Crohn là bệnh viêm đường ruột gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, bệnh cần được điều trị sớm nếu không có thể gây tử vong nếu biến chứng nặng.

Bệnh Crohn
Bệnh Crohn

Crohn là bệnh là bệnh gì?

Crohn là bệnh viêm ruột mạn tính gây viêm đường tiêu hóa. Bệnh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đường tiêu hóa từ miệng đến hậu môn, nhưng các vị trí tổn thương thường gặp nhất là hồi tràng, đại tràng và hậu môn (hồi tràng là phần cuối cùng của ruột non nối với ruột già).

Khác với các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa khác, bệnh Crohn là bệnh viêm ruột mạn tính, gây ra vết loét tại ruột không liên tục. Triệu chứng bệnh Crohn thường gặp là đau bụng, tiêu chảy và suy dinh dưỡng trầm trọng do những vết loét sâu trên thành ruột.

Mặc dù không có cách chữa trị hoàn toàn căn bệnh Crohn nhưng các biện pháp chăm sóc và điều trị có thể làm giảm đáng kể các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh và thậm chí mang lại sự thuyên giảm lâu dài.

Nguyên nhân gây bệnh

Hiện nay, các nhà khoa học chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây bệnh Crohn. Tuy nhiên, họ cũng đưa ra được một vài nguyên nhân có khả năng gây bệnh, gồm:

  • Môi trường ô nhiễm: Việc sinh sống ở gần khu công nghiệp, nơi chứa nhiều rác thải hay sử dụng nguồn nước bẩn là nguyên nhân gây nên bệnh Crohn do vi khuẩn từ môi trường xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Ngoài ra, việc hít phải khói thuốc lá thường xuyên cũng là nguyên nhân gây bệnh.
  • Chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống không đảm bảo vệ sinh, không đầy đủ dinh dưỡng khiến cho chức năng của hệ tiêu hóa suy giảm, đồng thời tạo điều kiện tốt cho vi khuẩn tấn công gây bệnh Crohn.
  • Suy giảm hệ miễn dịch: Các vi khuẩn có hại xâm nhập và tấn công đường tiêu hóa, làm suy giảm hệ miễn dịch nên sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Yếu tố di truyền: Các nghiên cứu đã chỉ ra có tới 20% số người mắc bệnh Crohn có tiền sử gia đình mắc bệnh. Vì thế, đây được coi là nguyên nhân cao nhất gây bệnh.

Thực tế, bệnh Crohn có thể xảy ra với bất cứ đối tượng nào, thuộc mọi độ tuổi. Bệnh bắt đầu từ tình trạng viêm ruột do vi khuẩn gây ra. Vì vậy, hệ thống miễn dịch tốt là chìa khóa giúp phòng ngừa bệnh viêm ruột mạn tính từng vùng tối ưu. Và ngược lại, nguy cơ mắc bệnh của người có hệ miễn dịch kém sẽ cao hơn so với người khác do cơ thể không có đủ khả năng chống lại vi khuẩn gây bệnh xâm nhập.

Những triệu chứng của bệnh

Crohn là bệnh viêm mạn tính mô hạt của đường ống tiêu hóa, nhưng chủ yếu ở đoạn cuối ruột non, tuy nhiên có thể gặp ở tất cả các vị trí khác của đường ống tiêu hóa. Triệu chứng của bệnh Crohn có thể từ nhẹ đến nặng và phát triển từ từ, nhưng đôi khi sẽ xuất hiện đột ngột, không có dấu hiệu báo trước.

Khi bệnh ở thể hoạt động có các triệu chứng điển hình như sau:

  • Tiêu chảy
  • Sốt
  • Mệt mỏi
  • Đau bụng và chuột rút
  • Có máu trong phân do có bệnh Crohn đại tràng
  • Loét miệng
  • Giảm thèm ăn và giảm cân
  • Đau gần hoặc xung quanh hậu môn

Những người bị bệnh Crohn nặng sẽ có một số triệu chứng khác như:

  • Viêm da, mắt và khớp
  • Viêm gan hoặc viêm đường ống mật
  • Trẻ chậm lớn hoặc chậm phát triển các đặc tính sinh dục ở tuổi dậy thì.
Đau bụng, tiêu chảy là dấu hiệu đặc trưng của bệnh

Những biến chứng nguy hiểm của bệnh

Bệnh Crohn có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:

  • Viêm đại tràng nặng.
  • Hẹp, rò và áp xe.
  • Chèn ép vào cơ quan lân cận.
  • Xuất huyết tiêu hóa, thủng, teo đại tràng.
  • Vết nứt hậu môn.
  • Vết loét hở trong miệng, ruột, hậu môn hoặc đáy chậu.
  • Suy dinh dưỡng.
  • Viêm ở các vùng trên cơ thể như khớp, mắt, da.

Bệnh Crohn làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng và ung thư ruột. Nguy cơ tăng lên khi bạn mắc bệnh Crohn hoặc viêm loét đại trực tràng chảy máu trên 8 năm. Lúc này bạn nên làm các xét nghiệm để tầm soát ung thư.

Phương pháp điều trị bệnh Crohn

Hiện nay y học vẫn chưa tìm được phương pháp để điều trị hoàn toàn bệnh Crohn, vì thế bệnh nhân chỉ có thể điều trị để kiểm soát triệu chứng và diễn biến bệnh. Chẩn đoán bệnh được thực hiện nhanh chóng để đưa ra liệu trình điều trị phù hợp.

Các phương pháp chẩn đoán bệnh

Ngoài thăm khám lâm sàng kết hợp với thông tin triệu chứng, bệnh nhân cần thực hiện các kĩ thuật sau để chẩn đoán bệnh: 

  • Thử phân hoặc thử máu: nhằm kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng.
  • Chẩn đoán hình ảnh: Chụp CT, chụp cộng hưởng từ MRI.
  • Chẩn đoán chính xác bằng nội soi đại tràng hoặc nội soi đại tràng sigma.

Ngoài chẩn đoán xác định bệnh Crohn, các kỹ thuật này còn giúp bác sĩ phán đoán tình trạng bệnh để đưa ra phương pháp điều trị hợp lý.

Điều trị bệnh Crohn

Nội khoa

Phương pháp điều trị nội khoa bằng thuốc luôn được ưu tiên trong các phác đồ điều trị cho người bệnh. Hầu hết các thuốc được sử dụng đều giúp kiểm soát và làm thuyên giảm các triệu chứng, cũng như ngăn ngừa tái phát.

Những loại thuốc thường sử dụng cho người bệnh Crohn gồm:

  • Các loại thuốc ức chế miễn dịch như azathioprine, mercaptopurine, methotrexate…
  • Các loại thuốc sinh học như Adalimumab, infliximab và vedolizumab…

Phẫu thuật

Phương pháp điều trị bệnh Crohn bằng phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp cần thiết, bệnh ở giai đoạn nặng hoặc người bệnh có xuất hiện biến chứng như áp xe, hẹp đường ruột và các bệnh vùng quanh trực tràng.

Mục đích của phẫu thuật điều trị bệnh Crohn là loại bỏ phần ruột bị viêm. Các bác sĩ sẽ loại bỏ phần ruột bị viêm để loại bỏ và nối các phần ruột khỏe mạnh lại với nhau.

Phẫu thuật là phương pháp được chỉ định khi cấp thiết

Thay đổi chế độ ăn uống

Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong mọi phác đồ điều trị bệnh Crohn, kể cả người bệnh thực hiện điều trị nội khoa hay phẫu thuật. Người bệnh cần nghiêm túc nghe theo chỉ định và lời khuyên dinh dưỡng để kết hợp với phương pháp điều trị khác để thúc đẩy quá trình hồi phục.

Lưu ý dinh dưỡng mà người bệnh Crohn cần biết:

  • Hạn chế lactose bằng cách hạn chế tối đa các sản phẩm và chế phẩm từ sữa động vật
  • Hạn chế các thực phẩm giàu chất béo như bơ, nước sốt kem, váng sữa, thức ăn chiên rán có nhiều dầu mỡ…
  • Nên thực hiện chế độ ăn ít chất cặn bã, gồm các thực phẩm như trái cây và rau sống, bắp rang bơ, các loại ngũ cốc nguyên hạt, trái cây sấy, thịt nguội, cafein. sô cô la…

Cách phòng ngừa bệnh

Nguyên nhân gây ra bệnh Crohn vẫn chưa được xác định, vì vậy mà không có cách để ngăn chặn hoàn toàn bệnh Crohn. Nhưng một lối sống lành mạnh luôn có ích. Bao gồm:

  • Giữ cân nặng hợp lý.
  • Không hút thuốc.
  • Hạn chế căng thẳng.
  • Có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, cân bằng với nhiều rau xanh, trái cây; hạn chế muối, đường, thực phẩm giàu chất béo không lành mạnh.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Không lạm dụng thuốc, chỉ nên sử dụng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Nếu bạn có các triệu chứng của bệnh Crohn hoặc bạn bị đau bụng, táo bón, tiêu chảy hay các rối loạn tiêu hóa khác kéo dài, không thuyên giảm, tái phát liên tục hoặc trở nên nghiêm trọng thì bạn nên đi khám. Các rối loạn tiêu hóa có thể chỉ là tình trạng thông thường nhưng cũng có thể là triệu chứng của một bệnh lý tiêu hóa nghiêm trọng khác. Việc điều trị sớm bất kỳ tình trạng nào đều đem lại kết quả và cơ hội tốt hơn so với việc điều trị trong giai đoạn muộn.

Leave a reply