Hải sản là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng nhưng cũng là nhóm thức ăn gây dị ứng phổ biến. Triệu chứng dị ứng hải sản khởi phát nhanh có thể chỉ sau khi ăn vài giờ, thậm chí sau vài phút với nhiều biểu hiện khác nhau. Nhiều trường hợp gây phản ứng sốc phản vệ và có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Hải sản có thể gây dị ứng với 1 số người

Dị ứng hải sản là gì?

Dị ứng hải sản là phản ứng miễn dịch bất thường của hệ thống miễn dịch trong cơ thể đối với protein của một số hải sản.

Khi ăn vào cơ thể sẽ là những kháng nguyên gây dị ứng thực sự và làm kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể gây dị ứng và xuất hiện các phản ứng dị ứng. Cơ thể sẽ tạo ra một loại kháng thể để chống lại chất gây dị ứng có trong hải sản. Nếu tiếp tục ăn, chất dị ứng sẽ thúc đẩy kháng thể này kết hợp với các tế nào của hệ miễn dịch để tạo ra histamin.

Histamin có thể gây ra các phản ứng dị ứng khác nhau tùy vào tổ chức, cơ quan mà nó tác động đến, từ đó sẽ gây nên những bệnh lý khác nhau như: histamin phóng ra ở mũi, vòm miệng và họng sẽ làm hắt hơi, ngạt mũi, khó nuốt, khó thở, phóng ra ở ruột thì gây rối loạn tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và nôn, phóng ra trên da sẽ gây phát ban, ngứa, mề đay,…

Một số người bị dị ứng hải sản sẽ có phản ứng với tất cả các hải sản, nhưng có những người chỉ phản ứng với một số loại nhất định. Các phản ứng có thể từ các triệu chứng nhẹ như phát ban hoặc nghẹt mũi đến triệu chứng nặng, thậm chí đe dọa tính mạng.

Hải sản gây dị ứng bao gồm các thực phẩm như các loại cá: cá hồi, cá ngừ, cá tuyết…, hay các loại động vật giáp xác: như tôm, cua, hàu, tôm hùm, bạch tuộc, động vật thân mềm: mực, sò điệp, ngao, vẹm…

Những biểu hiện của bệnh

Biểu hiện của dị ứng hải sản rất đa dạng và thường xảy ra rất nhanh, thường chỉ sau khi ăn khoảng vài giờ, thậm chí rất nhanh khoảng vài chục phút. Phản ứng dị ứng không phụ thuộc vào số lượng ăn nhiều hay ít mà phụ thuộc vào độ mẫn cảm của từng người.

  • Phản ứng dị ứng nhẹ biểu hiện như: nổi mày đay, ngứa, nôn nao, khó chịu. Các triệu chứng này sẽ giảm và mất dần chỉ sau vài giờ.
  • Một số triệu chứng thường gặp như đau đầu, chóng mặt, ngất. Một số trường hợp ở mức độ nặng có thể gây phù nề mặt, khó thở, nôn, đau quặn bụng, có cảm giác nóng rát vùng thượng vị, tiêu chảy…
  • Các triệu chứng của hô hấp như hắt hơi, ngạt, chảy nước mũi, khó thở kiểu hen, co thắt thanh quản.
  • Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy.
  • Sốc phản vệ có thể xảy ra khi có trụy tim mạch với các triệu chứng sốc như da tái lạnh, mạch nhanh nhỏ, nổi vân tím, tụt huyết áp. Nếu người bệnh không được cấp cứu có thể dẫn đến tử vong.
Dị ứng hải sản
Ngứa, nổi mề đay là những biểu hiện khi bị dị ứng

Những người dễ bị dị ứng hải sản

Trường hợp nguy cơ cao bị dị ứng hải sản là trẻ em, người cao tuổi, người mắc một trong các bệnh dị ứng như: bệnh suyễn, chàm, phát ban, viêm mũi xoang dị ứng, viêm da cơ địa…, hoặc trong gia đình có nhiều người có tiền sử cơ địa dị ứng.

Dấu hiệu cần đến gặp bác sĩ

Dị ứng có thể gây ra một phản ứng nghiêm trọng, có khả năng đe dọa tính mạng được gọi là sốc phản vệ, đặc biệt trong trường hợp dị ứng hải sản. Bạn nên đến thăm khám bác sĩ khi xuất hiện những dấu hiệu và triệu chứng bao gồm:

  • Cổ họng, lưỡi bị sưng hoặc co thắt đường thở khiến bạn khó thở.
  • Ho, nghẹt thở hoặc thở khò khè.
  • Sốc, huyết áp giảm nghiêm trọng và mạch nhanh hoặc yếu.
  • Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy.
  • Phát ban da nghiêm trọng, nổi mề đay, ngứa hoặc sưng.
  • Chóng mặt, choáng váng hoặc ngất xỉu.

Cách xử lý khi bị dị ứng hải sản

Dị ứng hải sản chỉ xảy ra trên một số ít người có cơ địa không tiếp nhận những loại thực phẩm gây dị ứng. Tuy nhiên để đề phòng dị ứng hải sản, chúng ta cần thực hiện những biện pháp như sau:

  • Đối với những người đã có tiền sử dị ứng với loại thức ăn nào thì nên tránh ăn thức ăn đó.
  • Khi phát hiện các phản ứng dị ứng, việc đầu tiên cần làm là gây nôn để loại bỏ các chất dị ứng trong thức ăn không phóng thích vào cơ thể thêm nữa.
  • Để giải quyết các biểu hiện dị ứng trên tiêu hóa (buồn nôn, tiêu chảy…) cần cho người bệnh dùng thuốc cầm tiêu chảy (smectite intergrade, berberin, loperamid,…) vì cơ thể cần thải trừ hết độc tố. Các thuốc này có tác dụng làm giảm nhu động ruột nên giảm số lần đi ngoài nếu dùng ngay sẽ làm cho tác nhân gây bệnh bị thải hồi rất chậm, làm cho tiêu chảy càng thêm kéo dài, thậm chí nặng hơn, phân không tống xuất ra ngoài được, ứ lại trong ruột sinh đầy hơi, trướng bụng, nôn nhiều…
  • Đối với trường hợp bị dị ứng nhẹ như mề đay cấp, ngứa, chảy nước mũi, hắt hơi…), có thể dùng các thuốc kháng histamin như: phenergan, cetirizin, chlopheniramin, loratadin… để giảm triệu chứng. Về ngoài da có thể bôi kem dịu da, chống ngứa có methol, phenol, sulfat kẽm, người bệnh nên tránh cào gãi vì có thể làm trầy xước da và tăng phản ứng nổi ban mề đay, ngứa.
  • Trường hợp xuất hiện các phản ứng dị ứng ở mức độ nặng, cần đưa ngay người bệnh đến bệnh viện để dùng các loại thuốc chống dị ứng và điều trị thích hợp.
  • Người bệnh không tự ý sử dụng bừa bãi các loại thuốc chống dị ứng mà chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Mỗi ngày nên uống từ 1,5-2 lít nước sẽ làm giảm các triệu chứng dị ứng.

Các biện pháp dân gian

Sử dụng mật ong

Mật ong được biết đến là nguồn nguyên liệu có đặc tính chống viêm, kháng khuẩn và chữa lành vết thương.

Khi gặp trường hợp dị ứng hải sản, bạn có thể sử dụng một ly nước ấm pha cùng với mật ong nguyên chất để cải thiện các triệu chứng dị ứng. Tuy nhiên với những người có tiền sử dị ứng với mật ong hoặc phấn hoa thì cân nhắc khi sử dụng mật ong.

Chanh, mật ong có thể làm giảm những triệu chứng khi bị dị ứng

Nước chanh

Trong nước chanh chứa nhiều vitamin C, một chất chống oxy hóa mạnh giúp duy trì hệ thống miễn dịch, chống lại nhiễm trùng và bệnh tật.

Thêm nữa, một nghiên cứu vào năm 2009 cho thấy việc sử dụng chanh có thể làm giảm các triệu chứng như hắt hơi và chảy nước mắt liên quan đến dị ứng nghiêm trọng.

Gừng

Ngoài tính ấm giúp giảm khó chịu cho dạ dày, gừng còn có tác dụng giải độc, ngăn chặn histamine đem lại lợi ích cho chức năng miễn dịch của cơ thể.

Một số nhà khoa học tin rằng chiết xuất gừng có thể có hiệu quả như Claritin (loratadine) trong việc điều trị các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống ở những người bị dị ứng.

Trà xanh

Ngoài đặc tính chống oxy hóa và kháng viêm, một số nghiên cứu cho thấy trà xanh có thể cản trở quá trình kích hoạt tế bào mast và ức chế histamine, đem lại hiệu quả trong việc điều trị dị ứng.

Hơn nữa, quercetin – một loại flavonoid có trong trà xanh giúp ổn định các tế bào giải phóng histamine, bảo vệ hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Các phương pháp phòng ngừa

  • Thực hiện ăn chín uống sôi. Không nên ăn gỏi cá, gỏi mực, gỏi sứa, tái hay chưa nấu chín, nhất là cá hồi, cá mòi, cá thu…
  • Không ăn hải sản giàu vitamin C, vì khi ăn kết hợp có nguy cơ gây ngộ độc thạch tín cấp tính, nếu nghiêm trọng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
  • Hạn chế ăn hải sản đã chế biến lâu. Không ăn tôm, cua, sò hến chết. Đặc biệt là cua chế càng lâu thì lượng histamin sinh ra càng nhiều, khi ăn vào càng dễ bị dị ứng, ngộ độc.
  • Không nên ăn kèm với các thực phẩm có tính mát khác như rau muống, dưa chuột, dưa hấu, lê, những đồ uống có gas, nước lạnh…dễ gây cảm giác khó chịu, đầy bụng, khó tiêu.
  • Không nên ăn các hải sản được đánh bắt ở vùng thủy triều đỏ có thể mang tảo độc và gây ngộ động như trai, sò, ngao,…
  • Khi ăn các món hải sản lạ thì nên thử từng ít một, cần cẩn trọng với trẻ em do hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh, vì thế nguy cơ dị ứng, ngộ độc sẽ cao hơn. Tuyệt đối không cho bé thử các loại hải sản lạ, ngay cả những loại thông thường nên cho ăn từng ít một rồi tăng dần lên.
  • Đọc nhãn thực phẩm cẩn thận. Không nên ăn các thực phẩm đóng gói có chứa chất bảo quản và các thành phần được ghi như “hương vị hải sản”, “nguồn gốc từ cá”.
  • Không uống bia, rượu hay chất kích thích khi ăn hải sản. Việc uống rượu bia sau khi bị dị ứng hải sản có thể gây rối loạn tuần hoàn, nên tình trạng dị ứng nghiêm trọng và phức tạp có thể xảy ra.
  • Tránh ăn đồ cay nóng. Một số loại thực phẩm như ớt, tiêu hay đồ ăn nhanh có thể khiến kích thích dạ dày, khó tiêu.
  • Đối với trẻ em, cần cẩn trọng khi giới thiệu thực phẩm mới cho trẻ, nên bắt đầu bằng một lượng nhỏ, sau đó ăn tăng dần.
  • Những người thuộc đối tượng nguy cơ dễ bị dị ứng hải sản, nên mang theo bên mình các loại thuốc chống dị ứng thông thường dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ.

Dị ứng hải sản là tình trạng thường thấy ở nhiều người. Chính vì vậy người có cơ địa dị ứng hải sản nên cẩn trọng trong chọn lựa thực phẩm và biết cách xử trí nhanh khi chẳng may phản ứng dị ứng xảy ra.

Leave a reply