Lang ben là bệnh ngoài da do nấm gây ra, phổ biến ở lứa tuổi thanh thiếu niên, gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ, khiến bệnh nhân luôn e ngại, mất tự tin. Bệnh có thể lây lan nên cần phải chú ý phòng tránh và điều trị dứt điểm.

Bệnh lang ben: nguyên nhân và cách chữa trị
Bệnh lang ben

Lang ben là bệnh gì?

Lang ben là bệnh nhiễm nấm phổ biến do Malassezia furfur (một loại nấm gây bệnh ở lớp sừng) gây ra. Bệnh khiến da đổi màu thành các đốm trắng, vàng, đỏ, hồng hoặc nâu, gây ngứa và thường xuất hiện ở vai, lưng, ngực.

Malassezia furfur là 1 loại nấm có thể tồn tại cả nấm men và nấm sợi (nấm lưỡng hình). Loại nấm này thường vô hại, tuy nhiên, khi phát triển quá mức, chúng có thể làm các mảng da tròn, nhỏ trở nên sáng hoặc sẫm màu hơn vùng da xung quanh. Một số mảng hoặc đốm có thể bong vảy và khô. Theo thời gian, các mảng này phát triển lớn và bắt đầu liên kết bao phủ những vùng da rộng hơn.

Bệnh lang ben chủ yếu gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên khi tuyến bã tăng cường hoạt động hay ở những người mắc bệnh lý làm tăng tiết mồ hôi, thay đổi thành phần hóa học của mồ hôi. Bệnh tăng lên ở thời tiết nóng ẩm và khi cơ thể bị tăng tiết mồ hôi.

Bệnh có xu hướng lây lan dễ dàng từ người này sang người khác trong môi trường nhiệt đới nóng ẩm thông qua con đường tiếp xúc hoặc dùng chung đồ sinh hoạt cá nhân…

Nguyên nhân gây bệnh lang ben

Môi trường ấm áp, ẩm ướt và nhiều dầu mỡ khiến nấm Malassezia furfur phát triển ngoài tầm kiểm soát. Loại nấm này khi sinh sôi quá mức sẽ tác động vào lớp biểu bì làm thay đổi sắc tố da (giảm hoặc mất sắc tố), đây cũng chính là nguyên nhân chính gây bệnh lang ben.

Những yếu tố có thể khiến nấm Malassezia furfur phát triển ngoài tầm kiểm soát gồm:

  • Thay đổi nội tiết tố.
  • Hệ thống miễn dịch suy yếu.
  • Thời tiết nóng ẩm.
  • Đổ nhiều mồ hôi.
  • Da nhờn.

Dấu hiệu nhận biết bệnh lang ben

Bệnh lang ben sẽ có dấu hiệu nhận biết chính như sau:

  • Xuất hiện các dát từ từ trên da, tăng dần về số lượng và kích thước.
  • So với vị trí xung quanh, da có màu khác (có thể sáng hoặc tối hơn), có thể màu trắng, hồng hoặc nâu.
  • Vị trí thường gặp: cổ, ngực, lưng và hai cánh tay. Tuy nhiên có thể gặp ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể.
  • Da có thể gây ngứa, tăng lên khi ra nắng hoặc đổ mồ hôi.
  • Nhiễm nấm men làm da không tiếp xúc được với ánh nắng mặt trời.

Ở bệnh nhân lang ben, tình trạng mất thẩm mỹ, đổi màu ở nhiều vùng da khác nhau trên cơ thể là vấn đề nan giải nhất đối với người bệnh. Tình trạng này khiến bệnh nhân cảm thấy mặc cảm, tự ti.

Đồng thời, các triệu chứng gây ngứakhôtróc vảy, đổ nhiều mồ hôi,… còn làm ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt hằng ngày của bệnh nhân.

Lang ben rất dễ nhầm lẫn với các bệnh da lành tính khác như: vảy phấn trắng alba, bạch biến hoặc các bệnh viêm da khác…do đó khi có triệu chứng nghi ngờ lang ben người bệnh nên đến gặp bác sĩ da liễu để được kiểm tra và tư vấn phương pháp điều trị hiệu quả.

Cách điều trị nấm lang ben

Thông thường, lang ben được điều trị bằng các loại kem bôi, dầu gội, xà phòng. Với những trường hợp lang ben nặng, có xu hướng lan rộng, bác sĩ sẽ kê toa bổ sung thuốc uống. Các loại thuốc này đều chứa chất chống nấm nhằm tiêu diệt hoặc ngăn nấm phát triển. Điều trị đúng cách bằng thuốc kháng nấm có thể chữa khỏi lang ben và ngừa bệnh tái phát. Theo đó, có thể điều trị lang ben bằng những loại thuốc sau:

Thuốc chống nấm không kê đơn

Một số trường hợp lang ben mức độ nhẹ, người bệnh có thể cân nhắc sử dụng các loại thuốc sau đây:

  • Clotrimazol: các dạng dùng ngoài da với giới hạn nồng độ ≤ 3%.
  • Miconazole: các dạng dùng ngoài da.
  • Selenium sulfide: các dạng dùng ngoài da.
  • Terbinafine các dạng dùng ngoài với giới hạn nồng độ ≤ 1%.
  • Ketoconazole dạng dùng ngoài với nồng độ Ketoconazol ≤ 2%.
  • Ciclopirox.
  • Các sản phẩm có chứa xà phòng kẽm pyrithione.

Thuốc chống nấm kê đơn

Trong trường hợp lang ben mức độ nặng, bác sĩ sẽ chỉ định một số thuốc sau giúp cải thiện nhanh chóng tình trạng bệnh:

  • Thuốc điều trị tại chỗ: Kem bôi Dermacol-B (Dexamethason, Miconazol, Acid Salicylic), Kem bôi Canasone C.B. (Betamethason, Clotrimazol)…
  • Thuốc dùng toàn thân: Fluconazole, Itraconazole.

Chữa lang ben tại nhà

Điều trị tại nhà đối với bệnh nhân lang ben chỉ phù hợp khi bệnh nhân ở mức độ nhẹ, phổ biến nhất là dùng những thuốc chống nấm không kê đơn ở trên do dược sĩ nhà thuốc hoặc bác sĩ tư vấn.

Lang ben có thể tự điều trị tại nhà bằng các loại thuốc không kê đơn (OTC) và dầu gội có chứa selen. Với thuốc không kê đơn, nên sử dụng theo chỉ dẫn ghi trên bao bì. Riêng dầu gội, sau khi tạo bọt và massage da đầu, cần giữ vài phút trước khi xả sạch bằng nước. Sau 2 – 3 tuần, nếu những triệu chứng không cải thiện, người bệnh nên đến gặp bác sĩ da liễu để kiểm tra và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.

Ngay cả khi điều trị khỏi lang ben, màu da vẫn có thể không đồng đều trong vài tuần, thậm chí vài tháng. Ngoài ra, nhiễm trùng có thể tái phát trong thời tiết nóng ẩm. Trường hợp lang ben dai dẳng, người bệnh có thể phải dùng thuốc 1 – 2 lần/tháng để ngăn nhiễm trùng tái phát.

Biện pháp phòng ngừa nấm

Bệnh lang ben hoàn toàn có thể phòng ngừa thông qua các biện pháp sau:

  • Tránh môi trường có nhiệt độ quá cao, độ ẩm quá lớn.
  • Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ở cường độ mạnh, đặc biệt vào mùa hè.
  • Tránh ra mồ hôi quá mức, khi lao động hay tập luyện gắng sức cần lau mồ hôi khô.
  • Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, không dùng chung đồ dùng cá nhân với người khác, đặc biệt với người bệnh bị lang ben, hắc lào.
  • Thường xuyên giặt giũ quần áo, chăn màn.
  • Trẻ nhỏ khi tắm cần lau người thật khô rồi mới mặc quần áo.

Muốn điều trị lang ben và phòng ngừa tái nhiễm bệnh hiệu quả, bạn nên tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Leave a reply