Bệnh bạch cầu chính là một dạng tên gọi khác của ung thư máu. Căn bệnh này có nhiều dạng, xảy ra ở trẻ em phổ biến hơn ở người lớn. Khi mắc bệnh số lượng bạch cầu sinh ra bị xáo trộn hay mất dần chức năng thậm chí là thay đổi.

Bệnh bạch cầu: nguyên nhân và cách điều trị
Bệnh bạch cầu

Bệnh bạch cầu là gì?

Bệnh bạch cầu được định nghĩa là một bệnh ung thư máu (bao gồm cả tủy xương và hệ bạch huyết) nguyên nhân do sự quá sản tế bào bất thường của tủy xương.

Thông thường, các tế bào bạch cầu có chức năng giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Chúng thường phát triển và phân chia một cách có trật tự, khi cơ thể bạn cần chúng. Tuy nhiên ở những người mắc bệnh này, tủy xương tạo ra quá nhiều tế bào bạch cầu bất thường, khiến chúng không hoạt động đúng chức năng.

Bệnh bạch cầu có nhiều loại, một số loại phổ biến ở trẻ nhỏ, một số loại khác thì hầu như chỉ xảy ra ở người lớn.

Bạch cầu hạt (bạch cầu đa nhân)

Chứa những hạt lớn trong bào tương. Trong bạch cầu hạt lại chia ra: bạch cầu trung tính, bạch cầu ái kiềm và bạch cầu ái toan.

  • Bạch cầu trung tính: Chiếm phần lớn các tế bào bạch cầu trong cơ thể, có nhiệm vụ tiêu diệt vi khuẩn và nấm trong cơ thể nếu có.
  • Bạch cầu ái kiềm: Chiếm ít hơn 1% tế bào bạch cầu trong cơ thể và thường tăng số lượng sau một phản ứng dị ứng.
  • Bạch cầu ái toan: Chịu trách nhiệm đáp ứng với tình trạng nhiễm trùng do ký sinh trùng gây ra. Đồng thời cũng đóng vai trò quan trọng trong phản ứng miễn dịch, phản ứng viêm của cơ thể.

Tế bào lympho

Tế bào lympho bao gồm:

  • Tế bào lympho B: Tạo ra các kháng thể để giúp hệ thống miễn dịch gắn kết với phản ứng với nhiễm trùng.
  • Tế bào lympho T:  Giúp nhận biết và loại bỏ các tế bào gây nhiễm trùng. Sau khi được hoạt hóa, bạch cầu Lympho T sẽ tấn công các kháng nguyên xâm nhập vào cơ thể bằng cách tấn công trực tiếp hoặc giải phóng lymphokin. Lymphokin sẽ thu hút bạch cầu hạt đến xâm nhập, tấn công kháng nguyên.

Bạch cầu không hạt (bạch cầu đơn nhân)

Chiếm khoảng 2 – 8% tổng số tế bào bạch cầu trong cơ thể. Các tế bào bạch cầu này xuất hiện khi cơ thể chống lại nhiễm trùng mãn tính, chúng sẽ phá hủy các tế bào gây nhiễm trùng.

Một số loại bệnh bạch cầu thường gặp

  • Bệnh bạch cầu cấp dòng nguyên bào Lympho (ALL): Đây là loại bệnh bạch cầu phổ biến ở trẻ nhỏ. Loại này cũng có thể xuất hiện ở người lớn.
  • Bệnh bạch cầu Cấp dòng tủy (AML): Đây là loại bệnh bạch cầu thông thường. Nó có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ nhỏ. AML là loại bệnh bạch cầu cấp tính phổ biến nhất ở người lớn.
  • Bệnh bạch cầu mạn dòng lympho (CLL): Đây là loại bệnh bạch cầu mãn tính phổ biến nhất ở người lớn, bệnh nhân có thể cảm thấy khá hơn sau vài năm mà không cần điều trị.
  • Bệnh bạch cầu mạn dòng tủy (CML): Loại bệnh bạch cầu này phần lớn ảnh hưởng đến người lớn. Người bệnh mắc bệnh bạch cầu mạn dòng tủy có thể có ít hoặc không có triệu chứng nào trong nhiều tháng hoặc năm trước giai đoạn mà tế bào bệnh bạch cầu tăng lên nhanh chóng.
  • Một số loại bệnh bạch cầu khác: Một số loại khác hiếm gặp hơn, bao gồm bệnh bạch cầu tế bào lông, hội chứng loạn sinh tủy (myeloproliferative / myelodysplastic).

Nguyên nhân gây ra bệnh bạch cầu

Những yếu tố có nguy cơ và tỷ lệ gây bệnh cao gồm có:

  • Đã từng điều trị ung thư: Một số trường hợp đã từng hóa trị và xạ trị ung thư, đây cũng có thể là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ bị bệnh bạch cầu.
  • Bị rối loạn di truyền: Sự bất thường di truyền có vai trò quan trọng đối với bệnh bạch cầu ví dụ như bệnh Down.
  • Tiếp xúc với các loại hóa chất như Benzen ở trong xăng cũng có thể làm tăng tỷ lệ bị mắc bệnh bạch cầu.
  • Hút thuốc là cũng làm tăng nguy cơ khiến bạn bị mắc chứng bệnh bạch cầu tủy cấp tính.
  • Trong gia đình có người bị bệnh bạch cầu sẽ làm gia tăng nguy cơ thế hệ sau cũng bị mắc chứng bệnh này.
Xuất hiện các vết bầm tìm, đóm đỏ trên da

Triệu chứng của bệnh bạch cầu

Tùy vào từng loại bệnh bạch cầu mà triệu chứng sẽ khác nhau. Bệnh nhân có thể không có biểu hiện gì trong giai đoạn đầu tiên của bệnh. Khi bệnh có biểu hiện thì thường gặp các triệu chứng sau:

  • Dễ mệt mỏi kéo dài, suy nhược cơ thể.
  • Sốt, đổ mồ hôi ban đêm hoặc ớn lạnh.
  • Nhiễm trùng dai dẳng, thường xuyên nhưng không quá nghiêm trọng.
  • Liên tục giảm cân không rõ nguyên nhân.
  • Khó thở, da tái nhợt.
  • Dễ bầm tím và chảy máu (chảy máu cam, nướu).
  • Đau xương và khớp.
  • Xuất hiện các đốm đỏ nhỏ trên da.
  • Sưng hạch bạch huyết.
  • Các cơ quan nội tạng như: Dạ dày, gan, lách sưng to.

Các triệu chứng của bệnh thường mờ nhạt và không điển hình. Bệnh nhân nên được nhận biết các triệu chứng về bệnh bạch cầu sớm, vì đôi khi bệnh này có triệu chứng giống với các bệnh khác như cảm cúm.

Phương pháp điều trị bệnh máu trắng

Phương pháp điều trị còn phụ thuộc vào loại bệnh bạch cầu, sức khỏe, tuổi tác của bệnh nhân và cả những trường hợp đã di căn, xâm lấn sang các cơ quan khác mà cần có các phương pháp kết hợp với nhau để điều trị một cách thích hợp nhất bao gồm:

  • Hóa trị liệu: Sử dụng hóa chất để tiêu diệt, ngăn cản tế bào dòng bạch cầu sinh sôi. Trong quá trình điều trị, hóa chất bạn nhận được có thể là thuốc dạng viên nén, tiêm, truyền tĩnh mạch hoặc tiêm dưới da được kết hợp với loại thuốc khác nhau.
  • Liệu pháp miễn dịch: Cách chữa bệnh máu trắng này nhận diện được các tế bào ung thư và tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể để chống lại tế bào bạch cầu bị sai hỏng.
  • Trị ung thư tế bào nhắm đích: Sử dụng loại thuốc được thiết kế để tấn công các phần cụ thể của tế bào bạch cầu, liệu pháp nhắm đích này có thể tiêu diệt, ngăn chặn tế bào bạch cầu nhân lên, cắt nguồn cung cấp dưỡng chất cho tế bào ung thư này khiến chúng bị tiêu diệt trực tiếp.
  • Xạ trị: Cách chữa bệnh máu trắng này sử dụng các tia năng lượng mạnh hoặc tia X để tiêu diệt các tế bào bạch cầu ngăn sự phát triển xâm lấn.
  • Cấy ghép tế bào gốc: Sau khi các tế bào máu bị ung thư bị tiêu diệt bởi xạ trị và nhiều phương pháp. Lúc này cấy ghép các tế bào tạo máu mới khỏe mạnh nhân lên, hình thành các tế bào hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu mà bạn cần.

Các phương pháp điều trị đều được các bác sĩ cân nhắc những lợi ích và rủi ro tiềm ẩn sao cho phù hợp nhất với những bệnh nhân khác nhau mang bệnh.

Phòng ngừa mắc bệnh

Bệnh máu trắng có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào, vì vậy ta nên tham khảo các biện pháp để phòng ngừa hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây ung thư và luôn chăm sóc, quan tâm đến sức khỏe của bản thân. Nên có tham gia khám tổng quát sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần sẽ giúp bạn điều trị bệnh ở những giai đoạn sớm.

  • Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các chất hóa học công nghiệp gây ung thư cao.
  • Tránh các bước sóng năng lượng và bức xạ ảnh hưởng tới sức khỏe như: Tia gamma, tia X.
  • Hạn chế, không sử dụng các sản phẩm tạo ra khói (thuốc lá).
  • Luôn quan tâm, chú ý tới sức khỏe bản thân.
  • Thăm khám sức khỏe định kỳ.

Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ độ tuổi nào và gây ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. Vì vậy ngay khi có dấu hiệu bất thường hãy đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.

Leave a reply