Bệnh nha chu là một bệnh nhiễm trùng nướu nghiêm trọng. Khi tình trạng nhiễm trùng lan rộng và trở nên nghiêm trọng hơn sẽ khiến mô nướu và xương sẽ bị tổn thương.

Bệnh nha chu: Nguyên nhân và cách điều trị
Bệnh nha chu gây nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh

Nha chu là bệnh gì?

Nha chu là tổ chức ở quanh răng để chống đỡ và lưu giữ cho chân răng ở trong xương.

Nha chu là bệnh lý viêm nhiễm làm ảnh hưởng trực tiếp đến các lớp mô nâng đỡ răng. Tình trạng viêm mô nướu khiến cho tại nơi có vi khuẩn xâm nhập phát triển túi nha chu, làm tụt nướu và lộ hẳn chân răng ra ngoài. Trường hợp nhiễm trùng ngày càng lây lan và trở nên nghiêm trọng thì xương và mô nướu sẽ bị tổn thương, răng bị lung lay và thậm chí bị mất răng hoàn toàn do không được điều trị.

Bệnh viêm nha chu thường rất dễ bị bỏ qua do bệnh diễn tiến thầm lặng. Bệnh tiến triển qua 4 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Vôi răng, cao răng hình thành do vệ sinh răng miệng không sạch sẽ, tạo điều kiện để vi khuẩn tích tụ ở những mảng bám kẽ răng, cổ răng, viền lợi và gây kích thích nướu, dẫn đến viêm lợi.
  • Giai đoạn 2: Viêm lợi gây sưng phồng và chảy máu ở lợi, đặc biệt là khi nhai thức ăn hoặc chải răng.
  • Giai đoạn 3: Viêm lợi nếu không điều trị sẽ dẫn đến viêm nha chu. Đó là những ổ vi khuẩn có chứa mủ ở nướu.
  • Giai đoạn 4: Viêm nha chu phá huỷ xương của ổ răng, làm tụt lợi. Khi các tổ chức xung quanh răng không còn chắc chắn sẽ khiến răng bị lung lay và có thể dẫn đến mất răng.

Bệnh có thể xảy ra ở mọi đối tượng, nhưng phần lớn là ở người trưởng thành. Theo các chuyên gia nha khoa, sâu răng và bệnh nha chu được xếp đầu danh sách những tình trạng sức khỏe răng miệng nguy hiểm nhất.

Một báo cáo gần đây của CDC Hoa Kỳ cho biết:

  • 47,2% người trưởng thành từ 30 tuổi trở lên mắc một số dạng bệnh nha chu
  • Bệnh nha chu tăng theo tuổi, 70,1% người lớn từ 65 tuổi trở lên mắc bệnh nha chu
  • Các bệnh nha chu phổ biến ở nam giới hơn nữ giới (56,4% so với 38,4%)
  • Những người đang hút thuốc (64,2%)…

Khi lợi bị viêm, phần nướu sưng rồi xẹp. Nếu bỏ qua dấu hiệu này vì nghĩ bệnh đã khỏi sẽ khiến bệnh tiến triển nặng hơn. Vì vậy, cần sớm nhận biết các dấu hiệu của bệnh để kịp thời thăm khám nha sĩ và điều trị.

Nguyên nhân gây bệnh viêm nha chu

Sự phát triển của vi khuẩn trong mảng bám răng là nguyên nhân chính của bệnh. Nếu không đánh răng, vệ sinh răng miệng tốt, mảng bám răng sẽ tích tụ và dần dần khoáng hóa trở thành cao răng với lượng vi khuẩn ngày càng tăng. Các độc tố do vi khuẩn tạo nên sẽ gây viêm lợi, phá hủy mô nâng đỡ răng khiến lợi dần dần không bám chắc chắn vào bề mặt chân răng.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh:

  • Chế độ dinh dưỡng và vệ sinh răng miệng không tốt.
  • Giảm sức đề kháng cơ thể, phụ nữ có thai.
  • Hút thuốc lá.
  • Các bệnh toàn thân như tiểu đường, HIV/AIDS, nhiễm trùng nhiễm độc…

Những dấu hiệu của bệnh

Các dấu hiệu viêm nha chu dễ nhận biết là:

  • Vôi răng, cao răng đóng thành mảng ở cổ răng.
  • Sưng nướu, lợi.
  • Chảy máu ở lợi, nướu, đặc biệt là khi chải răng hoặc nhai thức ăn.
  • Đè vào vùng nướu, lợi bị sưng có thể thấy dịch mủ chảy ra.
  • Hôi miệng.
  • Khi nhai thức ăn thấy răng không bình thường, răng bị lung lay.
  • Răng thưa do bị di lệch.

Một số nghiên cứu đã cho thấy rằng vi khuẩn gây bệnh viêm nha chu có thể xâm nhập vào máu của người bệnh thông qua mô nướu, dẫn đến ảnh hưởng đến tim, phổi và các bộ phận khác của cơ thể. Ví dụ, viêm nha chu có thể liên quan đến bệnh hô hấp, viêm khớp dạng thấp, bệnh động mạch vành hoặc đột quỵ.

Bệnh nha chu: Nguyên nhân và cách điều trị
Bệnh nha chu gây ra các tình trạng sưng viêm lợi

Điều trị bệnh viêm nha chu

Ngay khi phát hiện các dấu hiệu viêm nha chu nêu trên, người bệnh cần nên thăm khám bác sĩ nha khoa sớm để được tư vấn điều trị. Tùy vào mức độ và tình trạng viêm, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Nếu viêm nha chu không tiến triển, điều trị có thể bao gồm các thủ tục ít xâm lấn hơn như:

  • Cạo vôi để loại bỏ cao răng và vi khuẩn khỏi bề mặt răng và bên dưới nướu. Nó có thể được thực hiện bằng dụng cụ, laser hoặc thiết bị sóng siêu âm.
  • Làm mịn bề mặt chân răng, ngăn chặn tích tụ cao răng và vi khuẩn và loại bỏ các sản phẩm phụ của vi khuẩn góp phần gây viêm/trì hoãn chữa lành hoặc gắn lại nướu lại lên bề mặt răng.
  • Kiểm soát nhiễm khuẩn. Thuốc kháng sinh tại chỗ có thể bao gồm nước súc miệng kháng sinh hoặc bôi gel có chứa kháng sinh vào khoảng trống giữa răng và nướu hoặc vào túi sau khi làm sạch sâu. Tuy nhiên, kháng sinh đường uống có thể cần thiết để loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn gây nhiễm trùng.

Điều trị khẩn cấp viêm nha chu khi xuất hiện khối áp xe ở vùng nướu lợi bị hoặc lớp niêm mạc bị viêm. Sờ vào ổ áp xe thấy đau (có thể nhiều hoặc ít), lớp niêm mạc sưng đỏ. Điều trị thường là dùng thuốc kháng sinh và chống viêm, tuy nhiên đây chỉ là phương pháp tạm thời, bệnh có thể tiến triển thành mãn tính và theo chu kỳ tái phát cấp tính.

Điều trị phẫu thuật bệnh nha chu chỉ được thực hiện trong trường hợp đã điều trị các biện pháp khác nhưng không hiệu quả, gồm các kỹ thuật sau:

  • Phẫu thuật bỏ túi nha chu: Bác sĩ tiến hành làm giảm kích thước của túi nha chu nhằm tạo thuận lợi để làm sạch các mảng bám có chứa vi khuẩn trên răng.
  • Phẫu thuật tái tạo: Túi nha chu được tạo thành do mô và xương nha chu bị phá hủy. Khi các túi này trở nên sâu hơn do phá hủy thêm nhiều mô và xương nha chu, sẽ khiến cho nhiều răng bị lung lay. Mô và xương nha chu có thể được tái tạo sau khi phẫu thuật cắt bỏ túi nha chu.
  • Phẫu thuật ghép mô mềm: Viêm nha chu làm tụt lợi và bộc lộ chân răng. Khi đó, phẫu thuật ghép mô mềm được thực hiện nhằm hạn chế tình trạng tụt lợi và phục hồi tổ chức xung quanh răng. Phẫu thuật ghép mô mềm có thể được thực hiện ở một hoặc nhiều răng, có tác dụng làm giảm ê buốt, đồng thời đảm bảo thẩm mỹ đường viền nướu.

Điều trị bệnh nha chu cần được duy trì khi bệnh đã ổn định. Thăm khám định kỳ, thường xuyên theo dõi để kịp thời phát hiện, phòng trường hợp bệnh tái phát hoặc tiến triển.

Cách phòng ngừa bệnh nha chu

 Chải răng và dùng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám và các mảnh thức ăn khỏi miệng, đồng thời mát xa cho nướu để làm tăng lưu lượng máu đến mô nướu.

  • Chải răng kỹ lưỡng là điều vô cùng cần thiết.
  • Đảm bảo chải răng trong 2 phút và làm sạch tất cả các bề mặt răng.

Thường xuyên đến gặp nha sĩ là điều quan trọng để ngăn ngừa bệnh nha chu. Trong mỗi lần khám răng, nha sĩ sẽ đánh giá tình trạng nướu và các mô miệng khác của bạn. Việc đo các túi nha chu xung quanh răng sẽ cho phép nha sĩ phát hiện các dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh nha chu.

Chăm sóc nướu răng cũng quan trọng không kém việc chăm sóc răng đối với sức khỏe lâu dài của răng miệng. Trên thực tế, người trưởng thành bị mất răng chủ yếu là do bệnh nha chu. Nếu bạn theo dõi chặt chẽ sức khỏe răng miệng của mình và thực hiện các biện pháp vệ sinh răng miệng thường xuyên, bạn sẽ ít có nguy cơ mắc phải căn bệnh khó chịu này.

Leave a reply