Loãng xương là bệnh thường gặp ở người cao tuổi, bệnh diễn tiến thầm lặng nên có thể để lại hậu quả nặng nề như gãy xương, từ đó người bệnh sẽ bị tàn phế, mất khả năng lao động, giảm tuổi thọ….

Loãng xương: nguyên nhân và cách điều trị
Loãng xương gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

Loãng xương là bệnh gì?

Loãng xương là tình trạng mật độ xương giảm khiến xương liên tục mỏng dần khiến xương dễ tổn thương và bị gãy dù chỉ với chấn thương nhẹ. Loãng xương là một căn bệnh thầm lặng, nó làm cho xương bị yếu đi, cấu trúc xương bị tổn hại làm cho xương giòn, dễ gẫy và hậu quả cuối cùng là gãy xương.

Gãy xương do loãng xương xảy ra thường xuyên nhất ở xương hông, cột sống và cổ tay hoặc bất cứ xương nào cũng có thể bị ảnh hưởng. Một số trường hợp xương bị gãy không lành lại được, đặc biệt là khi bị gãy xương hông.

Tuổi càng cao, tình trạng xốp xương sẽ càng tiến triển nặng hơn. Vì càng lớn tuổi, quá trình chuyển hóa xương có nhiều biến đổi gây ra các rối loạn trong quá trình tạo xương và hủy xương, dẫn tới giảm mật độ xương.

Nguyên nhân gây loãng xương

Tuổi tác là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng mật độ xương bị suy giảm. Ngoài ra, một số tác động sau cũng có khả năng gây bệnh như:

  • Phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh hay có chu kỳ kinh nguyệt không đều gây suy giảm nồng độ estrogen, thường có nguy cơ cao mắc bệnh. Ở nam giới, nồng độ testosterone thấp cũng là nguyên nhân gây loãng xương.
  • Chế độ ăn uống không khoa học, thiếu dưỡng chất, đặc biệt là những chất có lợi cho xương khớp như canxi, vitamin D, omega-3
  • Tác dụng phụ của thuốc do sử dụng thuốc corticosteroid, heparin trong thời gian dài, không tuân theo chỉ định của bác sĩ.
  • Lối sống lười vận động, không luyện tập thể dục thể thao, mức độ hoạt động thấp, ngồi nhiều… đều có thể dẫn tới tình trạng xương khớp suy yếu.
  • Những chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá là các tác nhân gây hại, thúc đẩy và làm suy yếu hệ thống xương khớp.
  • Người lao động nặng, phải thường xuyên khuân vác vật nặng sẽ có nguy cơ mắc những bệnh cơ xương khớp cao hơn người bình thường.
  • Không cung cấp đủ lượng canxi cần thiết trong giai đoạn hình thành và phát triển hệ thống xương khớp cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng suy yếu xương khớp sớm.
  • Ngoài ra, có nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới tình trạng loãng xương. Trong đó, một số yếu tố có thể thay đổi được, một số khác thì không thể.

Những triệu chứng của bệnh

Loãng xương thường không có dấu hiệu rõ ràng. Người bệnh thường không biết mình mắc bệnh cho tới khi xương trở nên yếu, dễ gãy sau các sang chấn nhỏ như trẹo chân, té ngã, va đập. Những triệu chứng thường gặp của bệnh là:

  • Giảm mật độ xương: Tình trạng này khiến xương cột sống có thể bị xẹp, gãy lún. Người bệnh thường bị các cơn đau lưng cấp, giảm chiều cao, dáng đi lom khom, gù lưng.
  • Đau nhức đầu xương: Đây là triệu chứng người bệnh dễ nhận thấy nhất khi bị giảm mật độ xương. Bệnh sẽ gây mỏi dọc các xương dài, thậm chí là bị đau nhức toàn thân như kim chích.
  • Đau tại vùng xương chịu trọng lực của cơ thể, các xương này gồm: xương cột sống, thắt lưng, xương chậu, xương hông, đầu gối. Các cơn đau tái phát nhiều lần sau chấn thương. Người bệnh thường bị đau âm ỉ kéo dài. Cơn đau tăng dần khi vận động, di chuyển, đứng ngồi lâu; thuyên giảm khi nghỉ ngơi.
  • Đau tại cột sống, thắt lưng hay hai bên liên sườn: Tình trạng này làm ảnh hưởng tới những dây thần kinh liên sườn, dây thần kinh đùi và thần kinh tọa. Các cơn đau ở lưng trở nặng khi người bệnh vận động mạnh hay bất ngờ thay đổi tư thế. Do đó, bệnh nhân sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các tư thế như cúi gập, xoay hẳn người.

Tình trạng giảm mật độ xương ở người tuổi trung niên có thể kèm những dấu hiệu của bệnh giãn tĩnh mạch, cao huyết áp, thoái hóa khớp,…

Sự nguy hiểm nếu loãng xương không được điều trị

Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh loãng xương có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như sau: 

  • Gãy xương: Khi bị giảm mật độ xương, xương sẽ yếu hơn, giòn hơn, dễ tổn thương và dễ gãy. Nhiều trường hợp bệnh nặng có thể bị gãy xương dù chỉ va chạm rất nhẹ, thậm chí bị gãy xương khi cúi người. Trong đó, phần xương cột sống, xương đùi hay xương cẳng tay, cẳng chân là dễ bị gãy nhất vì đây là những vị trí chịu nhiều lực tác động. Ở người cao tuổi, phổ biến nhất là gãy xương cẳng tay, xương đùi, khớp háng.
  • Lún xẹp đốt sống: Đây là biến chứng vô cùng nguy hiểm vì nó có thể gây tàn phế vĩnh viễn. Bên cạnh đó, lún xẹp đốt sống cũng gây chèn ép rễ dây thần kinh, đau nhức kéo dài và đẩy nhanh tốc độ thoái hóa cột sống. 
  • Suy giảm khả năng vận động: Loãng xương gây suy giảm khả năng vận động, nhiều trường hợp bệnh nhân phải nằm một chỗ trong thời gian dài, đồng thời làm tăng nguy cơ tắc mạch chi, viêm phổi, hoại tử,…
Loãng xương: nguyên nhân và cách điều trị
Loãng xương khiến bạn đau nhức, khó vận động

Xác định mật độ xương

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra tiêu chuẩn xác định loãng xương thông qua kết quả đo mật độ xương (BMD). Đầu tiên, kết quả BMD của bạn sẽ được so sánh với kết quả BMD của người 25 – 35 tuổi khỏe mạnh cùng giới tính, dân tộc với bạn. Độ lệch chuẩn (SD) là sự khác biệt giữa BMD của bạn với người 25 – 35 tuổi khỏe mạnh, gọi là điểm T.

  • Điểm T trong khoảng 1 SD (+1 hay -1): Mật độ xương bình thường.
  • Điểm T khoảng 1 – 2,5 SD dưới trung bình (-1 tới 2,5 SD): Thiếu xương.
  • Điểm T khoảng 2,5 SD trở lên dưới mức trung bình (nhiều hơn -2,5 SD): Loãng xương

Ngoài chỉ số T, BMD của bạn còn được so sánh với BMD của người khỏe mạnh cùng độ tuổi (điểm Z). Điểm Z thể hiện mật độ xương của bạn thấp hay cao hơn so với người khỏe mạnh cùng độ tuổi, giới tính, chiều cao, cân nặng và chủng tộc. Điểm Z được đánh giá như sau:

  • Điểm Z trên -2.0: Bình thường
  • Điểm Z = +0.5, -0.5 hoặc -1.5: Phổ biến với phụ nữ tiền mãn kinh
  • Điểm Z ≤ -2.0: Mật độ xương thấp hơn tiêu chuẩn của nhóm tuổi

Điều trị loãng xương

Tùy từng trường hợp cụ thể, bác sĩ điều trị sẽ cho những chỉ định điều trị phù hợp. Việc điều trị thuốc phải tuân thủ lâu dài, kết hợp với chế độ ăn uống và luyện tập thể dục mới đem lại hiệu quả.

  • Chế độ ăn uống: Người bệnh nên bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi theo nhu cầu của cơ thể và tránh uống rượu bia, hút thuốc lá. Ngoài ra, bạn cũng nên kiểm soát tốt cân nặng, tránh tình trạng thừa cân hoặc thiếu cân.
  • Chế độ sinh hoạt: Bạn nên vận động cơ thể thường xuyên để tăng sự dẻo dai cho cơ bắp. Ngoài ra, người bệnh cần cẩn trọng trong sinh hoạt để phòng tránh té ngã.
  • Có thể sử dụng những dụng cụ, nẹp chỉnh hình giảm sự tỳ đè lên cột sống, đầu xương, xương vùng hông.

Chế độ dinh dưỡng

  • Người bệnh loãng xương nên có chế độ ăn uống lành mạnh để kiểm soát, ngăn ngừa bệnh tiến triển, hỗ trợ điều trị bệnh tốt nhất.
  • Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bệnh loãng xương cần phải đảm bảo đủ lượng vitamin, khoáng chất, canxi.
  • Ưu tiên chọn các nguyên liệu thực phẩm tươi sạch.
  • Khi chăm sóc người bệnh lớn tuổi, người nhà nên nghiền nhỏ thức ăn, chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày. Ngoài ra, người lớn tuổi thường khó hấp thụ dưỡng chất bởi hệ tiêu hóa đã bị lão hóa. Vì thế, người nhà có thể trao đổi với bác sĩ về việc bổ sung thuốc bổ, thực phẩm chức năng cho người bệnh.

Bổ sung canxivitamin D từ thực phẩm bổ sung nếu từ nguồn thức ăn tự nhiên không đủ. Bổ sung sao cho tổng lượng canxi và vitamin D: Canxi: 1200-1500mg/ngày, vitamin D: 800-1000UI/ngày.

Vận động cơ thể

Người bệnh loãng xương khi tập thể dục nên lưu ý khởi động trước khi tập và thư giãn cơ thể sau khi tập. Trước khi tập, bạn cần khởi động khoảng 10 – 15 phút với các động tác đơn giản như đứng lên ngồi xuống, chạy bộ tại chỗ. Sau khi tập, người bệnh hãy thư giãn cơ thể khoảng 5 – 10 phút bằng cách thả lỏng toàn thân kết hợp hít thở sâu. Ngoài ra, người bệnh cao tuổi nên tránh những bài tập có lực tác động mạnh lên xương, đặc biệt là các bài tập thay đổi tư thế đột ngột.

Dùng thuốc điều trị loãng xương

Khi điều trị loãng xương, người bệnh cần bổ sung đủ lượng canxi khoảng 1.000 – 1.200 mg/ngày và lượng vitamin D cần thiết khoảng 800 – 1000 IU/ngày cho cơ thể. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng thêm các loại thuốc chống hủy xương như:

  • Alendronate: Fosamax plus hay Fosamax 5600 (1 viên/tuần).
  • Zoledronic acid được truyền tĩnh mạch với liều lượng 5mg/100ml mỗi năm. Thuốc chống chỉ định với người bệnh suy thận nặng và rối loạn nhịp tim.
  • Calcitonin thường được chỉ định cho người bệnh gãy xương hay bị đau do loãng xương, liều lượng 50 – 100 IU/ngày, cần dùng kết hợp nhóm bisphosphonate.
  • Chất điều hòa chọn lọc thụ thể estrogen (SERM), Raloxifene (Evista) thường được chỉ định cho nữ giới bị loãng xương sau mãn kinh, liều lượng 60 mg/ngày.
  • Những nhóm thuốc khác cũng thường được sử dụng trong điều trị loãng xương gồm:
  • Strontium ranelate (Protelos): Thuốc tăng cường tạo xương, ức chế hủy xương.
  • Deca-Durabolin và Durabolin: Thuốc giúp tăng quá trình đồng hóa.

Những biến chứng do loãng xương có thể gây đau hoặc gãy xương tùy theo cấp độ bệnh. Để điều trị các biến chứng cần dùng nhiều phương pháp khác nhau.

  • Điều trị đau: Điều trị dựa vào bậc thang giảm đau của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kết hợp Calcitonin.
  • Điều trị gãy xương: Bác sĩ sẽ áp dụng những phương pháp điều trị như đeo nẹp, bơm xi măng vào thân đốt sống, thay đốt sống nhân tạo. Một số trường hợp bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật thay xương hoặc thay khớp nếu có chỉ định.

Phòng bệnh loãng xương

Việc phòng bệnh phải được thực hiện ngay từ khi còn là bào thai, mẹ ăn chế độ ăn đầy đủ canxi và vitamin D. Khám sức khỏe định kỳ từ lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo để phát hiện bệnh còi xương. Tất cả mọi người thực hiện chế độ ăn đầy đủ canxi và vitamin D, hạn chế hút thuốc, uống rượu bia, tập thể dục đều đặn, tránh dùng những thuốc kéo dài tăng nguy cơ loãng xương, mang dụng cụ bảo vệ chậu hông khi đi lại nếu có nguy cơ ngã.

Các bệnh nhân loãng xương phải được điều trị lâu dài và theo dõi sát, ít nhất là 3-5 năm liên tục. Đo mật độ xương 6 tháng đến 1 năm 1 lần để theo dõi kết quả điều trị.

Bệnh loãng xương hoàn toàn có thể phòng và tránh được nếu như chúng ta có những hiểu biết về bệnh, thực hiện chế độ phòng và điều trị một cách tích cực nhất.

Leave a reply