Viêm bàng quang là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn gây ra. Bệnh nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Viêm bàng quang là bệnh gì?

Viêm bàng quang là tình trạng viêm cấp hoặc mạn tính xảy ra ở bàng quang, thường do vi khuẩn trong đường tiết niệu gây ra. Vi khuẩn có thể từ dương vật, âm đạo hoặc trực tràng xâm nhập vào niệu đạo đi vào bàng quang và gây bệnh.

Trong một số trường hợp, bệnh có thể tái phát nhiều lần trong thời gian dài. Viêm bàng quang còn có thể do một số nguyên nhân khác như: thuốc, xạ trị vùng chậu, rò bàng quang và đường tiêu hóa.

Phương pháp chữa trị hiệu quả viêm bàng quang do vi khuẩn là sử dụng kháng sinh phù hợp. Với các trường hợp viêm bàng quang do nguyên nhân khác, bác sĩ sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh để đưa ra hướng điều trị thích hợp.

Nguyên nhân gây bệnh

Viêm bàng quang nói riêng và nhiễm khuẩn tiết niệu nói chung chủ yếu do vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài vào qua niệu đạo. Bình thường hệ tiết niệu có cấu trúc ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập, hơn nữa nước tiểu cũng có đặc tính kháng khuẩn, ức chế sự sinh sản của vi khuẩn. Nhưng khi cơ thể suy yếu, giảm sức đề kháng, hoặc niệu đạo bị tổn thương thì vi khuẩn có cơ hội xâm nhập và gây bệnh.

Nguyên nhân viêm bàng quang bao gồm:

Viêm bàng quan do nhiễm vi khuẩn

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến viêm bàng quang.

  • Vi khuẩn gây viêm bàng quang thường gặp nhất là Escherichia coli (E. coli)
  • Ngoài ra còn có các vi khuẩn khác gây viêm bàng quang như Chlamydia, Mycoplasma, Proteus, Klebsiella pneumoniae, Enterococcus faecalis, tụ cầu vàng hoặc trực khuẩn mủ xanh.

Các nguyên nhân khác

  • Viêm bàng quang kẽ
  • Do thuốc: các loại thuốc hóa trị như cyclophosphamide và ifosfamide
  • Do xạ trị, đặc biệt là xạ trị vùng khung chậu
  • Do đặt ống thông tiểu
  • Do hóa chất: như tắm bồn với xà phòng tạo bọt, sản phẩm vệ sinh phụ nữ dạng xịt hoặc kem thuốc diệt tinh trùng.
  • Viêm bàng quang do biến chứng của bệnh khác như bệnh đái tháo đường, sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt hoặc tổn thương tủy sống.

Ở nữ giới, viêm bàng quang có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Có 3 giai đoạn tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh cao nhất mà phụ nữ nên cẩn trọng:

  • Sau khi quan hệ tình dục
  • Trong quá trình mang thai
  • Sau khi mãn kinh

Thuốc tránh thai được cảnh báo là một trong những yếu tố liên quan đến viêm bàng quang ở nữ giới. Thuốc tránh thai có thể gây ra sự thay đổi hệ vi khuẩn ở cơ quan sinh dục.

Triệu chứng khi mắc bệnh

Dấu hiệu phổ biến và đặc trưng hàng đầu trong viêm bàng quang là cảm giác đau và nóng rát khi đi tiểu, bên cạnh một số triệu chứng khác như:

  • Tiểu ít nhưng đi tiểu thường xuyên (tiểu rắt).
  • Nước tiểu có mùi hôi, màu vàng sẫm, đôi khi có lẫn máu.
  • Đau vùng hạ vị.

Trong một số trường hợp, bệnh trở nên nghiêm trọng hơn với các triệu chứng liên quan đến nhiễm trùng như:

  • Sốt (trên 37,5 độ).
  • Ớn lạnh, rét run.
  • Mệt mỏi, nôn mửa.
Viêm bàng quang
Viêm bàng quang gây ra nhiều triệu chứng khó chịu

Những biến chứng nguy hiểm của bệnh

Bệnh viêm bàng quang nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có khả năng đối mặt với những biến chứng nguy hiểm như:

  • Nhiễm trùng thận, suy thận
  • Tiểu ra máu, thiếu máu
  • Tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn
  • Bàng quang tăng hoạt

Điều trị bệnh viêm bàng quang

Việc điều trị bệnh viêm bàng quang sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh

Điều trị viêm bàng quang do vi khuẩn

Thuốc kháng sinh thường là lựa chọn đầu tiên của bác sĩ khi điều trị viêm bàng quang do vi khuẩn. Các loại thuốc được chỉ định để điều trị bệnh thường là amoxicillin, nitrofurantoin, ciprofloxacin, sulfamethoxazole, trimethoprim.

  • Nhiễm khuẩn lần đầu: Bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh dùng kháng sinh trong 3 ngày dù những triệu chứng có được cải thiện đáng kể trong vòng 1 ngày.
  • Nhiễm khuẩn tái phát: Sau khi điều trị đợt cấp viêm bàng quang, người bệnh có thể phải dùng kháng sinh dự phòng sau khi giao hợp hoặc sử dụng kháng sinh liều thấp mỗi ngày trong khoảng 3 đến 4 tuần.
  • Viêm bàng quang mắc phải ở bệnh viện: Trường hợp này tương đối phức tạp do những vi khuẩn kháng thuốc.
  • Phụ nữ mãn kinh có thể cần phải sử dụng thêm những loại thuốc estrogen dạng kem.

Điều trị viêm bàng quang gây ra do nguyên nhân khác 

  • Viêm bàng quang do hóa chất: Người bệnh tránh tiếp xúc với những hóa chất gây viêm bàng quang để giảm những triệu chứng bệnh và ngăn ngừa tình trạng bệnh tái phát.
  • Viêm bàng quang do xạ trị hay do thuốc: Bác sĩ sẽ chỉ định bạn sử dụng thuốc để giảm bớt những triệu chứng hay uống nhiều nước hơn nhằm đào thải những chất gây kích thích bàng quang.

Điều trị hỗ trợ

  • Dùng khăn hay túi chườm nóng vùng bụng có thể giúp giảm cảm giác căng tức hoặc đau bàng quang.
  • Uống nhiều nước
  • Tránh uống cà phê, rượu, trà, nước cam chanh và tránh ăn các thức ăn cay nóng vì những thực phẩm này có thể kích thích bàng quang gây cảm giác khó chịu hơn.

Các chuyên gia sức khỏe đưa ra một số khuyến cáo giúp bạn phòng ngừa hiệu quả, bao gồm:

  • Uống nhiều nước
  • Đi tiểu ngay khi có nhu cầu. Hạn chế nhịn tiểu quá lâu
  • Sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục và đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục
  • Ngoại trừ dung dịch vệ sinh dành riêng cho vùng âm hộ, tránh sử dụng xà phòng hoặc các sản phẩm có mùi thơm.
  • Hạn chế sử dụng thuốc diệt tinh trùng hoặc đặt vòng tránh thai. Bạn nên thảo luận với bác sĩ để được tư vấn những phương pháp tránh thai hiệu quả và an toàn.

Leave a reply