Hội chứng thận hư xảy ra khi các hệ thống cấu trúc cầu thận và ống thận bị tổn thương khiến thận để lọt quá nhiều protein trong máu vào nước tiểu. Nếu không có biện pháp can thiệp sớm, người bệnh có thể đối mặt với những biến chứng vô cùng nguy hiểm.

Hội chứng thận hư: nguyên nhân và cách điều trị
Phù là dấu hiệu của hội chứng thận hư

Hội chứng thận hư là gì?

Hội chứng thận hư là một hội chứng lâm sàng và sinh hóa xảy ra ở nhiều bệnh cầu thận, được đặc trưng bởi protein niệu nhiều (3,5g/24giờ), protein máu giảm (<60g/l), albumin máu giảm (<30g/l), lipid máu tăng và có phù.

  • Tăng lipid máu: Triệu chứng này rất thường gặp ở hội chứng thận hư và tỉ lệ nghịch với mức độ giảm albumin trong máu.
  • Tăng albumin niệu: Đây là tình trạng điển hình nhất, màng lọc cầu thận bị tổn thương dẫn tới thoát đạm vào nước tiểu. Trung bình bệnh nhân đưa từ 3g protein trở lên vào nước tiểu trong vòng 24 giờ, gấp 20 lần lượng Albumin niệu thông thường.
  • Albumin máu thấp: Việc tăng đào thải Albumin vào nước tiểu khiến nồng độ chất này trong máu xuống thấp.

Bình thường gan sẽ tổng hợp 10 – 12g albumin/ngày. Do lượng albumin trong nước tiểu vượt quá khả năng sinh tổng hợp albumin của gan nên sẽ làm giảm albumin máu < 30g/L. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc và nhiều yếu tốt khác như tuổi tác, tình trạng dinh dưỡng cũng nhưng bệnh lý tại gan của từng bệnh nhân.

Sự nguy hiểm của hội chứng thận hư

Đối với hội chứng thận hư, quả thận sẽ không thể làm việc một cách bình thường được, hậu quả dẫn đến một lượng lớn protein trong máu bị thất thoát và xuất hiện trong nước tiểu. Sự mất protein có thể gây ra một loạt các vấn đề như:

  • Phù: Giảm protein máu có thể dẫn tới tình trạng giảm sức kéo và giữ nước từ các mô kẽ vào trong lòng mạch, gây ứ nước ở mô kẽ, hậu quả là dẫn đến phù. Tình trạng này thường tiến triển ở quanh mắt, mu bàn chân – cẳng chân rồi mới đến các phần còn lại trên cơ thể.
  • Nhiễm trùng: Một số loại protein đặc biệt trong máu đóng vai trò là kháng thể, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Đối với hội chứng thận hư, những protein này bị mất đi, bệnh nhân (nhất là trẻ em) dễ bị nhiễm trùng, thường thấy mệt mỏi, ốm yếu, ăn uống kém đi.
  • Thay đổi trong nước tiểu: Đôi khi sự tăng cao thành phần protein vào nước tiểu có thể làm cho nước tiểu trở nên đục, như xuất hiện bọt, một vài bệnh nhân sẽ đi tiểu ít hơn bình thường trong suốt thời gian bệnh.
  • Cục máu đông: Những protein đóng vai trò quan trọng để ngăn chặn sự hình thành cục máu đông trong cơ thể có khả năng bị thất thoát qua nước tiểu ở bệnh nhân bị hội chứng thận hư. Điều này dẫn đến tăng nguy cơ gây ra cục máu đông, rất nguy hiểm đối với sức khỏe tim mạch.

Nguyên nhân gây ra hội chứng thận hư

Hội chứng thận hư xảy ra khi màng lọc của cầu thận bị viêm và tổn thương (đơn vị lọc của thận). Màng lọc cầu thận có tác dụng lọc máu trong cơ thể khi đi qua thận. Các cầu thận khỏe mạnh giữ lại protein trong máu (chủ yếu là albumin) không đi qua màng lọc. Khi bị viêm, màng lọc cầu thận cho phép quá nhiều protein trong máu thấm qua màng lọc, dẫn đến hội chứng thận hư. Phần lớn hội chứng thận hư không có nguyên nhân (nguyên phát).

Tuy nhiên một phần nhỏ người bệnh có nguy cơ cao mắc hội chứng thận hư hơn người khác trong các trường hợp sau:

  • Mắc một số bệnh ảnh hưởng toàn thân và thận là 1 trong những cơ quan bị ảnh hưởng, chẳng hạn như tiểu đường, lupus, amyloidosis và các bệnh thận khác.
  • Sử dụng lâu dài một số loại thuốc: Ví dụ về các loại thuốc có thể gây ra hội chứng thận hư bao gồm thuốc chống viêm không steroid và thuốc kháng sinh.
  • Mắc một số bệnh nhiễm trùng: Ví dụ về các bệnh nhiễm trùng làm tăng nguy cơ mắc hội chứng thận hư bao gồm HIVviêm gan B, viêm gan C và sốt rét.
  • Một số loại ung thư ung thư.

Những triệu chứng của bệnh

Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng thận hư bao gồm:

  • Sưng nặng (phù), đặc biệt là quanh mắt và mắt cá chân và bàn chân có thể kèm theo báng, tràn dịch màng bụng, có thể có phù não.
  • Nước tiểu có bọt, có thể do protein dư thừa trong nước tiểu.
  • Tăng cân do lượng nước dư thừa không được thoát ra ngoài cơ thể
  • Mệt mỏi, da xanh, kém ăn
  • Ăn mất ngon

Các chỉ số xét nghiệm chỉ điểm:

  • Chỉ số Protein niệu ở mức rất cao >3,5g / 24h
  • Có thấy hạt hoặc trụ mỡ trong nước tiểu
  • Chỉ số Protein máu giảm xuống < 60g/l
  • Điện di protein thấy chỉ số Albumin giảm < 30g/l có thể giảm xuống < 10g/l
  • Lipid và cholesterol máu tăng.
  • Điện giải đồ có Na+ và K+ giảm.
  • Mức lọc cầu thận giảm
  • VS (máu lắng) tăng
  • Ure, cretinine máu có thể tăng hoặc bình thường.

Biến chứng hội chứng thận hư

Biến chứng hội chứng thận hư có thể gây nguy hiểm như:

  • Tăng cao cholesterol máu và triglyceride máu: Mức độ protein albumin trong máu giảm khiến gan tạo ra nhiều albumin hơn. Đồng thời, gan giải phóng nhiều cholesterol và chất béo trung tính.
  • Suy dinh dưỡng: Cơ thể khi bị mất quá nhiều protein trong máu có thể bị suy dinh dưỡng. Tình trạng này gây giảm cân nghiêm trọng khó nhận ra bởi cơ thể bị phù. Ngoài ra, cơ thể cũng có thể bị suy giảm số lượng tế bào hồng cầu (thiếu máu), vitamin D và canxi.
  • Huyết áp cao: Huyết áp người bệnh có thể tăng cao do tình trạng ứ muối và nước dư thừa trong cơ thể.
  • Suy thận cấp: Khi thận bị mất khả năng lọc máu do tổn thương cầu thận, chất thải có thể nhanh chóng tích tụ trong máu. Khi đó, người bệnh có thể cần lọc máu khẩn cấp.
  • Bệnh thận mạn tính: Hội chứng thận hư khi không được điều trị kịp thời và tình trạng bệnh kéo dài có thể làm suy giảm chức năng thận mạn tính. Khi chức năng thận giảm rất nhiều, người bệnh có thể cần chạy thận nhân tạo hoặc ghép thận.
  • Nhiễm trùng: Người bệnh hội chứng thận hư có nguy cơ cao bị nhiễm trùng.
  • Làm tăng tình trạng đông máu, dẫn đến hình thành huyết khối tĩnh mạch ở chân hoặc ở nơi khác.
Giảm lượng muối tiêu thụ khi thận có vấn đề

Điều trị hội chứng thận hư

Điều trị triệu chứng

Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân bị hội chứng thận hư chưa đáp ứng với điều trị, các biện pháp điều trị triệu chứng lúc này có thể là cần thiết và đây là các biện pháp điều trị hội chứng thận hư duy nhất cho những bệnh nhân có biểu hiện bệnh dai dẳng không đáp ứng với bất kỳ một biện pháp điều trị đặc hiệu nào. Các lựa chọn điều trị triệu chứng đối với trường hợp này sẽ là:

  • Giảm phù: Trong giai đoạn phù nặng, bệnh nhân cần chú ý ăn nhạt tuyệt đối. Giai đoạn phù ít thì chỉ cần ăn nhạt một cách tương đối, trung bình mỗi ngày một người bình thường ăn khoảng 4g đến 6g Natri, tương đương với khoảng 15 g muối (cỡ 3 muỗng cà phê). Ăn nhạt tương đối là khi mỗi ngày bổ sung lượng muối khoảng 5g, lưu ý là cả trong nước mắm, mì chính cũng có chứa một lượng muối nhất định.
  • Dùng thuốc lợi tiểu theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
  • Bù lại protein cho cơ thể bằng cách tăng cường bổ sung protein trong thức ăn (nhu cầu một người bình thường mỗi ngày cần ăn khoảng 200g thịt nạc, bệnh nhân khi điều trị hội chứng thận hư cần bổ sung khoảng 300g/ngày), truyền plasma, albumin được xem là tốt nhất (truyền albumin khi xét nghiệm albumin máu dưới 10 g/l).
  • Hạ huyết áp: Việc giảm huyết áp trung bình hoặc ít nhất là giảm huyết áp tâm thu có tác dụng bảo vệ thận. Nhóm thuốc hạ áp thường được các bác sĩ lựa chọn là nhóm ức chế men chuyển, vì theo nghiên cứu thì nhóm thuốc này có thể làm giảm protein niệu.
  • Sử dụng kháng sinh khi có nhiễm khuẩn.
  • Các thuốc khác, bao gồm: Vitamin D2, canxi, các yếu tố vi lượng… nhằm hạn chế tác dụng phụ của corticoid và hậu quả do protein niệu.

Điều trị đặc hiệu

  • Điều trị đặc hiệu là sử dụng liệu pháp corticoid. Trong đợt phát bệnh đầu tiên, ở giai đoạn tấn công, dùng prednisolon (nhóm corticoid) trong ít nhất 4 tuần. Nếu người bệnh đáp ứng tốt điều trị (xét nghiệm nước tiểu trong 24 giờ không thấy protein niệu, hay nếu còn thì chỉ ở dạng vết), sẽ giảm dần liều prednisolon.
  • Tuy nhiên, người bệnh cần duy trì dùng prednisolon kéo dài hằng năm theo chỉ định từ bác sĩ. Nếu không đáp ứng với prednisolon, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh tiến hành sinh thiết thận, dựa vào kết quả mô bệnh học để xác định hướng điều trị tiếp theo.
  • Trong điều trị đợt tái phát, đối với thể ít tái phát (dưới 1 lần trong 6 tháng), bác sĩ sẽ áp dụng điều trị tương tự đợt đầu. Đối với thể thường xuyên tái phát ( 2 lần tái phát trở lên trong 6 tháng) hoặc phụ thuộc corticoid, bác sĩ sẽ sử dụng liều tấn công tương tự đợt đầu cho tới khi hết tình trạng protein niệu. Người bệnh sau đó phải sử dụng liều duy trì kéo dài, giảm dần liều cho tới một năm sau.
  • Những thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng trong trường hợp điều trị hội chứng thận hư hay tái phát, phụ thuộc, kháng thuốc hay xuất hiện biểu hiện có tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng corticoid.

Những lưu ý trong điều trị bệnh

Thay đổi chế độ ăn uống sẽ hỗ trợ rất tốt cho quá trình điều trị hội chứng thận hư, cụ thể:

  • Chế độ ăn ít chất béo, ít muối.
  • Trao đổi kỹ với bác sĩ về lượng protein cần bổ sung và lượng nước cần nạp mỗi ngày.
  • Hạn chế nằm nhiều, thay vào đó nên tích cực hoạt động nhằm giúp thải nước và ngăn ngừa tình trạng máu đông.
  • Theo dõi các chỉ số, dấu hiệu sinh tồn như mạch, nhịp thở, nhiệt độ, huyết áp.
  • Sử dụng thuốc theo chỉ định từ bác sĩ, không tự ý bỏ sử dụng thuốc, hoặc tự ý mua thuốc để điều trị.
  • Thuốc điều trị bệnh, chẳng hạn như steroid, có thể làm người bệnh ăn nhiều hơn và tăng cân, kèm theo các tác dụng bất lợi của thuốc. Do đó người bệnh cần kiểm soát tốt lượng tinh bột hoặc đường mình ăn vào.

Hội chứng thận hư là bệnh làm suy giảm chức năng lọc protein của cầu thận, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. Do đó, bệnh nhân cần được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt, tránh biến chứng không thể phục hồi.

Leave a reply