Sứt môi – hở hàm ếch là loại dị tật thường gặp nhất trong các dị tật bẩm sinh. Dị tật này không gây tử vong nhưng có thể làm trẻ gặp khó khăn trong ăn uống, giao tiếp và hòa nhập với xã hội. Vậy cách xử lý tình trạng này là như thế nào?

Sứt môi - Hở hàm ếch
Hở hàm ếch 2 bên sau khi được phẫu thuật

Sứt môi – Hở hàm ếch là bệnh gì?

Sứt môi – hở hàm ếch là là một loại dị tật bẩm sinh xuất hiện trong thời kỳ bào thai phát triển do nhiều lý do khác nhau. Tại Việt Nam, theo ước tính cứ 700 trẻ được sinh ra thì sẽ có 1 trường hợp bị khe hở môi hoặc hở hàm ếch.

Thường sẽ có 3 dạng liên quan đến dị tật này bao gồm: diễn ra riêng lẻ như: sứt môi, hở hàm ếch, hoặc diễn ra cùng lúc cả sứt môi và hở hàm ếch.

  • Sứt môi: Tình trạng phần môi bên trên hình thành không đồng nhất với nhau khiến cho phần môi trên xuất hiện khe hở ở đường giữa của môi.
  • Hở hàm ếch: Là tình trạng vòm miệng gặp khiếm khuyết trong quá trình phát triển từ đó xuất hiện khe hở phần giữa vòm miệng và khoang mũi.

Sứt môi

Môi hình thành giữa tuần thứ tư và thứ bảy của thai kỳ. Khi em bé phát triển trong quá trình mang thai, mô cơ thể và các tế bào đặc biệt từ mỗi bên của đầu phát triển về phía trung tâm của khuôn mặt và liên kết với nhau để tạo nên khuôn mặt. Sự kết hợp mô này tạo thành các đặc điểm trên khuôn mặt, như môi và miệng.

Sứt môi xảy ra nếu các mô tạo nên môi không kết hợp hoàn toàn trước khi sinh. Điều này dẫn đến một lỗ ở môi trên. Lỗ trong môi có thể là một khe nhỏ hoặc có thể là một lỗ lớn đi qua môi vào mũi. Sứt môi có thể ở một hoặc cả hai bên môi. Sứt ở giữa môi rất hiếm khi xảy ra. Trẻ bị sứt môi cũng có thể bị hở hàm ếch. Sứt môi hở hàm ếch cũng có thể đi kèm một số hội chứng di truyền khác.

Hở hàm ếch

Vòm miệng được hình thành từ tuần thứ sáu đến thứ chín của thai kỳ. Hở hàm ếch xảy ra nếu các mô tạo nên vòm miệng không liên kết hoàn toàn với nhau trong thời kỳ mang thai. Đối với một số trẻ sơ sinh, cả hai phần trước và sau của vòm miệng đều mở. Đối với những trẻ sơ sinh khác, chỉ một phần vòm miệng bị hở.

Dị tật này bao gồm các dạng: Hở hàm ếch trong, hở hàm ếch một bên hay hai bên và hở hàm ếch toàn bộ.

Hở hàm ếch trong

Là một dạng hở hàm ếch ít phổ biến hơn so với các dạng hở hàm ếch khác. Đây là tình trạng một khe hở xảy ra ở các cơ trong vòm miệng của trẻ, nằm ở phía sau miệng, được bao phủ bởi các niêm mạc miệng. Do nằm ở bên trong nên thường không được chú ý tới. Trẻ bị hở hàm ếch trong thường được phát hiện khi trẻ có các biểu hiện:

  • Trẻ gặp khó khăn khi ăn uống như bị khó nuốt, thức ăn đặc biệt là các chất lỏng có thể bị chảy ra ngoài qua đường mũi.
  • Giọng nói mũi, nhiễm trùng tai hay nhiễm trùng mũi mãn tính, bị tái đi tái lại nhiều lần.
  • Trường hợp bị hở hàm ếch bên trong thường không gây ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài của khuôn mặt trẻ.

Hở hàm ếch một bên

Dạng hở hàm ếch phổ biến, hình thái của tình trạng hở hàm ếch là xuất hiện khe hở hàm một bên vòm miệng có thể xảy ra ở bên trái hay phải của vòm miệng, trường hợp này thường kèm theo khe hở môi. Trong trường hợp này thường phát hiện tình trạng của trẻ bằng mắt thường, với những trẻ bị hở hàm ếch một bên sẽ làm trẻ ăn uống khó, dễ bị sặc và tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng ở tai, đường hô hấp.

Hở hàm ếch hai bên

Tương tự như hở hàm ếch một bên, nhưng khe hở vòm xuất hiện ở hai bên hàm và thường kèm theo có tổn thương khe hở môi.

Hở hàm ếch toàn bộ

Xuất hiện một khe hở liên tục từ khẩu cái mềm đến khẩu cái cứng. Trường hợp trẻ có khe hở hàm toàn bộ thường có những biểu hiện nặng nhất như trẻ không bú được, ăn uống thường xuyên bị sặc lên mũi, phát âm sai, răng mọc lệch lạc, cung hàm biến dạng từ đó có ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ, làm tăng nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp hơn so với các loại hở hàm ếch khác.

Nguyên nhân gây hở hàm ếch ở trẻ

Nguyên nhân chính gây hở hàm ếch ở trẻ chưa được xác định.

Một số trẻ em bị sứt môi hoặc hở hàm ếch do những thay đổi trong gen của chúng. Người mẹ hoặc người cha có thể di truyền các gen gây ra sứt môi, hay hở hàm ếch hoặc dị tật này là một phần của hội chứng di truyền. Trong một số trường hợp, trẻ sơ sinh thừa hưởng một gen khiến chúng có nhiều khả năng bị sứt môi hơn, và sau đó tác nhân môi trường thực sự gây ra sứt môi.

Nói về tác nhân môi trường thì phải bắt đầu từ những thứ người mẹ tiếp xúc trong quá trình mang thai. Sứt môi và hở hàm ếch được cho là do sự kết hợp của gen và các yếu tố người mẹ ăn hoặc uống, hoặc một số loại thuốc mẹ sử dụng trong khi mang thai.

Các yếu tố nguy cơ tác động để gây hở hàm ếch

  • Hút thuốc: Phụ nữ hút thuốc lá khi mang thai có nhiều khả năng sinh con bị sứt môi hơn phụ nữ không hút thuốc. Hút thuốc thụ động (hít phải khói thuốc) cũng là yếu tố tác động đáng lưu ý.
  • Bệnh tiểu đường: Phụ nữ bị bệnh tiểu đường được chẩn đoán trước khi mang thai có nguy cơ sinh con bị sứt môi có hoặc không có hở hàm ếch cao hơn so với những phụ nữ không bị tiểu đường.
  • Sử dụng một số loại thuốc: Phụ nữ đã sử dụng một số loại thuốc để điều trị chứng động kinh, nhiễm trùng, trong ba tháng đầu (3 tháng đầu).
  • Bị béo phì khi mang thai: Có một số bằng chứng cho thấy trẻ sinh ra từ những phụ nữ béo phì có thể tăng nguy cơ sứt môi và hở hàm ếch.
  • Mẹ sử dụng vitamin A liều cao
  • Mẹ bị cảm cúm hoặc chế độ dinh dưỡng kém trong thời kỳ mang thai.
Hở hàm ếch 1 bên sau phẫu thuật

Điều trị hở hàm ếch ở trẻ

Thời gian thích hợp để sửa môi nên tiến hành khi bé được 3 đến 6 tháng tuổi.

Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật tạo nên hình dạng, chức năng môi bình thường cho bé bằng cách phẫu thuật rạch khe hở, tạo ra các vạt mô. Sau đó, vạt được khâu lại gồm cả cơ môi. Đường phẫu thuật sẽ được thực hiện khéo léo vừa đảm bảo chức năng tốt vừa mang đến hiện quả thẩm mỹ cao với sẹo nhỏ phía dưới mũi.

Thời gian thích hợp để phẫu thuật vòm miệng là khi bé được 10 đến 12 tháng tuổi. Bên cạnh đó, khi lớn hơn sẽ thực hiện những phẫu thuật cần thiết khi ghép xương ổ răng, phẫu thuật thẩm mỹ mũi,… Trong quá trình điều trị, bác sĩ sẽ kết hợp đánh giá chức năng sinh hoạt như ăn uống, khả năng nói, thính lực,… của trẻ.

Chăm sóc sức khỏe và tinh thần cho bé

Trẻ bị hở hàm ếch thường sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề ăn uống sinh hoạt và cả tâm lý. Do đó, ở những bệnh nhi này, cần có cách chăm sóc đặc biệt hơn so với những bệnh nhi khác.

  • Tư thế bú mẹ: Chăm sóc nuôi trẻ bằng sữa mẹ vẫn luôn là phương pháp nuôi dưỡng tốt. Vấn đề đặt ra là với những trẻ bị hở hàm ếch, vòm miệng không kín thì việc cho bú đôi khi cũng gặp trở ngại. Nên cho trẻ bú ở tư thế ngồi hoặc hơi thẳng đứng để giúp hạn chế sữa bị chảy vào trong mũi khiến trẻ bị sặc, tắc mũi thậm chí là viêm mũi.
  • Một số trường hợp trẻ không theo cách cho bú của mẹ, các bà mẹ cần vắt sữa vào ly, sau đó cho trẻ uống sữa bằng thìa. Nên tập cho trẻ thói quen ăn ở tư thế ngồi. Có thể cho trẻ ngồi dọc theo chiếc gối tựa lên thành giường, đầu hơi hướng về phía trước một chút, như vậy nếu trẻ có ăn sữa bằng thìa hay bú bình thì cũng không bị sặc. Phương pháp này đôi khi sẽ rất khó khăn và gây mất thời gian nhưng nó cần được thực hiện để đảm bảo cho trẻ.
  • Ở những trường hợp đặc biệt khi trẻ không thể ăn được theo các cách trên, hoặc trẻ không được cần đặt một khí cụ bằng nhựa lên khe hở hàm ếch để giữ cho thức ăn hoặc sữa không bị chui lên mũi, hoặc sử dụng bình có núm vú được thiết kế đặc biệt.
  • Lưu ý vệ sinh răng miệng cho trẻ sau mỗi lần ăn, đặc biệt là những vùng bị hở hàm ếch. Nên dùng các loại khăn vải mềm ướt, bông thấm nước sạch để vệ sinh. Không dùng bông gạc hay ống tiêm xịt nước để rửa khe hở cho trẻ vì có thể sẽ gây tổn thương.
  • Luyện nói và phát âm cho trẻ.
  • Cho trẻ đi khám sớm nhất có thể để có phương án xử lý sớm, kịp thời.

Dù không phải là bệnh nguy hiểm nhưng hở hàm ếch có thể gây ra những ảnh hưởng xấu về sức khỏe. Trẻ tự ti hơn khi giao tiếp với người khác gây ra nhiều vấn đề về tâm lý. Chính vì vậy mà các bậc phụ huynh cần phải sớm cho trẻ đi khám và điều trị để giúp con em mình phát triển bình thường một cách toàn diện nhất.

Leave a reply