Cận thị là một tật khúc xạ thường gặp về mắt. Người bị cận thị sẽ thấy mờ khi nhìn vật ở xa, thường phải nhắm hoặc nheo một bên mắt để nhìn rõ hơn gây ra nhiều trở ngại trong sinh hoạt và công việc. Về sau, cận thị có thể làm thay đổi cấu trúc của mắt, khiến bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh về mắt trong tương lai.

Bệnh cận thị: nguyên nhân và cách điều trị
Bệnh cận thị ở trẻ em

Cận thì là bệnh gì?

Cận thị (myopia) là tật khúc xạ phổ biến khiến người bệnh khó nhìn thấy vật ở xa nhưng lại nhìn rõ vật rất gần. Do hình ảnh quan sát được hội tụ trước võng mạc, vì vậy khi người cận thị nhìn vật ở xa thường phải nheo mắt.

Cận thị  thường gặp ở lứa tuổi đi học, thanh thiếu niên, nhất là từ 8 – 12 tuổi. Ở tuổi thiếu niên, khi cơ thể phát triển nhanh chóng, tình trạng mắt cận trở nên trầm trọng hơn. Tuy nhiên, đến 20 tuổi trở đi, độ cận ít thay đổi.

Khám mắt cơ bản có thể biết được cận thị. Người bệnh có thể giảm độ mờ bằng kính đeo mắt, kính áp tròng hoặc phẫu thuật khúc xạ.

Theo đó, mức độ cận được phân loại thành:

  • Cận tạm thời: 0 diop, thị lực vẫn bình thường nhưng mắt phải làm việc quá tải nên cận tạm thời, khi mắt được nghỉ ngơi vài ngày thì tình trạng này sẽ hết.
  • Cận nhẹ: 0.25 – 3 diop.
  • Cận vừa: 3.25 – 6 diop.
  • Cận nặng: 6.25 – 10.0 diop.
  • Cận rất nặng: 10.25 diop trở lên.

Nguyên nhân gây cận thị

Tất cả hình ảnh khi vào bên trong mắt sẽ được hiện diện trong võng mạc. Cuối cùng, thông qua các tế bào thụ cảm và thần kinh thị sẽ giúp não bộ nhận biết được hình ảnh giống với thế giới bên ngoài. Thế nhưng ở người cận thị, ảnh của vật khi vào mắt sẽ nằm phía trước võng mạc thay vì trên võng mạc, do đó sẽ không nhìn rõ được nữa những vật ở xa được nữa.

Các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân cận thị ở mắt:

  • Di truyền: nếu trong gia đình có bố hoặc mẹ bị cận thị, khả năng trẻ bị cận thị di truyền.
  • Môi trường: việc thiếu thời gian tham gia các hoạt động ngoài trời có thể làm tăng nguy cơ cận thị.
  • Hoạt động cận cảnh kéo dài: đọc sách trong thời gian dài hoặc các hoạt động nhìn gần khác có liên quan đến việc tăng nguy cơ cận thị.
  • Sử dụng màn hình điện tử kéo dài: trẻ em sử dụng máy tính hoặc thiết bị thông minh trong thời gian dài có nguy cơ mắc bệnh cận thị cao hơn.
Đọc sách, xem thiết bị điện tử quá gần và lâu sẽ ảnh hưởng tới mắt

Dấu hiệu cận thị ở mắt

Các dấu hiệu cận thị hoặc triệu chứng mắt cận bao gồm:

  • Mờ mắt khi nhìn vật ở xa: khó nhìn thấy các vật ở xa như biển báo, bảng đèn,…
  • Nheo mắt: nhìn mọi thứ với đôi mắt khép hờ để tập trung nhìn rõ.
  • Mỏi mắt: xảy ra khi nhìn tập trung vào một chỗ trong một thời gian dài mà không chớp mắt. Điều này làm mắt khô và mệt mỏi.
  • Nhức đầu: người bệnh có cảm giác đau khắp đầu hoặc một vùng cụ thể trên đầu.
  • Chớp mắt thường xuyên: tốc độ chớp mắt đạt tối thiểu 14 – 17 lần/phút ở tuổi thiếu niên và tăng lên 15 – 30 lần/phút ở tuổi trưởng thành. Nếu nhận thấy chớp mắt quá nhiều có thể là dấu hiệu của một nguyên nhân tiềm ẩn như cận thị.
  • Chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng: thiếu vitamin A, vitamin Cvitamin E, chất khoáng nên không duy trì được các môi trường trong suốt của mắt, dẫn tới mắt giảm khả năng điều tiết, thoái hoá võng mạc và hoàng điểm.

Bạn có thể tham khảo các sản phẩm giúp đôi mắt sáng khỏe hơn tại: Bổ mắt

Biến chứng nguy hiểm của bệnh cận thị

Cận thị nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, có thể dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm như.

Lác mắt (bệnh lé)

Là tình trạng mắt hướng về các hướng khác nhau. Nguyên nhân do cận thị nặng nên các cơ mắt không còn phối hợp linh hoạt, dẫn tới đồng tử của mắt không nằm trên vị trí cân đối.

Nhược thị

  • Giảm thị lực một bên mắt.Nguyên nhân do phải điều tiết quá nhiều nên võng mạc không còn nhận kích thích truyền tải rõ nét, dẫn đến não bộ không nhận biết hoàn toàn hình ảnh.
  • Với trẻ dưới 12 tuổi cải thiện bằng các bài tập mắt. Trên 12 tuổi khó cải thiện vì mắt đã phát triển ổn định.

Tăng nhãn áp

  • Tăng áp lực trong mắt khiến cho dây thần kinh thị giác nối mắt với não bị tổn thương. Đây là một biến chứng rất nguy hiểm. Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ dẫn đến mất thị lực.
  • Tăng nhãn áp ảnh hưởng đến tầm nhìn ngoại vi, thu hẹp thị trường về trung tâm, dẫn đến khu vực xung quanh từ mờ dần thành không nhìn thấy. Biến chứng này rất thầm lặng, khó phát hiện và không có khả năng hồi phục.

Bong võng mạc

  • Lớp màng nằm trong cùng, phía sau mắt tách rời các lớp còn lại. Biến chứng này cần trị ngay lập tức vì nó ảnh hưởng vĩnh viễn đến thị lực của người bệnh.
  • Các dấu hiệu hay gặp như tầm nhìn đột ngột bị mờ, thấy hình ảnh bóng tối di chuyển quanh tầm nhìn, đột ngột xuất hiện dấu chấm hoặc đường kẻ trong tầm nhìn.

Đục thuỷ tinh thể

  • Nhìn thấy vẩn đục trong mắt, hình ảnh thu được thường bị “bẩn”. Nguyên nhân do cận thị nặng làm nhãn cầu to lên, dẫn đến thay đổi các thành phần quang học, khiến đục thuỷ tinh thể xảy ra sớm hơn.
  • Đục thuỷ tinh thể là bệnh tuổi già. Tuy nhiên, cận thị nặng làm tăng nhanh tình trạng đục thuỷ tinh thể.

Điều trị cận thị

Điều trị cận thị giúp cải thiện thị lực bằng việc tập trung ánh sáng vào võng mạc thông qua kính để điều chỉnh hoặc phẫu thuật khúc xạ. Quản lý cận thị bao gồm: theo dõi thường xuyên các biến chứng, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể và bong võng mạc.

Đeo kính

  • Kính mắt: đây là cách đơn giản, an toàn để cải thiện thị lực do cận thị gây ra. Tròng kính đeo mắt cũng có thể được thiết kế điều chỉnh sự kết hợp của các tật khúc xạ như cận thị, loạn thị và viễn thị.
  • Kính áp tròng: là những đĩa nhựa nhỏ được đặt trực tiếp trên giác mạc. Một kính áp tròng điều chỉnh được nhiều tật khúc xạ. Kính có nhiều loại vật liệu và yêu cầu bảo quản kỹ lưỡng. Bác sĩ có thể giới thiệu kính áp tròng phù hợp nhất dựa vào tình trạng đã khám và lối sống của người bệnh.

Nhược điểm khi đeo kính: góc nhìn bị thu hẹp, hình ảnh bị thu nhỏ và gây vướng víu cho người bệnh.

Không được đeo kính áp tròng khi xuống nước, kiểm tra giác mạc 3 tháng/lần, phải ngưng sử dụng kính nếu có bất thường trên giác mạc.

Phẫu thuật

Phương pháp này giúp giảm nhu cầu đeo kính mắt và kính áp tròng. Bác sĩ sử dụng tia laser để định hình lại giác mạc như.

  • LASIK: bác sĩ tạo một vạt mỏng có bản lề vào giác mạc và dùng tia laser để loại bỏ mô giác mạc nhằm làm phẳng hình dạng vòm. Phục hồi sau phẫu thuật LASIK thường nhanh hơn và ít gây khó chịu hơn so với các phẫu thuật giác mạc khác.
  • LASEK: bác sĩ chỉ tạo vạt siêu mỏng ở lớp vỏ bảo vệ bên ngoài của giác mạc (biểu mô). Sau đó, bác sĩ sử dụng tia laser để định hình lại và làm phẳng đường cong của giác mạc rồi thay thế biểu mô.
  • PRK: thủ thuật này tương tự như LASEK, ngoại trừ phẫu thuật viên loại bỏ hoàn toàn biểu mô, sau đó sử dụng tia laser để tạo hình lại giác mạc. Kính áp tròng tạm thời bao phủ giác mạc để bảo vệ mắt đến khi biểu mô phát triển trở lại một cách tự nhiên và phù hợp với hình dạng mới của giác mạc.
  • SMILE: phương pháp này không có vạt hoặc loại bỏ biểu mô. Thay vào đó, bác sĩ dùng tia laser để cắt một mảnh giác mạc nhỏ hình đĩa. Sau đó, được lấy ra thông qua một vết rạch giác mạc nhỏ.

Phương pháp điều trị phẫu thuật không phải là một lựa chọn cho tất cả người bệnh bị cận thị. Chỉ nên phẫu thuật khi cận thị không còn tiến triển.

Tất cả các ca phẫu thuật mắt có một số mức độ rủi ro và các biến chứng có thể từ các thủ thuật này bao gồm nhiễm trùng mắt, sẹo giác mạc, giảm thị lực và sai số trực quan, như nhìn thấy quầng sáng quanh đèn chiếu sáng vào ban đêm.

Ortho K

Phương pháp mới điều trị tật khúc xạ bằng cách mang lens chỉnh hình giác mạc vào buổi tối để có thị lực chính thị vào ban ngày.

Có thể áp dụng cho tất cả các đối tượng, đặc biệt trên những bệnh nhân tăng độ nhanh, chưa đủ tuổi phẫu thuật hoặc nghề nghiệp bất tiện khi đeo kính. Thời gian để có thị lực chính thị từ vài ngày đến 2 tuần tùy trường hợp cụ thể.

Các biện pháp khác

  • Atropin: thuốc nhỏ atropine dùng để làm giãn đồng tử mắt. Việc này thường thực hiện lúc khám mắt hoặc trước và sau khi phẫu thuật mắt. Hơn nữa, thuốc nhỏ mắt atropine cũng có thể giúp làm chậm sự tiến triển của cận thị.
  • Tăng thời gian hoạt động bên ngoài: dành thời gian ở ngoài trời lúc nhỏ, thanh thiếu niên và những năm đầu trưởng thành có thể làm giảm nguy cơ phát triển cận thị.
  • Kính áp tròng tiêu điểm kép: một loại kính áp tròng tiêu điểm kép đã cho thấy một số tác dụng trong việc làm chậm sự tiến triển của cận thị.

Các biện pháp phòng ngừa bệnh

  • Không xem sách ở nơi thiếu ánh sáng.
  • Không nằm, quỳ để học bài, viết bài, không nên đọc khi đi trên ô tô, tàu hỏa, máy bay.
  • Không để mắt làm việc quá lâu.
  • Không hút thuốc.
  • Hai người nam nữ đều cận thị nặng (quá 9 diop trở lên) thì hạn chế lập gia đình với nhau để tránh ảnh hưởng di truyền cho con cháu.
  • Trong lớp nên xếp trẻ cận thị ngồi gần bảng.
  • Không nên học tập, làm việc bằng mắt liên tục và kéo dài nhiều giờ. Nên cho mắt nghỉ ngơi từ 5 đến 10 phút bằng cách nhắm mắt lại hoặc thư giãn bằng cách nhìn ra xa sau mỗi giờ học.
  • Cần làm việc ở khoảng cách thích hợp, từ mắt đến sách khoảng 30 – 40cm.
  • Cân bằng dinh dưỡng mắt bằng cách cung cấp thức ăn có đầy đủ vitamin: A, E, C và nhóm B.

Bài tập giúp giảm bớt và phòng ngừa cận thị.

  • Ngồi ở ghế nheo 2 mắt lại khoảng 3 – 5 giây, mở ra 3 – 5 giây. Tập 6 – 8 lần.
  • Ngồi tại chỗ, nhắm hai mắt trong vài phút.
  • Chớp mắt nhanh thật nhanh trong suốt 1 – 2 phút.
  • Ngồi xuống che mi mắt lại, xoa bóp quanh hốc mắt trong 1 phút.
  • Nhìn xa khoảng 1 – 2 phút (nhìn đường chân trời).
  • Ngồi học đúng tư thế, giấy không quá bóng, không để đèn bàn hắt thẳng vào mắt.

Nếu người bệnh thấy những thay đổi về tầm nhìn hãy gặp bác sĩ để thăm khám và điều trị kịp thời.

Nơi khám chữa các tật về mắt uy tín

Cần đến các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa mắt hoặc bất kỳ bệnh viện đa khoa nào để được chẩn đoán, phát hiện và điều trị kịp thời cận thị. Một số bệnh viện có thể tham khảo.

  • Tại TP Hồ Chí Minh: Bệnh viện mắt TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện mắt Sài Gòn, Bệnh viện mắt Phương Nam, Bệnh viện mắt Cao Thắng…
  • Tại Hà Nội: Bệnh viện mắt Trung Ương, Bệnh viện mắt Hà Nội 2, Bệnh viện mắt quốc tế DND, Bệnh viện mắt kỹ thuật cao (HITEC)…

Leave a reply