Bệnh béo phì đang ngày càng tăng, không chỉ ảnh hưởng tới mỹ quan bên ngoài mà còn sẽ ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày và đặc biệt là sức khỏe. Bệnh cần được can thiệp điều trị sớm để không để lại một loạt hệ lụy về sau như các bệnh: Cao huyết áp, suy tim, đái tháo đường, ung thư…

Béo phì và những điều bạn nên biết
Béo phì gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống hằng ngày

Như thế nào được gọi là béo phì?

Thừa cân béo phì là tình trạng chất béo trong cơ thể tích tụ bất thường hoặc quá mức, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo WHO, năm 2016 trên thế giới có hơn 1,9 tỷ người trên 18 tuổi bị thừa cân, trong đó có hơn 650 triệu người bị béo phì. Con số này tương đương 39% dân số thế giới bị thừa cân và 13% bị béo phì. Béo phì cũng là một tình trạng đang ngày càng phổ biến ở trẻ em. Năm 2016 có hơn 340 triệu trẻ em và thanh thiếu niên từ 5-19 tuổi bị thừa cân hoặc béo phì. 

Béo phì có thể được phân loại theo độ tuổi hoặc sự phân bố mỡ như sau:

Phân loại theo tuổi: 

  • Béo phì bắt đầu ở tuổi trưởng thành .
  • Béo phì thiếu niên.

Phân loại theo sự phân bố mỡ:

  • Béo phì dạng nam: mỡ tập trung chủ yếu ở gáy, cổ, mặt, vai, cánh tay, ngực, bụng trên rốn.
  • Béo phì dạng nữ: mỡ tập trung chủ yếu ở đùi, mông, cẳng chân.
  • Béo phì hỗn hợp: mỡ phân bố khá đồng đều.

Vậy làm cách nào để biết bạn có đang thừa cân hoặc béo phì không? Có một cách rất đơn giản đó là tính chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index – BMI) dựa trên cân nặng và chiều cao.

Cách tính chỉ số BMI

Chỉ số khối cơ thể (BMI) là một chỉ số đơn giản về cân nặng theo chiều cao thường được sử dụng để phân loại thừa cân và béo phì ở người trưởng thành.

Chỉ số BMI của người lớn được tính như sau: BMI = trọng lượng (kg) ÷ (chiều cao x chiều cao)(m). Ví dụ: Một người cao 1,8m, nặng 75kg thì BMI = 72 ÷ (1.8 x 1.8) = 22,2
Dựa vào chỉ số BMI để đánh giá mức độ béo phì theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là:

  • BMI < 18,5: Gầy
  • BMI từ 18,5 – 24,9: Bình thường
  • BMI từ 25 – 29,9: Tăng cân
  • BMI từ 30 – 34,9: Béo phì độ 1
  • BMI từ 35 – 39,9: Béo phì độ 2
  • BMI ≥ 40: Béo phì độ 3

Tuy nhiên, để phù hợp với đặc điểm của người châu Á, nhiều nước trong đó có Việt Nam áp dụng theo bảng tiêu chuẩn dưới đây:

  • BMI < 18,5: Gầy
  • BMI từ 18,5 – 22,9: Bình thường
  • BMI từ 23 – 24,9: Tăng cân (nguy cơ béo phì)
  • BMI từ 25 – 29,9: Béo phì độ 1
  • BMI ≥ 30: Béo phì độ 2

Chỉ số BMI không đo trực tiếp lượng mỡ trong cơ thể, do đó ở một số đối tượng như vận động viên thể hình có thể có chỉ số BMI cao mặc dù họ không có mỡ thừa.

Đối với trẻ em

  • Đối với trẻ em dưới 5 tuổi: Thừa cân là cân nặng theo chiều cao lớn hơn 2 độ lệch chuẩn trên trung bình. Tiêu chuẩn tăng trưởng trẻ em của WHO; và béo phì là cân nặng theo chiều cao lớn hơn 3 độ lệch chuẩn trên trung bình Tiêu chuẩn tăng trưởng trẻ em của WHO.
  • Trẻ em từ 5 – 18 tuổi: Thừa cân là BMI theo tuổi lớn hơn 1 độ lệch chuẩn trên trung bình tham chiếu tăng trưởng của WHO; và béo phì lớn hơn 2 độ lệch chuẩn trên trung bình trên tham chiếu tăng trưởng của WHO.

Nguyên nhân gây ra tình trạng béo phì

Ăn nhiều

Chế độ ăn uống và lối sống là nhân tố góp phần thúc đẩy thừa cân, béo phì. Một số  nguyên nhân phổ biến nhất, bao gồm:

  • Tiêu thụ nhiều đồ ăn chế biến sẵn hoặc thức ăn nhanh. Loại thức ăn này chứa nhiều chất béo và đường gây nên béo phì.
  • Các loại đồ uống có cồn như rượu bia thường chứa nhiều calo.
  • Suất ăn chứa nhiều năng lượng hơn mức cơ thể cần. Điều này thường xảy ra khi đi ăn buffet, việc ăn uống thoải mái không kiểm soát dễ dẫn đến dung nạp một lượng calo khổng lồ, gây ra béo phì.
  • Uống quá nhiều đồ uống có đường như nước ngọt và nước ép trái cây.
  • Tâm trạng thay đổi làm cho nhiều người mắc chứng rối loạn ăn uống.
  • Hiện thực phẩm có hàm lượng calo cao đã trở nên rẻ hơn, tiện lợi hơn và được quảng cáo, khuyến mãi rầm rộ làm cho việc ăn uống lành mạnh càng thêm phần khó khăn.

Lười vận động

Thiếu rèn luyện thể chất là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến béo phì. Nhiều người dành hầu hết thời gian trong ngày của họ cho công việc văn phòng. Ngay cả thói quen đi bộ hoặc đạp xe ngày nay cũng bị thay thế bằng việc sử dụng ô tô và xe máy.

Các xu hướng thư giãn tại nhà như xem TV, lướt internet, chơi game trên máy tính và ít tập thể dục làm tăng tỷ lệ béo phì. Nếu không hoạt động đủ để đốt cháy calo, năng lượng dư thừa sẽ không được tiêu thụ hết mà được cơ thể lưu trữ dưới dạng chất béo.

Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ khuyến nghị người lớn nên hoạt động thể lực ít nhất 150 phút mỗi tuần như tập aerobic cường độ vừa phải, đạp xe hoặc đi bộ. Bằng cách chia thời gian luyện tập thành các khoảng nhỏ, việc luyện tập thể trở nên dễ dàng hơn. Ví dụ, với 150 phút bạn hoàn toàn có thể tập thể dục 30 phút mỗi ngày và tập 5 ngày trong một tuần.

Với những ai đang chung sống với bệnh béo phì và đang cố gắng giảm cân thì việc  tập thể dục nhiều hơn mức này là điều cần thiết. Hãy bắt đầu từ từ và tăng dần số lượng bài tập cần thực hiện qua mỗi tuần.

Di truyền

Các gen liên quan đến béo phì và thừa cân sẽ ảnh hưởng đến cách cơ thể biến đổi thức ăn thành năng lượng và trữ chất béo. Gen cũng có thể ảnh hưởng đến sự lựa chọn lối sống. Ngoài ra, còn có một số tình trạng di truyền hiếm gặp có thể gây béo phì như hội chứng Prader-Willi. Một số đặc điểm di truyền được thừa hưởng từ cha mẹ, như hội chứng thèm ăn có thể khó khăn cho việc giảm cân.

Béo phì do nội tiết

Trong một số trường hợp, các tình trạng bệnh tiềm ẩn có thể góp phần làm tăng cân, ví dụ như bệnh suy giáp hay rối loạn nội tiết và chuyển hóa (Cushing). Tuy nhiên, nếu những tình trạng như thế này được chẩn đoán và điều trị đúng cách sẽ giúp giảm cân dễ dàng hơn.

Những tác hại của bệnh béo phì

Béo phì là yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiều bệnh lý khác. Các bệnh lý này nếu không được phát hiện và điều trị có thể đe dọa cuộc sống và tính mạng của người bệnh.

Béo phì là hội chứng chuyển hóa có thể dẫn đến nhiều hội chứng chuyển hóa khác:

  • Tiền đái tháo đường
  • Đái tháo đường type 2
  • Rối loạn lipid máu
  • Rối loạn chuyển hóa acid uric, có thể gây cơn gout cấp.

Béo phì là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch:

  • Tăng huyết áp
  • Xơ vữa động mạch
  • Thiếu máu cơ tim
  • Nhồi máu cơ tim
  • Đột quỵ: xuất huyết não và thiếu máu cục bộ.

Béo phì có thể gây ra các bệnh hệ tiêu hóa:

  • Gan nhiễm mỡ, tiến triển thành viêm gan mỡ, xơ gan.
  • Sỏi túi mật
  • Viêm tụy cấp
  • Trào ngược dạ dày thực quản.

Béo phì gây biến chứng ở phổi:

  • Suy chức năng hô hấp
  • Ngưng thở khi ngủ.

Béo phì làm tăng nguy cơ bệnh xương khớp:

  • Thoái hóa khớp
  • Thoát vị đĩa đệm
  • Trượt cột sống.

Các biến chứng khác của béo phì:

  • Đục thủy tinh thể liên quan đến kháng insulin
  • Giảm khả năng sinh dục
  • Rối loạn kinh nguyệt
  • Chứng rậm lông
  • Tăng nguy cơ ung thư (nội mạc tử cung, vú, buồng trứng, tuyến tiền liệt, gan, túi mật, thận và đại tràng).
  • Sừng hóa gan bàn tay, bàn chân
  • Rạn da
  • Biến chứng thai kỳ: nhiễm độc thai nghén, khó sinh.

Các nguy cơ biến chứng này tăng lên cùng mức độ béo phì. Trẻ em bị béo phì có nguy cơ tử vong sớm và tàn tật cao hơn khi trưởng thành. Ngoài ra, trẻ béo phì có thể bị khó thở, tăng nguy cơ gãy xương, tăng huyết áp, bệnh tim mạch sớm, kháng insulin và ảnh hưởng tâm lý.

Thừa cân béo phì khiến cơ thể trở nên quá khổ, vì vậy nó gây ra cảm giác tự ti, căng thẳng cho bản thân người thừa cân hay béo phì. Người thừa cân béo phì thường mất tự tin trong giao tiếp, ngại giao tiếp và xuất hiện trước đám đông kèm theo tình trạng căng thẳng, kém linh hoạt trong cuộc sống hàng ngày… dẫn đến làm giảm sút hiệu quả công việc.

Bổ sung nhiều chất xơ trong quá trình giảm cân

Cách điều trị béo phì

Tùy theo tình trạng sức khỏe mà bác sĩ sẽ chỉ định bạn áp dụng các phương pháp khác nhau bao gồm:

Giảm ăn uống

Nguyên tắc giảm ăn là lượng calo hấp thụ cần ít hơn nhu cầu sử dụng, để cơ thể huy động năng lượng từ mô mỡ, từ đó đạt được mục đích giảm cân.

  • Hạn chế năng lượng khoảng 20-25kcal/kg/ngày. Mức độ này sẽ còn phụ thuộc và tuổi tác, mức độ tập luyện và mục tiêu giảm cân.
  • Cân bằng khẩu phần carbohydrat, lipid và protein.
  • Hạn chế đường đơn, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa.
  • Hạn chế uống rượu bia.
  • Bổ sung nhiều chất xơ, vitamin và yếu tố vi lượng từ trái cây, rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt.
  • Chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa.

Người bị béo phì nên giảm ăn theo cách giảm carbohydrat, nhưng vẫn phải đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng. Không nên nhịn ăn để giảm cân vì có thể gây tổn thương các cơ quan. Để có kế hoạch ăn uống giảm cân tốt hơn, bạn nên liên hệ với chuyên gia dinh dưỡng.

Tăng cường tập luyện

Hoạt động thể chất nhằm mục đích tăng sử dụng năng lượng dự trữ ở mô mỡ, từ đó giúp giảm cân, duy trì cân nặng lý tưởng. Ngoài ra, vận động sẽ giúp giảm lipid máu và kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp.

Thời gian tập luyện phù hợp là khoảng 60-75 phút mỗi ngày. Loại vận động và cường độ vận động sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của từng cá nhân.

Một yếu tố rất quan trọng là người bệnh cần hiểu được béo phì là một bệnh lý chứ không phải là chuyện bình thường, từ đó có thái độ tích cực trong điều trị, tuân thủ chế độ ăn và rèn luyện để giảm cân.

Sử dụng thuốc

Thuốc giảm cân chỉ để hỗ trợ cho biện pháp giảm ăn và tăng cường tập luyện. Thực tế, phần lớn các trường hợp béo phì không nên điều trị bằng thuốc vì có nhiều tác dụng phụ. Điều trị bằng thuốc cần theo một liệu trình lâu dài và không phải ai cũng đạt được hiệu quả khi dùng thuốc. Vì vậy, thay đổi thói quen ăn uống và vận động vẫn là biện pháp giảm cân hiệu quả nhất.

Những biển pháp can thiệp khác:

Béo phì có thể gây hạn chế sinh hoạt ở người quá béo phì, lúc này có thể cần áp dụng một số biện pháp điều trị đặc biệt như:

  • Đặt bóng vào dạ dày.
  • Phẫu thuật nối shunt hỗng tràng dạ dày.
  • Khâu nhỏ dạ dày.
  • Phẫu thuật lấy mỡ ở bụng.

Các bác sĩ khuyến cáo mỗi người nên kiểm soát cân nặng của mình với một chế độ dinh dưỡng khỏe mạnh, cân bằng, kết hợp với vận động hợp lý để nâng cao sức khỏe cũng như phòng tránh các căn bệnh nguy hiểm do thừa cân béo phì gây nên.

Leave a reply