Ung thư dạ dày xảy ra khi các tế bào của dạ dày phát triển mất kiểm soát, tạo thành các khối u tại dạ dày, có thể lan ra xung quanh và các cơ quan xa hơn (di căn xa).

Bệnh ung thư dạ dày
Bệnh ung thư dạ dày

Ung thư dạ dày là bệnh gì?

Ung thư dạ dày là khối u tại dạ dày được hình thành do sự phát triển không kiểm soát các tế bào có nguồn gốc từ biểu mô dạ dày. Các tế bào này có thể theo đường bạch huyết di chuyển đến các cơ quan như não, phổi, xương, thận và tạo thành khối u.

Quá trình này có thể ít nhất là vài tháng hoặc vài năm. Chính vì vậy, trong giai đoạn đầu hình thành khối u, nếu không tầm soát sớm thì sẽ không thể phát hiện ra bệnh. Bệnh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của dạ dày, nhưng phổ biến nhất là phần chính của dạ dày (thân dạ dày) và nơi giao nhau của dạ dày – thực quản (thực quản là ống dẫn thức ăn từ miệng xuống dạ dày). 

Bệnh liên quan đến vi khuẩn HP (Helicobacter pylori), chế độ ăn uống và một số yếu tố đại lý, môi trường. Bệnh là nguyên nhân thứ 3 gây ra các ca tử vong do ung thư ở cả nam và nữ trên toàn thế giới. Tỷ lệ mắc chuẩn theo tuổi của nam giới gấp 2 lần nữ giới.

Ung thư dạ dày là một trong số những căn bệnh nguy hiểm nhất về đường tiêu hóa, có tỷ lệ tử vong cao chỉ sau ung thư phổi và ung thư gan. Mỗi năm Việt Nam lại có 17.527 ca mắc mới ung thư dạ dày, trong số đó, nam giới chiếm nhiều hơn với 11.161 ca và 6.366 ở nữ giới, theo thống kê của Globocan năm 2018.

Nguyên nhân gây bệnh

Ung thư dạ dày gây ra bởi tổng hợp nhiều yếu tố từ biến đổi môi trường trong dạ dày, thói quen ăn uống và nguyên nhân di truyền.

  • Các đồ ăn giàu nitrate bao gồm: đồ ăn đóng hộp, thịt-cá hun khói, đồ ăn muối, lên men, dưa-cà muối,…
  • Nhiều nghiên cứu đã chứng minh hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày (tăng 60% ở nam giới và 20% ở nữ giới).
  • Rượu bia không chỉ là tác nhân gây ra ung thư gan mà còn là yếu tố nguy cơ gây ra các tình trạng viêm dạ dày tái phát gây ung thư dạ dày, đặc biệt là ung thư vùng tâm vị.
  • Vi khuẩn H.P (Helicobacter Pylory) là nguyên nhân gây ra ung thư dạ dày. Điều đó cũng giải thích ung thư dạ dày ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở người trẻ (dưới 40 tuổi).
  • Các nghiên cứu và quan sát thấy rằng ung thư dạ dày do đột biến gen có yếu tố gia đình, tỷ lệ này tăng lên từ 1,5 đến 3 lần ở trong gia đình có người thân cấp 1 (bố, mẹ, anh chị em ruột) bị ung thư dạ dày. Điển hình cho ví dụ này là gia đình Napoleon Bonaparte.

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác cũng đóng vai trò hình thành ung thư dạ dày: béo phì, viêm miệng nối sau cắt dạ dày, người lao động phơi nhiễm, tiếp xúc với khói bụi, khí chứa ni-tơ, bức xạ,….

Việc phát hiện sớm các yếu tố rủi ro thể thay đổi hoặc không thể thay đổi là rất quan trọng trong phòng ngừa ung thư dạ dày tiên phát.

Những dấu hiệu của bệnh

Dấu hiệu ung thư dạ dày ở giai đoạn đầu mơ hồ, không rõ ràng, nhiều khi không có triệu chứng. Ở giai đoạn tiến triển ung thư dạ dày có thể có các triệu chứng sau:

  • Đau bụng: thường là triệu chứng gợi ý đầu tiên, đau dai dẳng vùng thượng vị (phía trên rốn). Thời gian đầu đau có thể giảm sau khi ăn, sau đó đau liên tục.
  • Ợ hơi: Ợ hơi có thể gặp sau khi ăn no, ăn đồ cay nóng hoặc uống nước có gas nhưng nhanh chóng mất đi. Nếu ợ hơi liên tục có thể là triệu chứng của ung thư dạ dày.
  • Gầy sút cân: Chán ăn, không có cảm giác thèm ăn dẫn tới sút cân hoặc cũng có thể sút cân không rõ nguyên nhân.
  • Buồn nôn và nôn: nôn và buồn nôn kèm theo chán ăn, ợ chua có thể là triệu chứng của ung thư dạ dày.
  • Nôn hoặc đi ngoài phân đen: ung thư dạ dày có thể gây xuất huyết tiêu hóa dẫn đến nôn máu hoặc đi ngoài phân đen (xuất huyết dạ dày rất nhiều có thể đi ngoài phân máu đỏ tươi, là một dấu hiệu nguy hiểm).
  • Nuốt nghẹn: Khối u gần tâm vị hoặc đoạn nối tâm vị – thực quản có thể gây nuốt nghẹn.
Đau ở phần bụng dai dẳng là những dấu hiệu của bệnh

Các biện pháp chẩn đoán bệnh ung thư dạ dày

Biện pháp chẩn đoán ung thư dạ dày thường được áp dụng tại bệnh viện bao gồm:

  • Nội soi dạ dày
  • Sinh thiết dạ dày
  • Xét nghiệm máu
  • Kiểm tra hình ảnh

Điều trị bệnh ung thư dạ dày

Sau khi chẩn đoán xác định bệnh và giai đoạn bệnh, bác sĩ có thể đưa ra các phương pháp điều trị cho người bệnh như sau:

Phẫu thuật 

Bác sĩ có thể cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày bị tổn thương kèm các hạch lympho xung quanh, tùy vào giai đoạn bệnh. Người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp mổ mở, phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật robot. Bác sĩ có thể cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày bị tổn thương kèm các hạch lympho xung quanh, tùy vào giai đoạn bệnh.

Xạ trị

Xạ trị có thể được áp dụng hỗ trợ sau khi phẫu thuật nhằm làm giảm khả năng tái phát tại chỗ. Xạ trị cũng có thể được chỉ định trong một số trường hợp bệnh di căn đến xương, hạch… nhằm làm giảm nhẹ triệu chứng.

Hóa trị (điều trị hóa chất)

Hóa trị là phương pháp dùng thuốc qua đường truyền tĩnh mạch và/ hoặc đường uống để điều trị ung thư. Hóa trị có thể được dùng trước và/hoặc sau phẫu thuật; có thể phối hợp với xạ trị.

Phác đồ điều trị hóa chất tùy thuộc vào giai đoạn bệnh ung thư và thể trạng của mỗi bệnh nhân.

Liệu pháp nhắm trúng đích

Liệu pháp nhắm trúng đích (Targeted therapy) thường được áp dụng cho giai đoạn bệnh tiến triển tại chỗ- tại vùng, bệnh tái phát hoặc di căn xa, khi phương pháp phẫu thuật hay xạ trị đơn lẻ không thể tiêu diệt triệt để các tế bào ung thư. Lúc này, người bệnh sẽ được bác sĩ cho dùng thuốc điều trị trúng đích (có thể kết hợp với hóa trị) để hạn chế sự tăng trưởng và xâm lấn rộng của các khối u ác tính.

Chăm sóc và điều trị giảm nhẹ

Khi người bệnh được tiên lượng không thể chữa khỏi ung thư dạ dày, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp chăm sóc và điều trị giảm nhẹ. Đây là phương pháp chăm sóc y khoa kết hợp với điều dưỡng nhằm giảm bớt các triệu chứng đau đớn về thể xác cũng như tâm lý cho người bệnh.

Phòng bệnh ung thư dạ dày

  • Duy trì cân nặng lý tưởng, giảm cân nếu béo phì.
  • Tập luyện thể thao thường xuyên.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, an toàn vệ sinh thực phẩm, chế độ ăn giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất.
  • Hạn chế ăn các thực phẩm đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, nhiều muối.
  • Bỏ thuốc lá, hạn chế bia rượu và không sử dụng các chất kích thích.
  • Nếu mắc phải các bệnh về dạ dày, cần thăm khám sớm và điều trị triệt để.
  • Khám và chữa trị tốt các khối polyp, khối u lành tính trong dạ dày.
  • Tầm soát ung thư dạ dày định kỳ, nhất là sau 50 tuổi.

Bệnh ung thư dạ dày gây tử vong cao, vì vậy nên chủ động dự phòng bệnh bằng cách ăn uống hợp lý và tầm soát bệnh thường xuyên. Phát hiện sớm các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh hay các dấu hiệu ung thư dạ dày khi còn ở giai đoạn đầu sẽ giúp cho việc điều trị khả quan và hiệu quả hơn.

Leave a reply