Sảy thai là rủi ro lớn nhất đối với sản phụ trong quá trình mang thai. Sảy thai không chỉ gây nên những tổn thất nặng nề về mặt tinh thần mà còn suy giảm về sức khỏe lâu dài của sản phụ. vậy đâu là nguyên nhân gây ra và những dấu hiệu cảnh báo là gì?

Sảy thai là gì?

Sảy thai là hiện tượng mất thai một cách tự nhiên trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Theo thống kê, có tới 10 – 15% tổng số thai kỳ bị ngưng sớm do sảy thai, trong đó 80% các ca diễn ra trước tuần thứ 12 của thai kỳ.

Sảy thai có thể có nhiều kiểu khác nhau như:

  • Sảy thai hoàn toàn: Là tình trạng thai bị sảy và sẽ ra khỏi cơ thể mẹ bầu trong một lần duy nhất.
  • Sảy thai không hoàn toàn: Phôi thai chết nhưng không được đẩy ra hết mà sẽ đẩy ra dần dần.
  • Sảy thai liên tiếp (tái phát): là trường hợp bị sảy thai 3 lần liên tiếp. Tuy nhiên, tình trạng khá hiếm gặp.
  • Sảy thai ngoài tử cung: Do chửa ngoài tử cung, trứng không làm tổ ở tử cung mà ở vị trí khác, thường gặp hơn cả là ở ống dẫn trứng. Trường hợp này dù không tự sảy thai thì cũng cần có biện pháp can thiệp sớm vì nó có nguy cơ gây biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng cả mẹ và thai nhi.
  • Sảy thai do nhiễm trùng: Khi các mô thai không được thải ra toàn bộ, tình trạng nhiễm trùng tử cung có khả năng xảy ra, dẫn tới hiện tượng sảy thai do nhiễm trùng.
  • Dọa sảy thai: Là tình trạng xuất huyết âm đạo, chuột rút kèm xuất huyết cảnh báo nguy cơ sảy thai.

Thậm chí có nhiều trường hợp xảy ra quá sớm, phụ nữ không nhận ra mình bị sảy thai mà chỉ nghĩ rằng đó là một chu kỳ kinh nguyệt đến muộn.

Nguyên nhân gây hư thai

Trong thời kỳ mang thai, cơ thể người mẹ cung cấp hormone và chất dinh dưỡng cho thai nhi phát triển toàn diện. Hầu hết các trường hợp sảy thai trong ba tháng đầu đều xuất phát từ nguyên nhân thai nhi không phát triển bình thường. Lý do có thể là:

Các vấn đề về di truyền hoặc nhiễm sắc thể

Một bào thai được hình thành và phát triển nhờ một bộ nhiễm sắc thể của mẹ và một bộ nhiễm sắc thể từ cha. Nếu chẳng may một đoạn nhiễm sắc thể bị lỗi sẽ gây nên bất thường ở bào thai, dẫn tới sảy thai. Những bất thường bào thai này thường gây ra tình trạng:

  • Thai chết lưu trong tử cung: Phôi thai hình thành nhưng ngừng phát triển trước khi bạn phát hiện mình mang thai hoặc cảm nhận được các triệu chứng của thai lưu.
  • Noãn bị teo: Không có phôi nào hình thành.
  • Mang thai mol: Tế bào người bình thường chứa 23 cặp nhiễm sắc thể – một bộ từ mẹ và bộ kia từ bố. Khi người mẹ mang thai mol, có thêm một bộ nhiễm sắc thể đến từ người cha. Khi điều này xảy ra, trứng đã thụ tinh sẽ không thể sống sót, khiến thai nhi chết trong những tuần đầu thai kỳ.
  • Trứng hoặc tế bào tinh trùng bị hỏng: Phôi không tiếp tục phát triển, dẫn đến sảy thai.
  • Tình trạng sức khỏe và lối sống người mẹ

Bệnh lý

Những bệnh lý tiềm ẩn và lối sống kém lành mạnh của thai phụ cũng góp phần cản trở sự phát triển của thai nhi. Cụ thể là:

  • Mẹ có chế độ ăn uống không đầy đủ dinh dưỡng, hoặc bị suy dinh dưỡng trước khi mang thai
  • Mẹ bị thừa cân – béo phì
  • Mẹ sử dụng ma túy và uống nhiều rượu bia
  • Mẹ bị bệnh lý tuyến giáp không điều trị triệt để
  • Mẹ bị rối loạn hormone
  • Mẹ bị bệnh đái tháo đường
  • Mẹ đang bị một bệnh lý nhiễm trùng hoặc chấn thương
  • Mẹ đang gặp vấn đề với cổ tử cung (nhiễm trùng, ung thư…)
  • Tử cung người mẹ có hình dạng bất thường
  • Mẹ bị tăng huyết áp nghiêm trọng
  • Mẹ đang sử dụng một số loại thuốc gây hại cho thai nhi.

Nguy cơ

Nguy cơ sảy thai lại tăng cao ở những đối tượng

  • Phụ nữ mang thai khi đã lớn tuổi. Phụ nữ mang thai khi 45 tuổi có tỉ lệ sảy thai lên tới 50%, trong đó tỉ lệ này ở phụ nữ từ 35 đến 45 tuổi là 20-30%.
  • Phụ nữ có tiền sử sảy thai trước đó cũng đứng trước nguy cơ sảy thai cao
  • Sản phụ thừa cân hay nhẹ cân đều có nguy cơ sảy thai
  • Mẹ bầu mắc các bệnh mãn tính
  • Mẹ bầu xuất hiện các bất thường trong tử cung như mô sẹo
  • Hút thuốc, sử dụng thuốc và rượu tăng nguy cơ sảy thai.

Nhiều phụ nữ sau khi sảy thai lại nóng lòng muốn có thai trở lại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, 3 tháng là thời gian vừa đủ để cơ thể người phụ nữ phục hồi về nội tiết, tử cung, cơ quan sinh sản và tâm lý. Vì vậy, 3 tháng sau khi sảy thai, phụ nữ mới nên mang thai trở lại.

Sảy thai nhiều lần cũng là nguyên nhân dẫn đến vô sinh. Do vậy, để tránh ảnh hưởng đến quá trình sinh sản về sau, sản phụ nên sớm nhận biết các dấu hiệu sảy thai và có phương pháp điều trị kịp thời để tránh được hiện tượng vô sinh.

Sảy thai: nguyên nhân và dấu hiệu

Dấu hiệu của sảy thai

Chảy máu âm đạo

Nhiều khi chảy máu âm đạo không phải là dấu hiệu của tình trạng sảy thai. Tuy nhiên để chắc chắn nhất, bạn nên đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân chảy máu âm đạo.

Trong trường hợp chảy máu âm đạo do sảy thai sẽ đi kèm với một số dấu hiệu khác như: hiện tượng co thắt mạnh tương tự như trong kỳ kinh nguyệt, máu thường có màu nâu hoặc đỏ tươi, xuất huyết nhiều đến mức thấm hết một miếng gạc trong một giờ hoặc ít hơn và vón cục.

Chất nhầy âm đạo

Trong những tuần đầu mang thai, sản phụ có thể bị những mảng huyết dày kèm theo đó là xuất hiện chất nhầy hồng hoặc xám, chuột rút… đó có thể là dấu hiệu của dọa sảy thai đang hoặc đã xảy ra.

Đau bụng dưới kèm đau lưng

Khi cảm thấy đau bụng dưới kèm đau lưng, bạn cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra chi tiết. Các cơn đau thường xuất hiện ở vùng thắt lưng gây đau dai dẳng hoặc đau từng cơn có thể là dấu hiệu bạn đã sảy thai, đặc biệt nếu bạn không bị xuất huyết. Các cơn co thắt xảy ra cách nhau 15-20 phút và thường rất đau đớn.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp, những cơn đau này xuất hiện khi đang điều chỉnh để thích nghi với sự phát triển của bào thai.

Mất triệu chứng thai nghén

Khi mất các triệu chứng thai nghén, sản phụ có nguy cơ thai ngưng phát triển. Dưới đây là các dấu hiệu cho thấy, mẹ bầu đã mất các triệu chứng thai nghén:

  • Mức hormone trong cơ thể trở lại bình thường
  • Ít xuất hiện cảm giác buồn nôn
  • Không còn cảm giác mang thai khi bầu vú bớt sưng và đau.

Khám thai

Khi mẹ bầu xuất hiện tất cả các dấu hiệu trên thì cũng không thể khẳng định đã sảy thai hay chưa. Do vậy, bạn nên đến gặp các bác sĩ để được thăm khám chính xác.

Tại đây, sản phụ sẽ được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm như: xét nghiệm máu, kiểm tra vùng chậu hoặc siêu âm để chẩn đoán khả năng sống sót của bào thai.

Cách xử lý khi bị sảy thai

Bác sĩ sẽ xác định bạn có bị sảy thai hay không bằng cách thực hiện kiểm tra vùng chậu và siêu âm. Nếu kết quả chắc chắn là sảy thai và tử cung không bị nhiễm trùng, bạn sẽ không cần điều trị. Nhưng nếu có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc một số tình trạng khác, các phương pháp điều trị sau có thể được áp dụng:

  • Nong và nạo tử cung (D&C): Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ làm giãn cổ tử cung và nhẹ nhàng loại bỏ các mô hoặc bào thai còn sót lại trong tử cung;
  • Sử dụng thuốc: Thuốc có thể được dùng thay cho thủ thuật D&C, chẳng hạn như misoprostol để làm cho tử cung tự lành.

Sau khi sảy thai, mẹ nên thăm khám với bác sĩ để biết chính xác nguyên nhân và được tư vấn cách phục hồi sức khỏe, ổn định tinh thần, giúp cho việc mang thai ở lần sau thuận lợi hơn. Ngoài ra, trước khi tiến hành kế hoạch thụ thai, các mẹ cũng nên thăm khám lại để chắc chẳn rằng cơ thể mình đã sẵn sàng cho hành trình sắp tới.

Phục hồi sau khi bị sảy thai

Sau khi sảy thai, hầu hết phụ nữ đều muốn mình thụ thai trở lại càng sớm càng tốt. Trên lý thuyết, việc này hoàn toàn có khả năng xảy ra. Bởi lẽ, chu kỳ kinh nguyệt sẽ đến trong khoảng 4 – 6 tuần sau đó. Tuy nhiên, bạn cần chuẩn bị thật tốt cả về thể chất lẫn tinh thần để lần mang thai này không có rủi ro nào. Những bước chuẩn bị này bao gồm:

  • Dành thời gian nghỉ ngơi hoàn toàn
  • Có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng
  • Tránh quan hệ tình dục
  • Tránh tập luyện cường độ cao
  • Cân bằng cảm xúc
Kiểm soát bệnh và bổ sung dưỡng chất trước, trong thời kỳ mang thai

Phòng ngừa nguy cơ sảy thai

Rất khó để ngăn ngừa sảy thai một cách tuyệt đối. Thế nhưng, bạn vẫn có thể trải qua một thai kỳ khỏe mạnh và giảm nguy cơ hư thai bằng cách:

Bổ sung axit folic

Các chuyên gia cho biết bổ sung 400mcg axit folic mỗi ngày sẽ giúp giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh ở trẻ – tác nhân dẫn đến sảy thai. Vì thế, ngay khi có ý định mang thai, bạn cần uống viên axit folic hàng ngày. Tiếp tục dùng nó trong suốt thai kỳ để phòng ngừa rủi ro xảy đến với em bé.

Tuân thủ lối sống lành mạnh

Chế độ sinh hoạt không lành mạnh là nguyên nhân phổ biến khiến thai nhi ngừng phát triển. Do đó, các mẹ bầu nên tránh:

  • Hút thuốc lá (chủ động và thụ động)
  • Uống quá nhiều rượu bia
  • Sử dụng chất kích thích
  • Hạn chế lượng caffeine tiêu thụ ở mức 300mg hoặc ít hơn mỗi ngày

Đồng thời, cần đảm bảo:

  • Tập thể dục thường xuyên, chọn các bài tập phù hợp với phụ nữ mang thai như yoga, bơi lội, đi bộ…
  • Ngủ đủ giấc (7 – 9 giờ/ngày)
  • Có chế độ ăn uống lành mạnh, đủ chất trong cả ba tam cá nguyệt.

Duy trì cân nặng hợp lý

Cả thừa cân – béo phì lẫn suy dinh dưỡng đều làm tăng nguy cơ bị các biến chứng thai kỳ, trong đó có sảy thai. Cho nên, bạn cần giữ cân nặng ở mức ổn định (18,5 < BMI < 23) trước khi mang thai, và tăng cân đúng chuẩn trong suốt thai kỳ.

Đề phòng nhiễm trùng

Hãy rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc gel rửa tay khô. Việc làm này sẽ giúp bạn phòng tránh các bệnh về đường hô hấp như cảm cúm, cảm lạnh và viêm phổi.

Bên cạnh đó, hãy chắc chắn rằng bạn đã tiêm ngừa đủ mũi vắc xin trước khi mang thai. Nhờ đó, bạn sẽ tránh được sự tấn công của các căn bệnh gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng với thai nhi, chẳng hạn như thủy đậu, sởi, rubella, viêm gan…

Kiểm soát các bệnh lý mạn tính

Nếu bạn đang gặp một vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn như tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc mắc bệnh lý tự miễn, hãy điều trị bệnh dứt điểm. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa hiện tượng sảy thai.

Có đời sống tình dục an toàn

Ngay sau khi sảy thai, tử cung rất nhạy cảm, và hiện tượng xuất huyết kèm dịch âm đạo là điều tất yếu. Vì thế, bác sĩ sẽ khuyến cáo bạn tránh quan hệ tình dục cho đến khi ngừng chảy máu hoàn toàn. Cụ thể, bạn nên kiêng giao hợp ít nhất 6 tuần kể từ khi hư thai để tránh các biến chứng.

Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs) như lậu, giang mai, sùi mào gà… có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm khi mang thai. Vì thế khi sinh hoạt tình dục trong thai kỳ, bạn hãy sử dụng bao cao su, chung thủy một vợ một chồng… để giảm nguy cơ mắc STD.

Xét nghiệm tiền hôn nhân hoặc thực hiện các xét nghiệm sàng lọc trước khi mang bầu là điều vô cùng quan trọng đối với những người phụ nữ chuẩn bị làm mẹ. Thực hiện xét nghiệm sàng lọc không chỉ đối với nữ giới mà nên thực hiện ở các cặp vợ chồng.

Để ngăn ngừa sảy thai và đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh nhất, thai phụ nên chủ động khám, kiểm tra và theo dõi sức khỏe của mẹ và bé ngay từ đầu thai kỳ.

Leave a reply