Viêm họng hạt là một thể bệnh của viêm họng mạn tính, bệnh gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, dai dẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như công việc. Vì vậy bệnh cần được điều trị sớm và dứt điểm.

Viêm họng hạt: nguyên nhân và cách điều trị
Viêm họng hạt gây ra cho bạn nhiều khó chịu

Viêm họng hạt là bệnh gì?

Viêm họng hạt là một dạng của viêm họng mãn tính, đặc trưng của bệnh là tình trạng viêm nhiễm kéo dài liên tục khiến niêm mạc vùng họng bị sung huyết, từ đó dẫn đến tình trạng cơ thể bị suy yếu, dễ dàng bị virus hoặc vi khuẩn tấn công, hình thành các hạt màu đỏ ở thành sau họng.

Kích thước của những hạt này có thể to nhỏ khác nhau, từ bằng đầu đinh ghim đến hạt đậu. Bệnh có thể khởi phát đơn độc hoặc đi kèm các bệnh lý khác như viêm xoang mãn, viêm khí phế quản mãn…

Viêm họng hạt xuất hiện ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi, đặc biệt phổ biến ở những người có sức đề kháng yếu, cơ thể suy nhược.

Có thể chia viêm họng hạt thành hai thể là cấp tính và mạn tính

  • Viêm họng hạt cấp tính: thời gian đầu bị bệnh ít gây ra các phiền toái cho người bệnh, dẫn tới chủ quan, bỏ qua hoặc tự mua thuốc điều trị. Vì vậy khi có dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh nên đi khám Bác sĩ Tai Mũi Họng để có phương pháp điều trị kịp thời, hạn chế gây ra các biến chứng khác.
  • Viêm họng hạt mạn tính: khi bị cấp tính, người bệnh không được điều trị đúng cách dẫn tới bệnh kéo dài, thời gian bị bệnh kéo dài trên 3 tuần sẽ có những biến chuyển. Khi đó việc điều trị sẽ khó hơn, sau đó cũng rất dễ tái phát lại.

Lý do bệnh dễ tái phát là gì?

Viêm họng hạt dễ tái phát nhiều lần bởi các lý do:

  • Niêm mạc họng yếu, dễ bị tổn thương.
  • Tiếp xúc với không khí ô nhiễm, thuốc lá, khói bụi, nước đá…
  • Lạm dụng kháng sinh điều trị gây nhờn thuốc. Sử dụng kháng sinh không đúng cách (Kháng sinh chỉ có tác dụng điều trị khi nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn, không có tác dụng với virus, nấm…)
  • Người bệnh chủ quan với các biểu hiện nhẹ, khi điều trị thì bệnh đã trở nặng khiến thời gian điều trị kéo dài,
  • Sức đề kháng yếu: Viêm họng hạt mạn tính kéo dài khiến hệ miễn dịch kém, virus, vi khuẩn dễ tấn công gây bệnh.
  • Thói quen khạc, nhổ khiến các mao mạch họng bị căng lên, rách vỡ và tổn thương niêm mạc họng, tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm lấn tấn công.

Nguyên nhân gây viêm họng hạt

Bệnh viêm họng hạt có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm:

  • Sự tấn công của các tác nhân gây hại: Khoang miệng là nơi thường xuyên tiếp xúc với các loại virus, vi khuẩn hoặc nấm gây bệnh. Khi có điều kiện thuận lợi, chúng sẽ tấn công, gây viêm nhiễm. Thông thường, virus sẽ tấn công trước, sau đó vi khuẩn và nấm tiếp tục xâm nhập theo, gây bội nhiễm. Điều này khiến các tế bào lympho tại vùng họng phải làm việc liên tục, quá tải và sưng to.
  • Biến chứng bệnh lý: Viêm họng hạt có thể là biến chứng của viêm mũi xoang mạn tính, viêm họng cấp tái phát nhiều lần, viêm amidan mạn tính hoặc các bệnh đường tiêu hóa như trào ngược họng thanh quản,…
  • Bất thường trong giải phẫu cấu trúc mũi xoang: polyp mũi, lệch vẹo vách ngăn.
  • Môi trường sống ô nhiễm: Việc thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại, khói bụi, khói thuốc lá… hoặc thời tiết thất thường cũng là những yếu tố nguy cơ.
  • Lối sống không lành mạnh: Lạm dụng rượu bia, đồ ăn cay nóng, vệ sinh răng miệng kém… cũng góp phần kích thích cổ họng và tạo điều kiện để các tác nhân xấu xâm nhập, gây viêm nhiễm.
  • Yếu tố cơ địa, di truyền: các yếu tố cơ địa nhạy cảm, một số bệnh di truyền, miễn dịch cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị viêm họng hạt.

Các triệu chứng nhận biết viêm họng hạt

Giống như viêm họng, viêm họng hạt có xu hướng xảy ra nhiều hơn khi thời tiết thay đổi. Thời gian ủ bệnh thường kéo dài 2 đến 5 ngày. Các triệu chứng viêm họng hạt bao gồm:

  • Đau họng, khó nuốt thức ăn: Niêm mạc họng bị tổn thương dẫn đến cảm giác đau khi thức ăn đi qua họng xuống dạ dày.
  • Ngứa họng, vướng họng: Các hạt sưng to trong họng khiến người bệnh cảm thấy ngứa, vướng nơi cổ họng, đặc biệt khi nuốt.
  • Ho: Họng bị kích thích làm khởi phát các cơn ho khan, ho có đờm do các ổ viêm nhiễm tiết ra.
  • Sốt cao: Sốt là dấu hiệu hệ thống miễn dịch của cơ thể đang tăng cường hoạt động để chống đỡ các cuộc tấn công của tác nhân gây bệnh.
Viêm họng hạt rất dễ tái phát

Những biến chứng có thể xảy ra

Viêm họng hạt dù không quá nguy hiểm nhưng vẫn có thể dẫn đến nhiều biến chứng, gây khó chịu và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các biến chứng thường gặp gồm:

  • Sưng tấy, áp xe ở vùng thành họng, viêm sưng amidan
  • Gây viêm nhiễm khu vực lân cận và cơ quan hô hấp, hình thành bệnh lý viêm xoang, viêm tai giữa, viêm thanh khí phế quản, thậm chí là viêm phổi.
  • Bệnh kéo dài có thể gây viêm nhiễm các cơ quan xa như viêm khớp, viêm cầu thận, viêm màng ngoài tim…
  • Trong nhiều trường hợp, viêm họng hạt mạn tính là yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng ở người bệnh.

Điều trị viêm họng hạt

Để điều trị viêm họng hạt cần xác định rõ nguyên nhân gây bệnh để điều trị đạt kết quả tốt nhất.

Điều trị theo nguyên nhân gây bệnh

Nếu viêm họng hạt là biến chứng của một bệnh lý khác, như viêm xoang mạn, viêm mũi, viêm amidan, trào ngược dạ dày thực quản…, bác sĩ sẽ ưu tiên giải quyết dứt điểm các bệnh lý này trước. Khi nguyên nhân gây bệnh được loại bỏ, tình trạng viêm họng hạt cũng theo đó mà thuyên giảm và biến mất.

  • Điều trị khỏi viêm mũi xoang… loại bỏ dịch chảy xuống họng, nhờ vậy mà giảm tình trạng viêm họng mạn tính nói chung và viêm họng hạt nói riêng..
  • Kiểm soát tốt trào ngược họng thanh quản, ngăn axit tác động lên niêm mạc họng, giúp tổn thương viêm niêm mạc họng phục hồi nhanh hơn
  • Phẫu thuật cắt bỏ amidan, VA sưng viêm, polyp mũi hay phẫu thuật vẹo vách ngăn mũi… để loại bỏ tổ chức viêm nhiễm khu trú và đảm bảo lưu thông diễn ra đúng cách.

Dùng thuốc điều trị viêm họng hạt

Thuốc trị viêm họng hạt được chỉ định bởi bác sĩ thường đem lại hai tác dụng chính:

  • Nhóm thứ nhất nhằm điều trị và kiểm soát các nguyên nhân gây bệnh, gồm các loại thuốc ức chế virus, vi khuẩn hay nấm và thuốc điều trị trào ngược họng thanh quản.
  • Nhóm thứ hai có công dụng giảm các triệu chứng khó chịu do viêm họng hạt gây ra, bao gồm các loại thuốc giảm ngứa họng, giảm ho, tiêu đờm, hay loại giảm đau, hạ sốt,…Cùng với đó là các chế phẩm hỗ trợ điều trị như nước súc họng, dung dịch rửa mũi, …

Người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn về liều dùng của thuốc. Tuyệt đối không tự ý bỏ ngang hoặc thay đổi liều lượng để tránh tình trạng kháng thuốc hoặc bệnh không được điều trị dứt điểm, dễ tái phát.

Chữa viêm họng hạt tại nhà

Một số cách chữa viêm họng hạt hiệu quả tại nhà sẽ giúp cải thiện triệu chứng bệnh một cách hiệu quả.

  • Súc miệng bằng nước muối giúp cổ họng bớt, tránh được nhiễm trùng.
  • Uống nhiều nước để điều chỉnh thân nhiệt, ngăn bị sốt và khơi thông cổ họng.
  • Dùng mật ong để bổ sung vitamin, tăng cường hệ miễn dịch, chống nhiễm khuẩn vùng họng.
  • Ngậm 1 tép tỏi sống trong 5 – 10 phút hoặc giã nát tỏi sau đó thêm nước, mật ong rồi đun sôi để tạo hỗn hợp sánh mịn sau đó dùng để uống.
  • Vệ sinh răng miệng thường xuyên: đánh răng, súc miệng, sử dụng tăm nước, chỉ nha khoa.
  • Tránh những nơi có môi trường khói bụi.
  • Bổ sung vitamin và khoáng chất từ chế độ ăn uống hàng ngày của bệnh nhân.
  • Người bệnh viêm họng hạt nên chú ý luyện tập thể dục để nâng cao sức đề kháng.
  • Tránh thực phẩm cay nóng, đồ chiên nướng, khô cứng, các món ăn/uống lạnh, tránh rượu bia, nước có gas, thức ăn quá ngọt, chất kích thích.
  • Khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng/lần kể cả khi không có triệu chứng gì bất thường.

Phòng ngừa viêm họng hạt tái phát

  • Vệ sinh đường hô hấp trên hàng ngày như: Vệ sinh răng miệng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy.
  • Điều trị dứt điểm bệnh viêm họng ban đầu không để bệnh trở thành mạn tính.
  • Tránh hít phải khí độc hại trong hầm lò, nhà máy, hóa chất. Đeo khẩu trang khi đi ngoài đường, nơi khói bụi, ô nhiễm.
  • Không hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá.
  • Giữ ấm cổ và cơ thể. Tránh ăn kem, uống nước đá lạnh, bia rượu…
  • Bổ sung vitamin và khoáng chất, tập thể dục hàng ngày để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
  • Khi phát hiện dấu hiệu bệnh viêm họng hạt, cần thăm khám bác sĩ để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh và chỉ định điều trị phù hợp, tránh tự ý dùng thuốc hoặc điều trị tại nhà vì có thể khiến bệnh dai dẳng, khó chữa dứt điểm.

Viêm họng hạt không thể tự khỏi. Do đó, người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được điều trị đúng cách và dứt điểm, tránh tái phát gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống.

Leave a reply