Polyp mũi là một dạng u lành rất thường gặp, có thể đơn thuần ở hốc mũi hoặc có thể ở trong các xoang mặt hay ở cả xoang và mũi. Bệnh gây cản trở đường thở và dễ dẫn đến các bệnh đường hô hấp.

Polyp mũi
Polyp mũi

Polyp mũi là bệnh gì?

Polyp mũi là sự phát triển viêm và tăng sản lành tính của niêm mạc xoang mũi. Một dạng u cuống mềm, không gây đau, có tính chất lành tính không phải ung thư.

Khi polyp còn nhỏ, người bệnh có thể không nhận ra sự hiện diện của chúng trong mũi. Khi khối polyp phát triển tăng kích thước gây cản trở luồng không khí lưu thông trong mũi và dẫn lưu dịch xoang, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy máu mũi, giảm khứu giác/vị giác, ngủ ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ… ảnh hưởng đến chất lượng sống. Trường hợp polyp mũi làm tắc các lỗ thông xoang có thể hình thành khối u nhầy xoang.

Polyp mũi được phân thành ba nhóm:

  • Polyp mũi khu trú: Thường phản ứng từ quá trình viêm hoặc quá trình tân sinh.
  • Polyp mũi lan tỏa: Thường thấy ở những bệnh nhân mắc viêm mũi xoang mạn tính có polyp mũi.
  • Polyp mũi toàn thân: Đề cập đến những bệnh nhân mắc các bệnh toàn thân với các biểu hiện ở mũi. Bệnh u hạt bạch cầu ái toan với viêm đa mạch, trước đây được gọi là hội chứng Churg-Strauss, và bệnh xơ nang đều thuộc loại này.

Nguyên nhân gây bệnh

Các phản ứng viêm tiếp diễn do nhiễm vi khuẩn hoặc virus, do dị ứng hoặc do phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại các nấm sẽ gây nên hậu quả là polyp mũi.

Khi bị viêm mãn tính sẽ khiến các mạch máu ở niêm mạc mũi hoặc xoang tăng tính thấm gây nên việc nước tích tụ trong các mô. Các mô ứ nước này theo thời gian sẽ bị tác động của trọng lực kéo xuống dưới, dồn lại và hình thành polyp.

Việc hình thành polyp mũi còn phụ thuộc vào các yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Hen suyễn: nguyên nhân chính khiến đường hô hấp bị viêm và tắc nghẽn.
  • Viêm xoang dị ứng do vi nấm: tình trạng dị ứng nặng với nấm trong môi trường.
  • Viêm xoang mãn tính.
  • Nhạy cảm với aspirin hoặc các thuốc kháng viêm không steroid (Non-Steroidal Anti-Inflammatory drugs- NSAIDs).
  • Xơ nang, rối loạn di truyền dẫn tới sản xuất và tiết ra chất dịch bất thường, đặc biệt chất nhầy từ màng mũi và xoang.
  • Hội chứng Churg-Strauss: đây là căn bệnh hiếm gặp gây ra tình trạng viêm mạch máu (vasculitis).
  • Yếu tố di truyền cũng có thể đóng góp vào việc hình thành polyp mũi.

Triệu chứng của polyp mũi

Polyp mũi có kích thước nhỏ không gây ra vấn đề gì nghiêm trọng còn polyp mũi có kích thước lớn sẽ làm tắc và gây khó thở đường mũi và phải thở bằng miệng, đặc biệt là các trường hợp polyp mũi ở trẻ em.

Polyp mũi còn có các triệu chứng và dấu hiệu khác bao gồm:

  • Nghẹt mũi kéo dài.
  • Sổ mũi thường xuyên.
  • Thường xuyên chảy máu cam.
  • Giảm hoặc mất khứu giác.
  • Mất vị giác.
  • Đau nhức mặt hoặc nhức đầu.
  • Đau vùng răng hàm trên.
  • Cảm giác đè nặng trên mặt và trán.
  • Ngáy to, ngáy nhiều.
  • Nhức đầu âm ỉ.
  • Viêm đa xoang mãn tính.
Sử dụng thuốc giảm phản ứng viêm trong điều trị bệnh

Điều trị bệnh polyp mũi

Việc chỉ định các phương pháp điều trị phụ thuộc vào mức độ polyp mũi và tình trạng sức khỏe tổng thể của bệnh nhân.

Có hai phương pháp được áp dụng trong điều trị polyp mũi gồm:

Điều trị nội khoa

  • Corticosteroid xịt mũi: Trong trường hợp có một hoặc nhiều polyp mũi nhỏ, có thể sử dụng thuốc giảm phản ứng viêm, tăng lưu thông khí qua mũi và làm teo nhỏ kích thước polyp. Các thuốc thường được sử dụng là thuốc xịt mũi có chứa corticosteroid như: Fluticasone, Triamcinolone, Budesonide, Flunisolide, Mometasone.
  • Các loại thuốc chống dị ứng và nhiễm trùng: Sử dụng thuốc kháng histamin để chống lại dị ứng. Mặc dù không loại bỏ được polyp nhưng các thuốc này có thể giúp làm giảm nghẹt mũi, mang đến sự dễ chịu cho người bệnh. Ngoài ra, nếu có nhiễm trùng xoang thì cần dùng thêm kháng sinh.
  • Các thuốc kháng nấm: Cùng với phẫu thuật cắt bỏ những mảnh vi nấm, điều trị bằng thuốc kháng nấm rất cần thiết ở những trường hợp viêm xoang mạn bị nhiễm vi nấm.

Điều trị ngoại khoa

Khi điều trị bằng các loại thuốc không đáp ứng, phẫu thuật cắt bỏ polyp mũi sẽ là phương pháp tiếp theo. Tùy thuộc vào vị trí, kích thước và số lượng của polyp, bác sĩ có thể chỉ định loại phẫu thuật phù hợp.

Các loại phẫu thuật polyp mũi bao gồm:

  • Phẫu thuật cắt polyp mũi: Polyp nhỏ và đơn độc sẽ được cắt bỏ dễ dàng bằng máy cắt hút (còn gọi là máy bào mô: microdebrider). Sau phẫu thuật, người bệnh cần tiếp tục điều trị tình trạng viêm bằng kháng sinh và corticosteroid dạng uống.
  • Phẫu thuật nội soi mũi xoang: Là phương pháp phẫu thuật phức tạp hơn, không những cắt bỏ polyp mà còn mở rộng các lỗ thông xoang bị viêm tắc.

Sau phẫu thuật, giảm viêm bằng thuốc xịt mũi, các thuốc chống dị ứng và rửa mũi bằng nước muối sinh lý có thể phòng ngừa polyp tái phát.

Đối với những bệnh nhân mắc bệnh toàn thân có polyp mũi như u hạt bạch cầu ái toan kèm theo viêm đa mạch, hoặc xơ nang nên được điều trị bệnh nền.

Phòng ngừa bệnh Polyp mũi

Polyp mũi có thể là bẩm sinh hoặc phát triển trong quá trình trưởng thành. Bệnh này không thể phòng ngừa tuyệt đối được. Tuy nhiên, có thể giảm nguy cơ phát triển hoặc tái phát polyp mũi bằng các biện pháp sau:

  • Kiểm soát các bệnh hen phế quản và dị ứng.
  • Tránh xa môi trường có các chất kích thích mũi, các chất có khả năng gây viêm hoặc kích ứng mũi và xoang như khói thuốc, bụi,…
  • Vệ sinh tay thường xuyên bằng xà phòng để tránh lây nhiễm vi khuẩn hoặc virus gây viêm mũi và xoang.
  • Dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi và xoang hàng ngày. Nước muối có thể giúp giảm viêm trong mũi cũng như làm khô chất nhầy đang gây nghẹt mũi. Muối còn giúp làm chậm quá trình sản sinh chất gây viêm adiponectin trong cơ thể.
  • Tăng cường hệ miễn dịch bằng chế độ sinh hoạt lành mạnh: Ngủ đủ giấc, áp dụng chế độ ăn cân bằng và tập thể dục thường xuyên.

Bệnh polyp mũi, ngay cả khi được điều trị triệt để vẫn thường có khả năng cao tái phát lại. Vì thế bệnh nhân cần chú ý chăm sóc sức khoẻ và thường xuyên khám định kỳ.

Leave a reply