại thuốc được bác sĩ kê toa để hỗ trợ và kiểm soát tình trạng bệnh.
  • Can thiệp y tế hoặc phẫu thuật: Nếu sử dụng thuốc không mang lại kết quả khả quan trong điều trị, bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân nên làm phẫu thuật hoặc các kỹ thuật y tế khác. Tùy tình trạng bệnh lý sẽ có các chỉ định phẫu thuật phù hợp.

Với sự phát triển của y học, rất nhiều phương pháp chữa trị mới đã được đưa vào để điều trị cho người mắc các bệnh lý về tim mạch nói chung. Đáng chú ý là thủ thuật can thiệp mạch vành cấp cứu tại những trung tâm y tế được trang bị Phòng Thông tim đạt tiêu chuẩn. Với quy trình chẩn đoán và điều trị nhanh, kịp giờ vàng của bệnh, ngày càng nhiều bệnh nhân được cứu sống và giảm tối đa được các biến chứng gây tàn phế sau này như suy tim, rối loạn nhịp tim.

Ngoài ra, tim mạch can thiệp phát triển đã giúp điều trị các bệnh lý tim bẩm sinh: Thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch rất hiệu quả với biện pháp can thiệp nội mạch, gây tê tại chỗ, người bệnh không cần phải gây mê và chịu cuộc phẫu thuật mở xương ức kéo dài như trước đây.

Hiện nay, các bệnh viện lớn trong nước đã thực hiện được nhiều kỹ thuật hiện đại, đạt hiệu quả điều trị cao.

Phòng ngừa bệnh tim mạch

Theo Uỷ ban Bệnh tật của Hoa Kỳ, 80% các biến cố tim mạch có thể phòng ngừa được nếu chúng ta tầm soát sớm, kiểm soát tốt yếu tố nguy cơ, và đến cơ sở y tế phù hợp đúng thời điểm.

Ngoài ra, việc thay đổi lối sống lành mạnh sẽ giúp cho bạn có một trái tim khỏe mạnh hơn. Dưới đây là một vài bước thực tế mà bạn có thể làm theo để phòng ngừa

Chế độ ăn uống lành mạnh cho tim

Một chế độ ăn uống lành mạnh cho tim bao gồm sự kết hợp của các loại thực phẩm khác nhau bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và các loại hạt. Cắt giảm các loại thịt mặn như giăm bông, thịt xông khói, xúc xích… cũng như thức ăn mặn như cá khô. Tránh tiêu thụ thức ăn chế biến sẵn, đóng hộp và thức ăn nhanh. Thay thế đồ ăn nhẹ có đường như bánh rán, bánh quy, và những thứ tương tự bằng trái cây và rau tươi và nếu khát, hãy thay nước giải khát có đường bằng nước lọc.

Giảm cân nếu bị thừa cân, béo phì

Thừa cân béo phì được định nghĩa là chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 25 trở lên. Mặt khác, béo phì là vòng eo lớn hơn 80cm đối với nữ và hơn 90cm đối với nam. Vòng eo lớn dẫn đến nhiều chất béo trong bụng hơn và có liên quan đến nguy cơ phát triển bệnh cao hơn.

Tăng hoạt động thể chất

Hoạt động thể chất góp phần cải thiện huyết áp, cải thiện mức cholesterol và các lipid máu khác, và kiểm soát cân nặng.

Không sử dụng thuốc lá

Sử dụng thuốc lá và tiếp xúc với khói thuốc (chủ động và thụ động) có hại cho tim của bạn. Bỏ thuốc lá là món quà sức khỏe lớn nhất mà bạn có thể ban tặng cho trái tim mình và có lợi cho sức khỏe ngay lập tức và lâu dài, bao gồm cả việc sống lâu hơn đến 10 năm. Sau một năm bỏ thuốc, nguy cơ mắc bệnh tim chỉ bằng một nửa so với người hút thuốc. Mười lăm năm sau khi bỏ thuốc, nguy cơ mắc bệnh tim tương đương với người không hút thuốc.

Tránh sử dụng rượu

Uống rượu có liên quan đến hơn 200 tình trạng bệnh tật và chấn thương, bao gồm cả các bệnh tim mạch, vì vậy tốt hơn hết là bạn nên tránh uống rượu hoàn toàn để bảo vệ trái tim của mình.

Kiểm tra huyết áp và đường huyết thường xuyên

Một cách quan trọng để duy trì một trái tim khỏe mạnh là huyết áp và lượng đường trong máu của bạn phải được kiểm tra thường xuyên. Một số người không biểu hiện triệu chứng ngay cả khi họ đã bị cao huyết áp và điều này có thể làm tổn thương tim của bạn. Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh tăng huyết áp hoặc tiểu đường, hãy chủ động kiểm tra sức khỏe thường xuyên.

Leave a reply