Tiền đái tháo đường là giai đoạn trước của bệnh tiểu đường. Bệnh sẽ phát triển thành bệnh tiểu đường type 2 và gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không có sự điều chỉnh hợp lý về lối sống và chế độ dinh dưỡng.

Bệnh tiền đái tháo đường

Lượng glucose trong máu khi nhịn đói (nhịn ăn tối thiểu 8 giờ) ở những người bình thường trong khoảng 70 – 100mg/dL (3.9 – 6.4mmol/L). Tiền tiểu đường là tình trạng glucose trong máu khi đói cao hơn mức trên và trong khoảng 100 – 125 mg/dL (5.6 – 6.9 mmol/L).

Tiền tiểu đường không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe; tuy nhiên, nếu không thay đổi lối sống, người lớn và trẻ em bị tiền tiểu đường có nguy cơ cao bị bệnh đái tháo đường tuýp 2. Lúc đó, bệnh ảnh hưởng nặng nề đến tim, mạch máu, mắt, thận. Phát hiện ra giai đoạn tiền tiểu đường cũng là cơ hội giúp bạn điều chỉnh lối sống, cải thiện sức khỏe kịp thời để ngăn chặn bệnh tiến triển thành đái tháo đường.

Dấu hiệu tiền tiểu đường

Tiền đái tháo đường thường không có triệu chứng. Ở một số người, tiền đái tháo đường thể hiện qua các dấu hiệu:

  • Vùng da ở một số bộ phận trên cơ thể như: cổ, nách, bẹn bị sẫm màu.
  • Uống nhiều nước, đi tiểu nhiều lần trong ngày.
  • Tầm nhìn mờ dần hoặc hạn chế.
  • Cơ thể thường xuyên mệt mỏi, khó tập trung nhưng không rõ nguyên nhân.

Các dấu hiệu của tiền đái tháo đường thường dễ nhầm lẫn với một số tình trạng sức khỏe khác, do đó, người dân nên khám sức khỏe định kỳ để tầm soát, phát hiện sớm bệnh, từ đó điều chỉnh chế độ sinh hoạt, ăn uống, vận động phù hợp.

Nguyên nhân gây tiền đái tháo đường

Đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây nên giai đoạn tiền tiểu đường là gì nhưng yếu tố tiền sử gia đình và di truyền có vai trò chủ đạo để hình thành bệnh. Ở người bị tiền tiểu đường, cơ thể không có khả năng xử lý glucose đúng cách.

Đại đa số lượng đường trong cơ thể đến từ thực phẩm. Khi thức ăn vào cơ thể thì glucose sẽ đi vào máu và insulin cho phép glucose đi vào tế bào đồng thời làm giảm lượng glucose máu.

Insulin do tuyến tụy sản xuất ra. Khi ăn, tuyến này sẽ chuyển insulin đến máu. Nếu lượng đường trong máu giảm thì tuyến tụy sẽ làm cho quá trình tiết insulin vào máu chậm lại.

Nếu bị tiền tiểu đường thì quá trình này sẽ không hoạt động như bình thường nữa nên thay vì cung cấp năng lượng cho tế bào thì glucose lại tích tụ trong máu. Điều này là do:

  • Tuyến tụy không sản xuất đủ insulin.
  • Tế bào đề kháng với insulin nên không cho phép có nhiều đường vào trong cơ thể.

Tiền đái tháo đường có nguy hiểm không?

Tiền đái tháo đường có thể tiến triển thành đái tháo đường tuýp 2 nếu người bệnh không điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học, sống lành lạnh, tập thể dục thường xuyên. Thậm chí, ngay cả khi chưa tiến triển thành đái tháo đường tuýp 2, trên một cơ địa bị rối loạn chuyển hóa, bạn có thể bị tăng huyết áp, mờ mắt, tăng cholesterol xấu, tổn thương tim, mạch máu, đột quỵ, gan nhiễm mỡ, tổn thương mắt, thận. Các nghiên cứu cho thấy tiền tiểu đường có liên quan đến những cơn đau tim không rõ nguyên nhân.

Thoảng bao lâu thì tiền tiểu đường chuyển sang tiểu đường?

Tiền tiểu đường có thể tiến triển thành tiểu đường hoặc không đều phụ thuộc vào chế độ ăn uống khoa học, kiểm soát tốt đường huyết. Tuy nhiên, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết: nếu không có kế hoạch điều chỉnh ăn uống và sinh hoạt thì 37% người bị tiều tiểu đường tiến triển thành đái tháo đường tuýp 2 sau 4 năm. Còn nếu thay đổi lối sống, thời gian người bị tiền tiểu đường tiến triển thành đái tháo đường là 10 năm. Thậm chí, thực hiện tốt chế độ ăn uống lành mạnh, khám sức khỏe định kỳ, bạn hoàn toàn đẩy lùi tiền tiểu đường.

Bổ sung thực phẩm lành mạnh vào chế độ ăn

Điều trị tiền đái tháo đường

Phương pháp điều trị đái tháo đường hiệu quả chính là thay đổi lối sống gồm việc thay đổi chế độ ăn uống, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao và vận động thường xuyên.

Yếu tố quan trọng nhất là bạn phải giảm cân bởi nếu thừa cân, bệnh nhân bị tiền đái tháo đường sẽ có nhiều khả năng thành bệnh đái tháo đường.

Chế độ ăn uống

  • Luôn đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần cho cơ thể.
  • Ưu tiên lựa chọn thực phẩm tốt cho người bị tiền tiểu đường như: gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm giàu chất xơ,… nhằm giảm hấp thụ cholesterol trong máu.
  • Chọn dầu thực vật thay cho mỡ động vật.
  • Tăng đạm thực vật trong chế độ ăn hàng ngày và mỗi tuần ăn cá ít nhất 2 lần.
  • Giảm dung nạp thực phẩm nhiều chất béo bão hòa và cholesterol.
  • Giảm muối khi chế biến thức ăn và giảm dùng các loại nước chấm, hạn chế dùng đồ ăn chế biến sẵn.
  • Nên tránh dùng chất kích thích, thuốc lá và đồ uống có cồn.
  • Tránh hoặc hạn chế đồ uống ngọt, bánh kẹo.

Chế độ tập luyện

Người bị tiền tiểu đường nên thường xuyên tập thể dục vừa để duy trì cân nặng vừa giúp giảm cân (với người bị béo phì, thừa cân) vì tích tụ mỡ thừa sẽ làm tăng nguy cơ tăng đường huyết và rối loạn dung nạp đường.

Trong quá trình tập luyện cần đảm bảo cường độ tập phù hợp với tình trạng sức khỏe. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để chọn được hình thức luyện tập phù hợp. Khi mới bắt đầu chỉ nên tập với mức cường độ trung bình sau đó mới tăng dần.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Có khoảng trên 50% đối tượng bị tiền đái tháo đường sẽ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường trong 4-10 năm. Vì thế, khám sức khỏe định kỳ là việc nên làm để theo dõi và phát hiện sớm nguy cơ này để kịp thời điều trị, ngăn chặn tiểu đường gây biến chứng.

Bên cạnh đó, có thể dùng thuốc để điều trị tình trạng rối loạn glucose khi đói nhằm ngăn ngừa bệnh đái tháo đường và bệnh tim mạch. Thuốc được thử nghiệm gồm metformin, acarbose, thuốc hạ áp nhóm ức chế men chuyển và ức chế thụ thể angiotensin II.

Những người mắc tiền đái tháo đường thường ít phát hiện ra bệnh nếu chỉ dựa vào dấu hiệu và triệu chứng của bệnh. Vì vậy, cần thường xuyên theo dõi và khám định kỳ nhằm phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời tránh nguy cơ tiến triển thành bệnh đái tháo đường và nguy cơ biến chứng nghiêm trọng.

Leave a reply