Bệnh gai cột sống gây ra nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày, bệnh ảnh hưởng đến các bề mặt khớp liên đốt sống gây đau và hạn chế vận động. Bệnh cần được điều trị sớm tránh để lại những biến chứng nguy hiểm.

Bệnh gai cột sống: nguyên nhân và cách điều trị
Bệnh gai cột sống

Gia cột sống là bệnh gì?

Gai cột sống hay còn gọi là bệnh thoái hóa cột sống, trong đó có sự hình thành các phần xương mọc ra (gai xương) phía ngoài và hai bên của cột sống. Đây chính là sự phát triển thêm ra của xương trên đốt sống, đĩa sụn, dây chằng quanh khớp do viêm khớp cột sống, chấn thương hoặc sự lắng đọng Calci ở các dây chằng, gân tại đốt sống.

Bệnh gai cột sống có thể xuất hiện tại nhiều vị trí trên xương sống cơ thể ở mỗi dạng gai ở từng vị trí khác nhau sẽ có đặc điểm riêng biệt. Thông thường bệnh hay gặp nhất là gai cột sống cổ và gai cột sống thắt lưng.

Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh gai cột sống sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng cuộc sống, khiến người bệnh khó chịu, giác đau ở vùng thắt lưng, đau vai hoặc cổ do gai chèn ép vào dây thần kinh, đau có thể lan xuống cánh tay, tê bì chân tay, thậm chí làm hạn chế cử động.

Nguyên nhân gây ra tình trạng gai cột sống

Gai cột sống xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhìn chung là bắt nguồn từ sụn khớp và đĩa đệm phải chịu áp lực thường xuyên và lâu dài, dẫn đến hậu quả sụn xương dưới sụn bị tổn thương, bào mòn, hình thành các gai xương, gây đau và cản trở cử động của khớp.

Các nguyên nhân dẫn đến gai đốt sống:

  • Thoái hoá cột sống: Đây là thủ phạm chính dẫn đến tình trạng gai ở đốt sống. Thoái hoá cột sống khiến sụn khớp bị bào mòn, dễ nứt vỡ. Ngay khi cơ thể nhận thấy sự bất thường này, trạng thái “bồi đắp canxi” lập tức được khởi động. Tuy nhiên, việc bồi đắp sẽ diễn ra không đồng đều gây nên tình trạng chỗ thiếu chỗ thừa. Chỗ thiếu canxi sẽ hình thành các hõm xương, trong khi đó, chỗ thừa canxi gây nên tình trạng gồ ghề, lâu ngày tạo nên các gai xương.
  • Viêm khớp cột sống mãn tính: là hiện tượng hai bề mặt xương tiếp xúc, cọ xát lên nhau. Để khắc phục hiện tượng này, cơ thể sẽ tự điều chỉnh nhằm giảm bớt áp lực và sự cọ xát, kết quả của quá trình chỉnh sửa này lại gây ảnh hưởng đến phần toàn bộ khớp cột sống, khiến đốt sống bị xơ hóa, mọc gai.
  • Lắng đọng canxi: Thường xảy ra ở các dây chằng, gân tiếp xúc với đốt sống do quá trình lão hóa.
  • Yếu tố di truyền: Nhiều người khi sinh ra đã di truyền gen làm cho đĩa đệm của họ yếu hơn bình thường. Đây là nguyên nhân khiến bệnh ngày càng trẻ hoá khi nhiều người đã mọc gai ngay từ khi còn rất trẻ. Nếu trong gia đình có nhiều người bị gai xương cột sống thì khả năng di truyền của bệnh càng lớn hơn.
  • Chấn thương: Các chấn thương có thể khiến đĩa đệm bị thoát vị. Xương tự sửa chữa sau tai nạn, chấn thương là nguyên nhân khiến gai xương hình thành.
  • Tuổi tác: Cùng với sự lão hóa của cơ thể, sự thoái hóa của cột sống theo thời gian cũng là sự lý giải cho việc bệnh gai đốt sống hay gặp ở người lớn tuổi.
  • Thói quen sinh hoạt: Hay phải bốc vác vật nặng, các động tác đi đứng, vận động, ngồi học, nằm ngủ… sai tư thế rất dễ gây ra tổn thương cho cột sống.
Thường xuyên khuân vác vật nặng cũng là nguyên nhân mắc bệnh

Triệu chứng bệnh gai cột sống

Bệnh gai cột sống có những biểu hiện không cách rõ ràng, rất khó nhận biết. Người bệnh chỉ biết mình bị gai cột sống khi bệnh đã tiến triển được lâu và có những cơn đau khó chịu phải đi khám hay một cách tình cờ khi tới bệnh viện khám tổng quát. Các triệu chứng thường gặp là đau vai, đau buốt thắt lưng, tê bì chân tay… Có thể kể tới những biểu hiện hay gặp như:

  • Xuất hiện đau buốt ở cổ hoặc thắt lưng: Ban đầu sẽ chỉ là những biểu hiện xơ, cứng và mỏi cột sống lưng, cổ. Càng về sau, vùng bị gai cột sống càng đau nhiều thậm chí là cảm giác đau buốt. Đặc biệt là khi bệnh nhân vận động như đi lại hoặc đứng lên. Đau sẽ tăng lên khi hoạt động và giảm đi khi người bệnh nghỉ ngơi.
  • Đau lan ra các chi: Trường hợp gai đốt sống cổ nặng, cơn đau có thể lan tới vai thậm chí còn đau lan qua hai tay. Trường hợp gai cột sống lưng ngoài gây đau ở lưng, còn đau dọc xuống hai chân.
  • Tê bì, mất cảm giác ở các chi: Khi bị gai cột sống, cơ bắp cũng dần yếu đi do sự chèn ép của gai xương với dây thần kinh nhất là ở tay và chân.
  • Rối loạn, chèn ép dây thần kinh: Người bệnh có những biểu hiện như tụt huyết áp, tăng tiết mồ hôi, mất cân bằng , khó thở…
  • Mất kiểm soát đường tiểu tiện và/hoặc đại tiện: Đây là những biểu hiện khi bệnh ở giai đoạn nặng. Nguyên nhân là do đường ống dẫn tủy đã bị thu hẹp, người bệnh không thể tự mình kiểm soát được việc đi đại tiện, tiểu tiện, thậm chí tự đại tiểu tiện ra quần.

Ngoài ra, bệnh nhân bị bệnh gai cột sống còn có thêm các triệu chứng khác như: Mất có cảm giác ở phần cột sống có gai xương, cơ thể mệt mỏi, khó vận động, sút cân…

Những biến chứng của bệnh

Gai cột sống là bệnh nguy hiểm, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống, giảm khả năng vận động. Nếu không được phát hiện sớm hoặc cải thiện sai cách, bệnh có nguy cơ gây tàn phế, khiến người bệnh mất khả năng vận động.

Những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời:

  • Thay đổi huyết áp: Biến chứng này gây ra do rối loạn thần kinh thực vật, huyết áp có thể tăng cao hoặc hạ xuống, khiến người bệnh dễ mắc rối loạn hô hấp.
  • Thoát vị đĩa đệm: Do hệ thống các dây thần kinh chèn ép quá sâu đến rễ thần kinh, những phần bị chèn ép lâu ngày sẽ thoái hóa và biến thành thoát vị đĩa đệm, nếu không xử lý kịp thời có thể bị teo cơ, bại liệt.
  • Rối loạn tiền đình: Biến chứng này thường xảy ra ở người bị thoái hóa cột sống cổ, do lượng máu và lượng oxy lưu thông lên não bị hạn chế, gây ra tình trạng rối loạn tiền đình.
  • Bại liệt, mất khả năng lao động: Đây là biến chứng nghiêm trọng nhất xảy ra do hệ thống dây thần kinh bị chèn ép quá lâu, áp lực của cột sống khiến các dây thần kinh dần mất chức năng vận động, dần dần bị bại liệt.

Đặc biệt khi kèm theo thoát vị đĩa đệm vùng cổ, các rễ thần kinh bị chèn ép, gây đau, tê lan xuống vai, cánh cẳng tay, về lâu dài, bệnh nhân có thể bị biến chứng vẹo, gù cột sống, yếu cơ, teo cơ ở tay hoặc chân…

Điều trị gai cột sống

 Bệnh gai cột sống không thể chữa khỏi hoàn toàn, tất cả các phương pháp điều trị nhằm giảm nhẹ triệu chứng cũng như hạn chế sự phát triển của gai xương. Để điều trị bệnh gai cột sống, người bệnh cần phối hợp nhiều biện pháp khác nhau như: sử dụng thuốc tây y kết hợp với đông y, các phương pháp vật lý trị liệu, tập thể dục nhằm điều trị các triệu chứng của bệnh gai cột sống.

Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu có thể giúp tăng cường các cơ xung quanh cột sống và tăng chuyển động ở đốt sống. Tạo điều kiện cho cột sống vận động điều độ sẽ thúc đẩy tăng sinh chất cơ bản tái tạo sụn khớp và giảm nguy cơ chèn ép dây thần kinh.

Bài tập vật lý trị liệu có nhiều hình thức từ đơn giản đến phức tạp, chẳng hạn như tập thể dục nhẹ nhàng tại nhà hoặc luyện tập cùng hướng dẫn viên tại các trung tâm chuyên phục hồi chức năng. Cường độ tập luyện bao lâu và tập luyện như thế nào tốt cho cột sống, bác sĩ chuyên khoa (nơi bạn đến thăm khám) sẽ hướng dẫn cụ thể cho mỗi người dựa trên tình trạng sức khỏe và bệnh lý.

Dùng thuốc điều trị gai cột sống

Acetaminophen là phương pháp điều trị đầu tay cho chứng đau thắt lưng cả cấp tính và mạn tính. Bên cạnh đó, thuốc giảm đau không steroid (NSAID) cũng cho tác động nhỏ đến trung bình đối với cơn đau do gai cột sống lưng.

Nếu không hiệu quả với hai thuốc trên, tramadol hoặc duloxetine là liệu pháp thứ hai. Thuốc giãn cơ xương là phương pháp điều trị hỗ trợ song song cho chứng đau thắt lưng cấp tính và bán cấp tính cùng các thuốc trên. Nên cân nhắc giữa rủi ro và lợi ích trước khi kê đơn các loại thuốc này. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc chống co thắt mãn tính để điều trị đau thắt lưng không có bằng chứng chứng minh hiệu quả lâu dài.

Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy prostaglandin, gabapentin và vitamin B1 giúp cải thiện cơn đau và khoảng cách đi bộ của bệnh nhân bị gai cột sống lưng so với các loại thuốc khác và giả dược. Trái lại, không có bằng chứng cho thấy việc bổ sung các vitamin A, C và E chống oxy hóa cho thấy có lợi trong bệnh viêm xương khớp; song, việc bổ sung vitamin D đã cho thấy cấu trúc xương được cải thiện và kết quả chức năng khả quan hơn khi nồng độ huyết tương trên 50 nmol/ L. Vitamin K có vai trò trong quá trình khoáng hóa xương và sụn nên cũng cần được duy trì ở mức độ thích hợp.

Các bài thuốc dân gian

Bên cạnh việc điều trị gai cột sống bằng thuốc tây y. Người bệnh có thể lựa chọn các bài thuốc nam lành tính với những dược liệu gần gũi và dễ chế biến mà bạn có thể áp dụng ngay tại nhà.

Nghỉ ngơi hợp lý

Việc lao động quá sức, thường xuyên phải bốc vác nặng nhọc không chỉ khiến các khớp sụn bị tổn thương mà còn khiến tình trạng bệnh ngày một nặng. Vì vậy hãy dành cho mình những khoảng thời gian để nghỉ ngơi hợp lý.

Phục hồi chức năng

Tập luyện là phương pháp tác động an toàn, giúp kéo giãn cột sống, đả thông kinh lạc và giảm đau hiệu quả. Phương thức này giúp khôi phục tính linh hoạt và sức mạnh lên cổ, lưng giảm đau và giảm tê bì các chi, cải thiện tư thế và có thể làm giảm sự chèn ép lên các dây thần kinh.

Giảm cân

Thừa cân béo phì gây áp lực lên xương khớp, đẩy nhanh tiến trình thoái hóa khớp và tăng nguy cơ gai xương. Nếu bạn bị béo phì hoặc thừa cân, việc giảm cân là điều vô cùng cần thiết để giúp giảm áp lực lên cột sống ngực và cột sống thắt lưng.

Điều trị phẫu thuật

Phẫu thuật hiếm khi được áp dụng để điều trị gai cột sống, tuy nhiên đối với những bệnh nhân gặp vấn đề về chèn ép dây thần kinh buộc phải tiến hành phương pháp này. Mục đích của phẫu thuật là loại bỏ những tác nhân chèn ép lên dây thần kinh (gai xương, đĩa đệm), ngăn chặn biến chứng nguy hiểm là mất cảm giác và rối loạn tiểu tiện.

Quy trình phẫu thuật loại bỏ gai cột sống tác động đến dây thần kinh và tủy sống, thế nên bạn phải tìm đến những bệnh viện xương khớp lớn và uy tín. Nơi có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao cùng trang thiết bị hiện đại để được phẫu thuật an toàn và chính xác, tránh rủi ro không mong muốn.

Phòng ngừa bệnh gai cột sống

Hạn chế làm việc quá sức

Với những người thường xuyên phải làm việc nặng như khuân vác, phụ hồ,… cần phải vận động đúng tư thế và hạn chế làm việc nặng để tránh nguy cơ bị gai cột sống. Đặc biệt, đối với các chị em dân văn phòng nên tránh ngồi yên một chỗ, cần vận động liên tục, không cúi quá thấp xuống mặt bàn khiến lưng bị gù.

Thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao

Tích cực luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và sở hữu một bộ xương chắc khỏe, dẻo dai. Tuy nhiên, mỗi ngày chỉ cần tập khoảng 30 phút và đúng tư thế. Những môn thể thao giúp phòng ngừa tốt bệnh gai cột sống như chạy bộ, đạp xe, bơi lội,… 

Xây dựng chế độ ăn uống dinh dưỡng và khoa học

Vấn đề dinh dưỡng cho bệnh nhân gai cột sống được rất nhiều người quan tâm. Để phòng ngừa bệnh lý này ta cần bổ sung đầy đủ rau xanh, hoa quả, những thực phẩm giàu canxi như thịt, trứng, sữa,… Ngoài ra cần bổ sung thêm những thực phẩm giàu vitamin D, chất xơ,…

Khám sức khỏe định kỳ là cách tốt nhất để phát hiện sớm các tiến triển xấu của bệnh gai cột sống nói riêng, cũng như các bệnh lý sức khỏe nói chung, từ đó có biện pháp điều trị phù hợp, giúp bạn bảo vệ tốt nhất sức khỏe của mình.

Leave a reply