Đổ mồ hôi đêm không chỉ do thời tiết nóng bức mà có thể là triệu chứng cảnh báo cơ thể đang gặp một chứng bệnh nghiêm trọng. Bệnh gây nên nhiều trở ngại trong sinh hoạt, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sức khỏe người gặp phải.

Đổ mồ hôi đêm: nguyên nhân và cách khắc phục
Đổ mồ hôi đêm có thể cảnh báo nhiều bệnh lý

Đổ mồ hôi đêm do nguyên nhân gì?

Đổ mồ hôi đêm hay tiết mồ hôi ban đêm còn được gọi là hội chứng hyperhidrosis khi ngủ khiến cho quần áo ngủ, chăn, gối, ga trải giường bị ướt mà nguyên nhân không liên quan đến vấn đề nhiệt độ trong phòng ngủ quá nóng.

Đổ mồ hôi về đêm là biểu hiện bất thường, cảnh báo những dấu hiệu bệnh lý của cơ thể. Tình trạng này thường gặp nhất đối với phụ nữ và ảnh hưởng đến khoảng hơn 3% dân số thế giới.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra chứng tiết mồ hôi ban đêm. Một số yếu tố đã được chứng minh có thể gây ra chứng tiết mồ hôi ban đêm bao gồm:

Thời kỳ mãn kinh

Đây là nguyên nhân rất phổ biến của tình trạng đổ mồ hôi ban đêm ở phụ nữ. Những cơn bốc hỏa trong thời kỳ mãn kinh có thể xảy ra ngay cả trong lúc ngủ khiến cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi vào thời gian này. Những phụ nữ trẻ đã phải thực hiện các thủ thuật cắt bỏ 2 buồng trứng hoặc trải qua quá trình hóa trị điều trị ung thư dẫn đến ngừng kinh nguyệt cũng có thể mắc phải chứng đổ mồ hôi ban đêm. Bên cạnh đó, bệnh trầm cảm hay tình trạng lo lắng quá mức trong thời kỳ mãn kinh cũng như chán nản hoặc uống nhiều rượu mỗi ngày cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới hội chứng này.

Rối loạn nội tiết tố

Đổ mồ hôi hoặc thi thoảng xuất hiện những cơn đỏ bừng mặt có thể bắt gặp ở những bệnh nhân rối loạn nội tiết tố bao gồm pheochromocytoma, hội chứng carcinoid và bệnh cường giáp.

Pheochromocytoma hay u tủy thượng thận là tình trạng xuất hiện những khối u tương đối hiếm gặp ở tuyến thượng thận tuy nhiên chúng không phải là ung thư. U tủy thượng thận khiến cơ thể sản xuất quá nhiều hormone, làm tăng huyết áp và gây ra tình trạng đổ mồ hôi ban đêm, đau đầu cũng như mạch đập nhanh. Hầu hết những người mắc u tủy thượng thận đều thuộc độ tuổi từ 20 đến 50 tuổi. Những nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc u tủy thượng thận là những người tăng huyết áp hoặc mắc một số rối loạn liên quan đến di truyền.

Đổ mồ hôi ban đêm vô căn

Đổ mồ hôi ban đêm vô căn là tình trạng các tuyến mồ hôi trong cơ thể tăng cường hoạt động một cách bất thường mà không do bất kỳ một nguyên nhân hay một vấn đề sức khỏe nào tác động.

Nhiễm trùng

Tình trạng nhiễm trùng có thể khiến bệnh nhân đổ nhiều mồ hôi, đặc biệt là vào ban đêm. Một số bệnh nhiễm trùng như viêm nội tâm mạc do vi khuẩn (nhiễm trùng lớp lót bên trong của tim và van tim) và viêm tủy xương (nhiễm trùng xương) có thể gây ra tình trạng này. Những bệnh nhiễm trùng khác hiếm gặp hơn đôi khi cũng dẫn đến chứng tiết mồ hôi vào ban đêm.

Sốt, đau, sưng hạch bạch huyết và đau nhức các khớp là những triệu chứng phổ biến của bệnh nhân mắc HIV/AIDS và chúng có thể dẫn đến chứng ra mồ hôi ban đêm. Theo thống kê cứ 10 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS thì có 1 người mắc chứng này. Một số những bệnh nhiễm trùng cơ hội liên quan đến AIDS như mycobacterium avium và cytomegalovirus cũng có thể khiến người bệnh đổ nhiều mồ hôi hơn vào ban đêm.

Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã cho thấy khoảng hơn một nửa số người mắc bệnh lao bị đổ mồ hôi ban đêm. Vi khuẩn lao phát triển trong phổi khiến người bệnh ho kéo dài, ho ra máu, sốt, mệt mỏi, chán ăn….

Ung thư

Đổ mồ hôi ban đêm là triệu chứng sớm của một số bệnh ung thư, nhưng phổ biến nhất là ung thư hạch, bắt đầu từ hệ thống miễn dịch của cơ thể như hạch bạch huyết, lá lách, tủy xương và tuyến ức…. Khoảng một 25% số người mắc bệnh ung thư hạch Hodgkin bị sốt và tiết mồ hôi vào ban đêm. Họ cũng cảm thấy mệt mỏi, ngứa ngáy và đau ở khu vực khối u phát triển. Tuy nhiên những người bị ung thư mà không được phát hiện sớm và chẩn đoán kịp thời cũng có thể xuất hiện các triệu chứng khác, chẳng hạn như sốt và giảm cân không rõ nguyên nhân.

Thuốc

Rất nhiều loại thuốc được sử dụng đề điều trị các bệnh lý khác có thể gây ra chứng đổ mồ hôi ban đêm, trong đó thuốc chống trầm cảm là loại thuốc phổ biến nhất dẫn đến tình trạng này. Theo thống kê có khoảng 8 – 22% số người sử dụng thuốc chống trầm cảm bị tiết mồ hôi ban đêm. Ngoài ra các loại thuốc tâm thần khác cũng có thể dẫn đến tình trạng này.

Một số loại thuốc hạ sốt như acetaminophen, aspirin và ibuprofen cũng gây đổ mồ hôi ban đêm những thường không nghiêm trọng. Bên cạnh đó liệu pháp điều trị thay thế hormone và steroid như cortisone hay prednison cũng bị nghi ngờ gây ra tình trạng tiết mồ hôi ban đêm.

Một số loại thuốc trị tăng nhãn áp và khô miệng cũng kích thích tuyến mồ hôi của người bệnh hoạt động mạnh mẽ hơn, đặc biệt là vào ban đêm.

Hạ đường huyết

Lượng đường trong máu thấy có thể gây ra chứng đổ mồ hôi. Những người đang sử dụng insulin trong điều trị bệnh đái tháo đường hoặc các loại thuốc điều trị tiểu đường khác có thể bị hạ đường huyết kèm theo đổ nhiều mồ hôi vào ban đêm.

Một số bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh

Mặc dù không phải là nguyên nhân hàng đầu tuy nhiên các bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh bao gồm chứng khó đọc, tình trạng syringomyelia sau chấn thương, đột quỵ và bệnh lý thần kinh tự trị có thể khiến tuyến mồ hôi tăng cường hoạt động và gây ra chứng đổ mồ hôi ban đêm.

Đổ mồ hôi đêm do mãn kinh

Khi nào cần đi gặp bác sĩ?

Các dấu hiệu đi kèm cùng với hiện tượng đổ mồ hôi, phải đi khám ngay:

  • Đổ mồ hôi dai dẳng và không ngớt: Hầu hết các trường hợp đổ mồ hôi ban đêm không phải do ung thư sẽ không dai dẳng. 
  • Các triệu chứng liên quan khác như mệt mỏi và thiếu năng lượng 
  • Cũng có thể có vết bầm tím không có lý do 
  • Có thể bị đau không rõ lý do 
  • Có thân nhiệt rất cao
  • Cảm thấy nóng và run rẩy
  • Gặp các triệu chứng bất thường khác
  • Các hạch có thể sưng to 
  • Cũng có thể đổ mồ hôi cả vào những hôm trời không quá nóng 
  • Sưng hạch và dễ bị bầm tím: Đổ mồ hôi ban đêm do ung thư phổ biến nhất là bệnh bạch cầu và ung thư hạch – là những loại ung thư liên quan đến máu và hệ thống hạch bạch huyết. Do đó, người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng như sưng hạch và dễ bị bầm tím.

Đổ mồ hôi ban đêm kèm theo sốt cao, ho, tiêu chảy hoặc giảm cân không rõ lý do có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nghiêm trọng. Ở những người bị ung thư hạch hoặc HIV, tiết mồ hôi đêm thường là dấu hiệu cảnh báo bệnh đang tiến triển xấu.

Điều trị đổ mồ hôi ban đêm

Để chữa tiết mồ hôi nhiều, bác sĩ sẽ thực hiện các bước giải quyết nguyên nhân cơ bản. Kế hoạch điều trị đề ra sẽ phụ thuộc vào chẩn đoán cụ thể của từng trường hợp.

Ra mồ hôi đêm do mãn kinh

Điều trị bằng hormone thường được đề xuất cho nữ bệnh nhân tuổi mãn kinh. Liệu pháp này có tác dụng giảm số lần gặp phải cơn bốc hỏa, cũng như hạn chế bớt các triệu chứng khác. Bác sĩ cũng có thể kê toa các loại thuốc khác, chẳng hạn như gabapentin, clonidine hoặc venlafaxine, để kiểm soát tình trạng đổ mồ hôi ban đêm.

Nhiễm trùng tiềm ẩn là nguyên nhân đổ mồ hôi đêm

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus hoặc các loại thuốc khác để điều trị bệnh nhiễm trùng, từ đó chấm dứt hiện tượng ra nhiều mồ hôi khi ngủ.

Tiết mồ hôi ban đêm là do ung thư

Nhiều khả năng bệnh nhân sẽ được kết hợp các loại thuốc hóa trị, phẫu thuật hoặc các phương pháp điều trị khác nhau. Cách này vừa giúp kiểm soát tốt khối u, vừa hạn chế tác dụng phụ do một phương pháp chữa ung thư nhất định.

Mồ hôi ban đêm có liên quan với các loại thuốc đang dùng

Trong trường hợp này, bạn sẽ được điều chỉnh liều lượng hoặc đề nghị dùng một loại thuốc thay thế. Các loại thuốc kháng cholinergic cũng có tác dụng giúp giảm tiết mồ hôi, nhưng chỉ nên dùng khi có chỉ định của bác sĩ.

Lạm dụng rượu, tiêu thụ caffeine hoặc hút thuốc là căn nguyên của mồ hôi ban đêm

Bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân nên hạn chế hoặc tránh các chất này. Trong một số trường hợp, bạn sẽ được kê đơn thuốc hoặc đề nghị trị liệu để giúp bỏ thuốc lá. Ngoài ra, các chuyên gia y tế cũng khuyên người bệnh nên điều chỉnh thói quen ngủ và trong sinh hoạt.

Việc thay đổi thói quen nhỏ trong sinh hoạt, ăn uống cũng ảnh hưởng phần nào đến quá trình cải thiện chứng mồ hôi đêm. Những điều cần làm đó là:

  • Tránh xa các yếu tố dễ dẫn tới đổ mồ hôi như thức ăn cay, cà phê, hút thuốc lá hoặc uống rượu bia.
  • Nên mặc quần áo mỏng nhẹ khi đi ngủ và ngủ trong phòng có điều hòa hoặc quạt.
  • Giữ cho tinh thần thoải mái vì căng thẳng dồn nén cũng sẽ dẫn tới đổ mồ hôi đêm.
  • Uống ít nhất 6 ly nước/ngày để điều chỉnh nhiệt độ ngay bên trong cơ thể
  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp đầy đủ với rau quả. Nói không với đồ nhiều dầu mỡ, có khả năng sinh nhiều năng lượng.

Nếu tình trạng kéo dài, kèm theo nhiều dấu hiệu nặng hơn thì bạn nên đến bác sĩ để được trực tiếp thăm khám. Qua kiểm tra, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận về thể trạng cũng như các vấn đề kèm theo (nếu có). Từ đó, có hướng xử trí kịp thời và tư vấn kĩ lưỡng hơn trong việc chăm sóc, thay đổi lối sống khoa học hơn.

Leave a reply