Hen suyễn là bệnh viêm mãn tính của đường hô hấp. Sự kích động về tâm lý như sợ hãi, lo âu, giận dữ… làm căng thẳng thần kinh, đều có thể làm cho bệnh nặng hơn. Khi phát bệnh mà không được cấp cứu kịp thời thì bệnh nhân có thể bị biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến đột tử.

Bệnh hen suyễn
Bệnh hen suyễn

Hen suyễn là bệnh gì?

Hen suyễn còn có tên gọi khác của hen phế quản là bệnh viêm niêm mạc phế quản mạn với đặc trưng là tình trạng tắc nghẽn đường thở do niêm mạc phế quản phù nề, tăng tiết đờm và co thắt cơ trên phế quản. Khi có tác nhân kích thích sẽ gây ra các triệu chứng như ho, khó thở, khò khè, nặng ngực. Sự co thắt và viêm nhiễm sẽ làm các đường dẫn khí thu hẹp lại, từ đó giảm lưu lượng không khí ra vào phổi.

Hen suyễn là bệnh mãn tính, không thể điều trị khỏi dứt điểm. Tuy nhiên, nếu được điều trị sớm và đúng cách, các triệu chứng sẽ được kiểm soát chặt chẽ.

Tại Việt Nam, hiện có hơn 4 triệu người bệnh hen suyễn, có 2-6% dân số nói chung và 8-10% trẻ em mắc bệnh hen, trong đó độ tuổi 12-13 có tỷ lệ cao nhất châu Á với gần 30% và đang có chiều hướng gia tăng. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh hen suyễn ở trẻ em thường ở giai đoạn muộn vì triệu chứng đôi khi không rõ ràng, rất khó phát hiện.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân hen suyễn hiện nay chưa được thực sự hiểu rõ. Nhiều chuyên gia cho rằng tác nhân gây bệnh có sự phối hợp giữa yếu tố môi trường và các yếu tố di truyền. Việc phơi nhiễm với các dị nguyên có thể khởi phát các triệu chứng của bệnh hen suyễn trên lâm sàng. Phản ứng của cơ thể trước các yếu tố khởi phát dẫn đến các bất thường ở đường hô hấp như co thắt phế quản, tăng tiết dịch nhầy và viêm phế quản

Yếu tố dị nguyên gây hen rất đa dạng và khác nhau tùy theo từng bệnh nhân, bao gồm:

  • Nhiễm khuẩn hô hấp trên do vi khuẩn, virus
  • Không khí lạnh
  • Bụi, khói thuốc lá, hóa chất trong không khí
  • Mạt nhà
  • Xúc cảm mạnh, stress
  • Tập luyện thể lực
  • Một số loại thuốc như: ức chế beta, aspirin, ibuprofen, naproxen
  • Một số loại thức ăn và nước uống cụ thể như: tôm, khoai tây chế biến sẵn, trái cây sấy khô, bia, rượu
  • Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản.
Không khí lạnh khiến tình trạng bệnh thêm nặng

Những đối tượng dễ mắc bệnh hen suyễn

Một số đối tượng có nguy cơ cao dễ mắc bệnh bao gồm:

  • Người có cơ địa dị ứng
  • Trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp tái phát nhiều lần
  • Trẻ có bố mẹ mắc suyễn
  • Người bị ảnh hưởng bởi môi trường ô nhiễm như hóa chất, khói bụi, khói thuốc lá
  • Người thừa cân, béo phì
  • Người có tiền sử mắc bệnh dị ứng về da, hô hấp…

Những dấu hiệu của bệnh

Các triệu chứng của bệnh hen suyễn ở mỗi bệnh nhân là không giống nhau. Ngoài ra, cũng có một vài biểu hiện rất dễ nhầm lẫn với các bệnh về phổi khác như giãn phế quản, lao, COPD…

Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến nhất ở bệnh nhân hen suyễn:

  • Ho nhiều về đêm: Người bị viêm xoang, cúm, cảm lạnh… cũng có thể bị ho. Tuy nhiên, ở người bị hen suyễn, cơn ho thường kéo dài, đặc biệt ho nhiều về đêm do đường thở bị thu hẹp.
  • Khó thở: Ở bệnh nhân hen suyễn, đường thở bị thu hẹp nên dẫn đến tình trạng khó thở.
  • Thở khò khè: Đây là dấu hiệu điển hình của bệnh hen suyễn. Nguyên nhân là do không khí đi qua phổi bị cản trở bởi tình trạng phù nề ống phế quản nên tạo ra âm thành khò khè. Tình trạng khò khè nặng nề hơn khi gặp không khí lạnh.
  • Thở nhanh, gấp: Đây là dấu hiệu đặc trưng của bệnh. Triệu chứng này sẽ nặng hơn khi người bệnh vận động nhiều.
  • Đau thắt ngực: Người bệnh thường cảm thấy đau thắt như có vật gì đè nặng và siết chặt ngực.
  • Nhợt nhạt: Người bị hen suyễn thường có dấu hiệu mặt nhợt nhạt, mệt mỏi, ra nhiều mồ hôi do cơ thể không được cung cấp đủ oxy.

Những ảnh hưởng tới người bệnh

Đến cuộc sống hàng ngày

Bệnh hen suyễn có thể tái phát thường xuyên, biểu hiện với những cơn ho dai dẳng vào ban đêm, khiến người bệnh mất ngủ, mệt mỏi ban ngày, ảnh hưởng đến chất lượng học tập, công việc, các mối quan hệ vợ chồng cũng phần nào bị tác động…

Gây tử vong hoặc để lại nhiều biến chứng

Bệnh hen suyễn vẫn có thể gây tử vong mặc dù tỷ lệ tương đối thấp so với các bệnh mãn tính khác. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan với căn bệnh này, nếu không được phát hiện sớm và có các phương pháp điều trị, kiểm soát cơn hen thì có nguy cơ dẫn đến các biến chứng như: viêm phế quản, khí phế thũng, tâm phế mãn tính, suy hô hấp, ngừng hô hấp kèm tổn thương não, xẹp phổi, tràn khí màng phổi,…

Nguy hiểm với phụ nữ mang thai

Nguy cơ mắc bệnh hen ở phụ nữ mang thai thường xảy ra ở tuần thứ 24 đến 36 của thai kỳ. Theo đó phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh hen suyễn dễ dẫn đến các biến chứng như sản giật, xuất huyết âm đạo, sinh non… Ngoài ra, con của những phụ nữ bị suyễn khi mang thai cũng nhẹ cân hơn những đứa trẻ bình thường.

Biến chứng của bệnh hen suyễn

  • Khí phế thũng, tâm phế mạn tính: thường gặp ở người bệnh hen mãn tính, nặng.
  • Biến dạng lồng ngực hay mắc suy hô hấp mạn tính
  • Xẹp phổi: thường xảy ra ở trẻ em (chiếm tỷ lệ 30%)
  • Tràn khí màng phổi: xuất hiện ở 5% bệnh nhân hen suyễn nên dễ chẩn đoán nhầm, tràn khí màng phổi hai bên khiến người bệnh gặp nguy cơ gây tử vong cao.
  • Biến chứng của điều trị: dùng nhiều corticoid kéo dài có thể gặp hội chứng giả cushing.

Điều trị bệnh hen suyễn

Nhiều phương pháp điều trị hen suyễn có thể làm giảm các triệu chứng của bạn. Bác sĩ của bạn sẽ làm việc với bạn để lập một kế hoạch hành động hen suyễn trong đó phác thảo phương pháp điều trị và thuốc điều trị hen suyễn cho bạn. Chúng có thể bao gồm:

Dùng thuốc

  • Corticoid dạng hít: Những loại thuốc này điều trị bệnh hen suyễn về lâu dài. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ dùng chúng mỗi ngày để kiểm soát bệnh hen suyễn của mình. Chúng ngăn ngừa và làm dịu tình trạng sưng tấy bên trong đường hô hấp và có thể giúp cơ thể tạo ít chất nhờn hơn. Bạn sẽ sử dụng một thiết bị gọi là ống hít để đưa thuốc vào phổi. Corticosteroid dạng hít thông thường bao gồm: Budesonide (Pulmicort), Fluticasone (Flixotide).
  • Các chất bổ trợ leukotriene: Một phương pháp điều trị hen suyễn dài hạn khác, những loại thuốc này ngăn chặn leukotrienes, những thứ trong cơ thể bạn gây ra cơn hen suyễn. Các thuốc kháng leukotriene phổ biến bao gồm: Montelukast (Singulair), Zafirlukast (Accolate)
  • Thuốc chủ vận beta tác dụng kéo dài: Những loại thuốc này làm giãn các cơ trơn ở phế quản của bạn.
Corticosteroid dạng hít dùng hằng ngày

Ống hít kết hợp

Thiết bị này cung cấp cho bạn corticosteroid dạng hít và thuốc chủ vận beta tác dụng kéo dài cùng nhau để làm dịu cơn hen của bạn.

  • Theophylin: Nó mở đường thở của bạn và giảm bớt căng tức ở ngực. Bạn dùng thuốc dài hạn này bằng đường uống, tự dùng hoặc với corticosteroid dạng hít.
  • Thuốc chủ vận beta tác dụng ngắn: Chúng được gọi là thuốc giải cứu hoặc ống hít cứu hộ. Chúng giúp nới lỏng các dải cơ xung quanh đường thở và giảm bớt các triệu chứng.
  • Thuốc kháng cholinergic: Những thuốc giãn phế quản này ngăn co thắt cơ trơn phế quản. Những cái phổ biến bao gồm: Ipratropium (Atrovent), Tiotropium bromide (Spiriva), Fenoterol và ipratropium (Berodual).
  • Corticosteroid uống và tiêm tĩnh mạch: Chúng giúp giảm sưng và viêm đường hô hấp. Bạn sẽ dùng steroid đường uống trong một thời gian ngắn, từ 5 ngày đến 2 tuần. Steroid đường uống phổ biến bao gồm: Methylprednisolone (Medrol), Prednisolone.

Điều trị tại nhà

  • Tránh xa các yếu tố nguy cơ gây bùng phát cơn hen như: khói thuốc, lông thú nuôi, khói bụi…
  • Tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
  • Kiểm soát, theo dõi triệu chứng, mức độ cơn hen và báo với bác sĩ khi xảy ra bất thường.
  • Tái khám định kỳ.
  • Tránh các tác nhân gây hen suyễn.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Giữ cân nặng hợp lý.
  • Thực hiện các bài tập thở để giảm bớt các triệu chứng để bạn cần ít thuốc hơn.

Những lưu ý với người bệnh

  • Thuốc: Với người lớn, trẻ lớn mắc hen phế quản, cần điều trị bằng thuốc kiểm soát hen có corticoid đường phun hít, thường kết hợp thuốc kích thích beta giao cảm kéo dài làm giảm các đợt cấp nặng. Người mắc bệnh hen suyễn nên chuẩn bị sẵn thuốc cắt cơn hen, phòng ngừa trường hợp lên cơn hen suyễn bất ngờ, không kịp xử trí.
  • Tránh các yếu tố nguy cơ, thực hiện tốt việc phòng và điều trị các bệnh đồng mắc.
  • Đọc kỹ chỉ dẫn của bác sĩ trước khi dùng thuốc.
  • Người bệnh nên được tập huấn về kỹ năng cơ bản trong quản lý hen
  • Trang bị kiến thức về bệnh hen
  • Hiểu và sử dụng các kỹ thuật dùng thuốc hen suyễn dạng phun, hít
  • Thực hiện chuẩn xác theo phác đồ điều trị
  • Theo dõi kỹ triệu chứng và mức độ của các cơn hen
  • Tái khám theo lịch hẹn giúp kiểm soát bệnh

Cách phòng bệnh hen suyễn hiệu quả

Để bệnh không tiến triển gây biến chứng nguy hiểm, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần thực hiện:

  • Cai thuốc lá: khuyến khích người bệnh ngừng hút thuốc và tránh phơi nhiễm thụ động với khói thuốc lá.
  • Tập luyện thể lực: khuyến khích người bệnh hen tích cực vận động nhằm cải thiện sức khỏe chung. Xử trí co thắt phế quản do gắng sức theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Tránh các loại thuốc có thể khiến bệnh hen nặng lên: thuốc kháng viêm không steroid hoặc thuốc chẹn beta. Nếu mắc hội chứng mạch vành cấp, người bệnh cần cân nhắc dùng thuốc chẹn beta chọn lọc cho tim mạch nếu lợi nhiều hơn hại.
  • Chế độ ăn phù hợp: khuyến khích bệnh nhân ăn nhiều rau và trái cây tươi, không dùng thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng.

Khi điều trị kiểm soát cơn hen, phần lớn người bệnh được cải thiện triệu chứng trong vài ngày, nhưng có thể mất từ 3-4 tháng để đáp ứng tối đa . Mức độ của bệnh hen có thể thay đổi theo thời gian, vì thế việc đánh giá kết quả điều trị nhằm điều chỉnh phác đồ là bước cần thiết trong quá trình điều trị. Nếu tuân thủ tốt trong quá trình điều trị, người bị hen có thể có chất lượng cuộc sống gần như bình thường.

Leave a reply