Viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan B gây ra, rất dễ mắc phải. Vậy virus viêm gan B lây qua những con đường nào?

Viêm gan B lây qua đường nào?
Viêm gan B lây từ mẹ qua con

Bệnh viêm gan b

Viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan B (HBV) gây ảnh hưởng đến gan. Khi bệnh kéo dài hơn 6 tháng (một số người bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính) tăng nguy cơ dẫn đến suy gan, ung thư gan hoặc xơ gan. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới, virus HBV tồn tại ở trong môi trường ít nhất 7 ngày. Đối với người chưa được tiêm vaccine ngừa viêm gan B, trong trường hợp bị virus HBV xâm nhập vào cơ thể, thời gian ủ bệnh viêm gan B là 30 – 180 ngày. Và trong khoảng 30 – 60 ngày sau nhiễm, virus sẽ có thể được phát hiện trong cơ thể người bệnh thông qua các xét nghiệm như HBsAg.

Bệnh viêm gan B được xem là một nỗi lo ngại cho tất cả mọi người khi đây là một loại bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền từ người sang người với tốc độ cao. Nhưng bạn phải biết rằng, bệnh viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm và không phải là một bệnh di truyền.

Để giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm viêm gan B, bạn cần nắm rõ viêm gan B lây qua đường nào, bằng cách nào để có biện pháp phòng ngừa tối ưu.

Con đường lây nhiễm viêm gan B

Viêm gan B là một loại bệnh lây truyền, cơ chế lây lan của nó giống với virus HIV. Một số nhà nghiên cứu đánh giá khả năng lây nhiễm của HBV cao hơn HIV.

Nơi cư ngụ ưa thích của virus viêm gan B là dịch cơ thể, chủ yếu gồm: máu, dịch âm đạo, tinh dịch. Ngoài ra, virus này còn có thể tồn tại trong một số loại dịch khác trong cơ thể như sữa mẹ, nước tiểu, nước bọt hay nước mắt. Tuy nhiên, khác với ba loại dịch cơ thể trên, virus viêm gan B hiếm khi hiện diện ở đây.

Những con đường lây truyền Viêm gan B chủ yếu bao gồm:

Lây từ mẹ sang con

Đa số xảy ra trong thời kỳ chu sinh hay những tháng đầu sau sinh, không lây nhiễm qua nhau thai, đây là một cách thức lây nhiễm phổ biến và quan trọng nhất. Mức độ lây nhiễm tùy thuộc vào nồng độ virus viêm gan B (HBV DNA) và tình trạng HBeAg của mẹ vào 3 tháng cuối thai kỳ.

Nếu mẹ có nồng độ HBV cao và HBeAg (+) thì khả năng lây truyền cho con càng cao. Cụ thể:

  • Mẹ có HBeAg (+), trẻ sơ sinh có 95% nguy cơ bị nhiễm nếu không được điều trị dự phòng miễn dịch.
  • Mẹ có HBeAg (-), tỷ lệ lây nhiễm cho con là 32%. Tỷ lệ lây nhiễm cho con tăng lên từ 0% nếu HBVDNA của mẹ thấp hơn 10 5copies/ml đến 50% nếu HBVDNA của mẹ từ 10 9- 10 10copies/ml.

Virus viêm gan B có trong sữa mẹ với nồng độ rất thấp do đó lây truyền chủ yếu là do trẻ bú cắn vào vú mẹ gây trầy xước.

Viêm gan b lây qua đường máu

Viêm gan B được biết là loại bệnh lây truyền qua đường máu bởi vì trong máu có chứa nồng độ virus HBV rất cao. Bất cứ trường hợp nào bạn tiếp xúc với máu hoặc được truyền máu từ người dương tính với viêm gan B đều có thể bị nhiễm virus HBV.

Vì vậy, bạn nên cẩn trọng về tính an toàn với những hoạt động có khả năng cao tiếp xúc với máu người khác như: phẫu thuật, đi khám nha khoa, xăm,… Bạn cần phải đảm bảo rằng những dụng cụ này đã thông qua quá trình khử, diệt khuẩn đúng tiêu chuẩn để giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm viêm gan B qua đường máu.

Các dạng khác do lây qua đường máu bao gồm:

  • Tái sử dụng kim và ống tiêm: Việc truyền virus cũng có thể xảy ra thông qua việc tái sử dụng kim và ống tiêm trong môi trường chăm sóc sức khỏe hoặc giữa những người tiêm chích ma túy.
  • Nhiễm máu nhiễm bệnh: Nhiễm virus viêm gan B xảy ra trong quá trình y tế, phẫu thuật và nha khoa, thông qua hình xăm hoặc thông qua việc sử dụng dao cạo và các vật tương tự bị nhiễm máu nhiễm bệnh.

HBV lây qua đường tình dục

Khi quan hệ tình dục không an toàn (sử dụng chung dụng cụ tình dục nếu không rửa hoặc không dùng bao cao su) với người bị viêm gan siêu vi B. Bạn cũng sẽ có khả năng bị nhiễm HBV vì virus có trong dịch tiết của người nhiễm và thâm nhập vào thân thể bạn qua các vết xước nhỏ và di chuyển vào máu gây tình trạng nhiễm HBV. Phương thức lây truyền qua đường tình dục đặc biệt hay gặp ở những người đàn ông không được tiêm chủng có quan hệ tình dục với đồng giới có nhiều bạn tình hoặc tiếp xúc với gái mại dâm.

Báo cáo thống kê của Mỹ cho thấy rằng, cứ 10 ca viêm gan B thì có 3 ca là bị lây nhiễm theo đường quan hệ tình dục. Việc quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp an toàn không chỉ khiến bạn phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh tình dục mà còn tăng khả năng nhiễm các bệnh truyền nhiễm khác.

Vì thế, bạn cần thiết phải sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ để làm giảm khả năng mắc bệnh viêm gan B cũng như những loại bệnh khác.

Dụng cụ xăm mình nên được khử trùng làm sạch để tránh lây nhiễm bệnh HBV

Những triệu chứng của bệnh

Khi mắc bệnh, người bệnh thường có những triệu chứng như sau: 

  • Sốt, mệt mỏi, đau nhức khớp.
  • Chán ăn.
  • Hay có hiện tượng buồn nôn, ói mửa.
  • Nước tiểu vàng, sẫm.
  • Đau bụng.
  • Phân có màu xanh xám hoặc sẫm màu.
  • Rối loạn tiêu hóa.
  • Vàng mắt, vàng da.
  • Xuất huyết dưới da.
  • Đau hạ sườn phải.
  • Bụng chướng.

Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời, nguy cơ cao có thể dẫn đến xơ gan, suy gan rất nguy hiểm.

Những ai có nguy cơ cao bị viêm gan B

Tất cả chúng ta ai cũng có nguy cơ bị lây nhiễm virus HBV. Có một số người dễ bị lây bệnh hơn do công việc, môi trường sống hoặc có mẹ bị nhiễm  HBV. Dưới đây là những người có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh:

  • Người sử dụng kim tiêm với người mắc bệnh viêm gan B.
  • Người hay đi xăm làm móng tại những địa chỉ không uy tín.
  • Quan hệ tình dục với nhiều người không dùng biện pháp an toàn.
  • Trẻ em sinh ra từ mẹ bị nhiễm viêm gan virus B.
  • Các nhân viên y tế hoặc các bác sĩ khi làm việc tiếp xúc với người bệnh.
  • Những người đi du lịch đến những nơi có tỷ lệ nhiễm HBV cao.

Những câu hỏi về bệnh viêm gan B

Viêm gan B có lây qua đường ăn uống chung không?

Đường ăn uống cũng được đặt nghi vấn về khả năng truyền nhiễm virus thông qua đường này. Tuy nhiên, trên thực tế, viêm gan B không lây qua đường ăn uống hay những hoạt động sinh hoạt thông thường khác. Ngoại trừ trường hợp người bệnh vô tình bị thương ở miệng trong khi ăn cùng người khác sẽ gây ra nguy cơ lây bệnh cho những người khác.

Vì vậy, khi có người thân, hoặc người sống chung nhà bị viêm gan B, bạn không cần phải sinh hoạt riêng để phòng tránh viêm gan B.

Viêm gan B lây nước bọt không?

Nồng độ virus HBV trong nước bọt rất thấp. Do đó, khả năng để người bệnh truyền virus cho người khác là rất khó xảy ra. Đây cũng là một trong những lý do chính để giải thích cho việc viêm gan B không lây qua đường ăn uống và sinh hoạt thông thường.

Vậy hôn nhau thì sao?

Như đã nói ở trên, virus viêm gan B không lây qua đường nước bọt nên khi hôn cũng không bị lây bệnh.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ đã khẳng định rằng, nụ hôn không tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm viêm gan B từ người sang người. Dù rằng quan hệ bằng miệng có nguy cơ lây truyền bệnh cao, là vì bạn tiếp xúc với tinh dịch/dịch âm đạo có chứa nồng độ virus HBV cao. Nhưng với nụ hôn, người hôn chỉ tiếp xúc với nước bọt chứa nồng độ virus HBV rất thấp, do đó khả năng nhiễm viêm gan B là rất thấp.

Viêm gan B liệu có lây qua đường muỗi đốt không?

Khi người mang mầm bệnh bị muỗi chích, máu người di chuyển vào cơ thể của muỗi, ở đây máu đã bị thay đổi môi trường và môi trường này không phù hợp để virus viêm gan B tồn tại. Vì vậy, muỗi không có khả năng truyền bệnh viêm gan B cho người.

Phòng tránh mắc bệnh viêm gan B

Tiêm phòng vắc-xin viêm gan B là phương pháp chủ động phòng ngừa khả năng mắc phải bệnh lý này, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao như: nhân viên y tế, người sống cùng với thành viên trong gia đình có người dương tính với viêm gan B, người quan hệ tình dục với đối tác có dương tính với viêm gan B, người trước đây hoặc đang sử dụng ma túy, những người mắc bệnh gan mạn tính, người bị nhiễm vi rút viêm gan C, những người mắc bệnh thận ở giai đoạn cuối…

Hiện nay, tiêm vắc-xin ngừa viêm gan B là cách dự phòng viêm gan B hiệu quả nhất, thúc đẩy hệ miễn dịch cơ thể chiến đấu với virus ngay cả khi đã phơi nhiễm.

Các phương pháp khác bảo vệ bạn bao gồm:

  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục
  • Che tất cả các vết cắt hoặc vết thương hở
  • Không dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng, dụng cụ chăm sóc móng tay hoặc khuyên tai với bất kỳ ai.
  • Mang găng tay và rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với máu, dịch tiết cơ thể.

Viêm gan B là một loại bệnh tổn thương gan nghiêm trọng và dễ dàng lây nhiễm từ người sang người. Vì vậy việc chủ động phòng ngừa bệnh là việc rất quan trọng. Đồng thời hãy tự chăm sóc sức khỏe của mình bằng cách ăn uống, nghỉ ngơi, luyên tập khoa học. Thăm khám bác sĩ định kỳ nhằm phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh, tránh biến chứng nguy hiểm.

Leave a reply