Sâu răng là tình trạng rất phổ biến ở trẻ nhỏ, tình trạng này cần được xử lý sớm nếu không sẽ khiến trẻ bị đau đớn và gây ảnh hưởng không nhỏ đến răng của trẻ sau này. Vậy trẻ em bị sâu răng phải xử lý như thế nào?

Nguyên nhân khiến trẻ bị sâu răng

Sâu răng là tình trạng mô cứng của răng bị mất hoặc ăn mòn do vi khuẩn gây ra, chúng thường tồn tại trong các mảng bám, cặn thức ăn thừa còn sót lại trong các kẽ răng mà không được làm sạch ngay sau bữa ăn. Dần dần vi khuẩn sẽ tiết ra các men chuyển hóa thành phần chứa trong thức ăn thành một dạng axit, khi môi trường răng miệng có nồng độ pH < 5 thì sẽ dẫn đến phản ứng hủy khoáng, làm mất dần mô cứng của răng và kết quả là gây sâu răng.

Một số chủng vi khuẩn có khả năng dẫn đến sâu răng đó là Streptococcus Mutans (phổ biến nhất), Lactobacillus và Actinomyces,…

Viện Răng Hàm Mặt quốc gia cho hay, có khoảng 80% trẻ em từ 4 – 8 tuổi gặp phải tình trạng này, khoảng 91% trẻ không biết vệ sinh răng miệng đúng cách. Sâu răng có thể xảy ra tại bất kỳ loại răng nào, từ răng hàm, răng nanh hay răng cửa.

Vì sao cần phải điều trị sâu răng sữa kịp thời?

Có nhiều bậc cha mẹ cho rằng trẻ bị sâu răng sữa không có gì nghiêm trọng, vì trước sau gì thì răng sữa cũng sẽ bị mất đi và thay bằng răng vĩnh viễn, tuy nhiên, điều này hoàn toàn sai, khi trẻ bị sâu răng sữa, nếu không được điều trị kịp thời thì sẽ:

  • Răng sữa bị sâu sẽ rụng sớm, khiến cho răng trưởng thành mọc lệch lạc và ảnh hưởng đến cấu trúc hàm răng của trẻ.
  • Trẻ 2 tuổi, trẻ 4 tuổi bị sâu răng sữa sẽ ảnh hưởng đến chức năng nhai, nghiền thức ăn và không tốt cho hệ tiêu hóa, khiến bé chậm phát triển.
  • Ngoài ra, răng sữa cũng đóng vai trò trong việc giao tiếp của trẻ, giúp trẻ học phát âm chuẩn hơn trong quá trình học nói, nếu răng sữa bị sâu sẽ làm hạn chế sự phát triển về mặt ngôn ngữ của trẻ.

Các ba mẹ cần nhớ rằng răng số 6 thay rất sớm nên nguy cơ loại răng này bị sâu cũng rất cao.

Khi nhận thấy các dấu hiệu mới chớm sâu răng ở trẻ, các bậc phụ huynh hãy sớm đưa trẻ đi khám để tránh hiện tượng tổn thương lây sang các răng khác. Việc điều trị từ sớm còn có tác dụng bảo tồn tủy răng, hạn chế nguy cơ mắc phải bệnh lý răng miệng nghiêm trọng và tránh cảm giác ê buốt khi ăn uống.

Điều trị sâu răng cho trẻ

Chữa sâu răng bằng cách bôi gel fluoride hoặc quét lên răng của bé một lớp thuốc để bịt kín chỗ bị sâu. Với trường hợp sâu răng nặng và cần nạo sạch ngà vụn, nha sĩ sẽ khử trùng, sát khuẩn lỗ sâu và trám chỗ bị sâu, hoặc nhổ răng, thay tủy răng.

Nhìn chung cha mẹ vẫn nên đưa trẻ đi khám khi bị sâu răng. Nếu răng chưa có biểu hiện lung lay hoặc viêm nghiêm trọng thì chưa cần phải loại bỏ ngay. Bác sĩ sẽ cân nhắc áp dụng các phương pháp sau để khắc phục tình trạng sâu răng cho trẻ:

  • Trường hợp trẻ chớm bị sâu răng: tùy từng trường hợp cụ thể sẽ cho dùng thuốc kháng sinh khoảng 3 – 5 ngày.
  • Nếu sâu răng nặng hơn: loại bỏ những phần bị sâu và tiến hành trám răng, lấp kín những chỗ bị sâu ngăn chặn tình trạng tổn thương men răng.
  • Nếu răng sâu nghiêm trọng: có thể sẽ phải nhổ chiếc răng bị sâu để không làm ảnh hưởng đến các răng lân cận cũng như phần nướu bên dưới.

Bên cạnh can thiệp về y khoa, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý là phải thay đổi chế độ ăn uống cho trẻ ngay tại nhà, bằng cách hạn chế các món ăn chứa nhiều đường và chất ngọt. Ngoài ra hãy dạy trẻ cách vệ sinh răng miệng đúng cách mỗi ngày, kết hợp điều trị các bệnh về răng miệng mà trẻ đang mắc và thăm khám Nha khoa định kỳ.

Phòng ngừa sâu răng ở trẻ em

  • Bố mẹ nên tạo cho bé thói quen chăm sóc răng miệng đúng cách ngay từ khi mọc răng sữa. Đó là, chải răng 2 lần/ngày, mỗi lần ít nhất 2 phút.
  • Vệ sinh răng miệng đúng cách từ lúc trẻ mọc răng sữa đóng vai trò quan trọng và ảnh hưởng đến việc mọc răng vĩnh viễn của trẻ. Do đó, cha mẹ cần đánh răng cho bé ngay từ khi bé mọc chiếc răng đầu tiên, để phòng ngừa sâu răng ở trẻ em sau này.
  • Lựa chọn và cho bé sử dụng bàn chải đánh răng vừa vặn, thoải mái để có thể chải được mọi bề mặt của răng. Khi trẻ đã có thể tự chải răng, bố mẹ vẫn cần phải duy trì và giám sát thói quen đánh răng của bé cho đến khi bé khoảng 7 tuổi.
  • Lựa chọn và sử dụng loại kem đánh răng có lượng fluoride phù hợp với trẻ.
  • Kết hợp sử dụng chỉ nha khoa để giúp ngăn chặn việc hình thành mảng bám ở các kẽ răng, giúp phòng ngừa sâu răng ở trẻ em.
  • Tập cho bé thói quen uống nước sau mỗi bữa ăn.
  • Kết hợp giữa vệ sinh răng miệng đúng cách và chế độ dinh dưỡng hợp lý. Hạn chế cho bé ăn uống các loại thực phẩm có chứa nhiều đường, tinh bột vì đây là những loại thức ăn tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển và gây ra nhiều mảng bám hơn.
  • Cho bé làm quen và duy trì những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe răng miệng như rau củ và trái cây, vì chúng có thể chuyển đổi nước bọt của bé thành chất khoáng, giúp hạn chế tình trạng mảng bám trên răng, phòng ngừa sâu răng ở trẻ em.

Leave a reply