Ghẻ là một bệnh da liễu khá phổ biến, bệnh lây từ người này qua người khác trong cộng đồng. Các vấn đề da liễu này không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu tiếp tục kéo dài, tình trạng ghẻ ngứa có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng, chàm hóa hoặc thậm chí là viêm cầu thận…

Bệnh ghẻ: nguyên nhân và cách điều trị
Côn trùng gây bệnh ghẻ

Ghẻ là bệnh gì?

Ghẻ là bệnh ngoài da do một loại côn trùng ký sinh trên da gây nên, có tên là Sarcoptes scabiei, Hominis (cái ghẻ), có nơi còn gọi là con mạt ngứa.

Sau khi bám vào bề mặt da, rệp chui sâu vào trong để đẻ trứng, khiến vùng da đó ngứa ghẻ dữ dội do cơ thể phản ứng dị ứng với tác nhân lạ. Tình trạng bị ghẻ ngứa sẽ dữ dội hơn về đêm. Điều này có thể khiến người da bị ghẻ gãi nhiều, từ đó dẫn đến các tình trạng xấu hơn như ghẻ lở, nhiễm trùng da.

Sự lan truyền ký sinh trùng chủ yếu do tiếp xúc gần gũi với người mang mầm bệnh hoặc qua trung gian là các vật dụng dính trứng ghẻ, cái ghẻ. Rệp có thể sống trong da đến 2 tháng.

Nguyên nhân gây ra bệnh ghẻ

Nguyên nhân gây bệnh là do ký sinh trùng ghẻ (Sarcoptes scabiei hominis). Bệnh do ghẻ cái gây nên là chủ yếu, ghẻ đực không gây bệnh vì chết sau khi giao hợp. Ghẻ cái có nhiều loài, có loài gây bệnh ở người, có loại gây bệnh ở súc vật như ngựa, cừu, dê, lợn, chó, mèo, thỏ, chuột v.v… Tuy nhiên ghẻ cái gây bệnh ghẻ cho súc vật có thể truyền bệnh cho người.

Một số đặc điểm nhận dạng cái ghẻ:

  • Cái ghẻ có hình bầu dục, đường kính khoảng 0,25 mm, rất nhỏ, khó có thể nhìn thấy bằng mắt thường, nếu nhìn thấy cũng chỉ thấy nó như một điểm trắng di động, nó có 8 chân, 2 đôi chân trước có ống giác, 2 đôi chân sau có lông tơ, đầu có vòi để hút thức ăn.
  • Cái ghẻ thường ký sinh ở lớp sừng của thượng bì, ban đêm thì đào hang còn ban ngày đẻ trứng, mỗi ngày ghẻ cái đẻ 1-5 trứng, 72-96 giờ nở thành ấu trùng, sau 5-6 lần lột xác (trong vòng 20-25 ngày) trở thành cái ghẻ trưởng thành, rồi bò ra khỏi hang, giao hợp và tiếp tục đào hầm, đẻ trứng mới.
  • Chu kỳ toàn bộ cuộc sống cái ghẻ ở thượng bị kéo dài 30 ngày và có khoảng <10% trứng đậu thành cái ghẻ trưởng thành.

Đường lây của bệnh ghẻ như thế nào?

Bệnh ghẻ lây do nằm chung giường, mặc quần áo chung, qua tiếp xúc da-da khi quan hệ tình dục nên có thể xếp vào nhóm bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD). Bệnh có thể xuất hiện thành ổ dịch ở các đơn vị tập thể như nhà trẻ, quân đội, vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, trại giam…

Cách thức hoạt động

  • Ghẻ cái tiết ra enzyme proteases làm suy giảm tầng lớp sừng của người, do đó ghẻ cái có thể di chuyển qua các lớp trên cùng của da dễ dàng hơn. Nguồn thức ăn của ghẻ là các mô bị phân hủy nhưng nó không ăn máu. Nó thường thông qua các lớp biểu bì, tạo ra các tổn thương hang và để lại sau phân của chúng.
  • Ghẻ cái sinh sôi nảy nở rất nhanh, trong điều kiện thuận lợi một con ghẻ cái, sau 3 tháng có thể có một dòng họ 150 triệu con, ghẻ cái cũng chết sau khi đã đẻ hết số trứng của mình.
  • Vào ban đêm ghẻ cái bò ra khỏi hang tìm ghẻ đực, đây là lúc ngứa nhất, dễ lây truyền nhất, vì ngứa phải gãi làm vương vãi cái ghẻ ra quần áo, giường chiếu… Cái ghẻ sẽ chết sau khi rời vật chủ 4 ngày.

Những triệu chứng của bệnh ghẻ

Dấu hiệu bệnh ghẻ ở người thường thấy nhất khi bị ghẻ là: ngứa, nhiều nhất là về đêm, lúc đi ngủ do cái ghẻ di chuyển gây kích thích đầu dây thần kinh cảm giác ở da và một phần do độc tố ghẻ cái tiết ra khi đào hang. Ngứa gãi gây nhiễm khuẩn….và có thể có sốt trong một số trường hợp.

Đường hầm do cái ghẻ đào ở lớp sừng, đây là đường cong ngoằn ngoèo, dài 2-3 cm, gờ cao hơn mặt da, màu trắng đục hay trắng xám, không khớp với da. Ở đầu đường hầm có mụn nước 1 – 2 mm đường kính, đây chính là nơi cư trú của cái ghẻ. Đường hầm thường tìm thấy ở kẽ ngón tay, đường chỉ lòng bàn tay, nếp gấp cổ tay và quy đầu. Ở mụn nước nhỏ, lấy kim chích dịch ra để lộ màu xám hoặc đen, dùng kim khều sẽ bắt được cái ghẻ bám trên đầu kim.

Mụn nước sắp xếp rải rác, riêng rẽ ở vùng da mỏng như kẽ ngón tay, đường chỉ lòng bàn tay, mặt trước cổ tay, cẳng tay, nếp vú, quanh thắt lưng, rốn, kẽ mông, mặt trong đùi và bộ phận sinh dục. Ở trẻ sơ sinh, mụn nước có thể xuất hiện ở lòng bàn chân. Ở quy đầu, ghẻ có thể gây ra vết trợt được gọi là săng ghẻ, dễ nhầm với săng giang mai.

Người tiếp xúc lần đầu tiên với ký sinh trùng ghẻ,  trong vòng 2 tuần đầu hoàn toàn chưa có biểu hiện ngứa.

Những người bị tái nhiễm ghẻ thì xuất hiện ngứa dữ dội ngay từ khi cái ghẻ xâm nhập vào da.

Những tổn thương thứ phát và biến chứng nhiễm khuẩn, viêm da, eczema hoá thường che lấp, làm lu mờ tổn thương đặc hiệu và gây khó khăn cho chẩn đoán.

Bệnh ghẻ được chia thành nhiều thể bệnh khác nhau

  • Ghẻ giản đơn: Chỉ có đường hầm và mụn nước, ít có tổn thương thứ phát.
  • Ghẻ nhiễm khuẩn: Có tổn thương của ghẻ và mụn mủ, do bội nhiễm liên cầu, tụ cầu, có thể gặp biến chứng viêm cầu thận cấp.
  • Ghẻ biến chứng viêm da, eczema hoá: Do chà xát cào gãi lâu ngày, ngoài tổn thương ghẻ còn có các đám viêm da là các đám mảng đỏ da bề mặt có mụn nước, ngứa lâu ngày sẽ thành eczema hoá.
  • Ghẻ nhiễm khuẩn có biến chứng viêm cầu thận cấp.

Điều trị bệnh ghẻ

Bệnh ghẻ có thể điều trị được dứt điểm khi diệt hết cái ghẻ và phòng tránh không bị tái nhiễm.

Phương pháp điều trị ghẻ

Đối với ghẻ đơn giản

Bôi một trong các thuốc:

  • Dung dịch DEP: bôi ngày 2-3 lần, thuốc này không được dùng cho trẻ sơ sinh và không bôi vào bộ phận sinh dục.
  • Lindane: xịt thuốc vào toàn bộ da từ cổ xuống chân. Sau 8-12 giờ tắm rửa thay quần áo, xịt thuốc 2 lần/tuần. Thuốc chữa ghẻ này tương tự như dung dịch DEP không dùng cho trẻ nhỏ vì nó gây độc với thần kinh.
  • Benzyl benzoat (ascabiol, scabitox, zylate): bôi, xịt 2 lần/ngày.
  • Eurax (crotamintan) 10%: 6-10 giờ bôi một lần. Thuốc an toàn có thể bôi vào bộ phận sinh dục và dùng được cho trẻ sơ sinh, nó có tác dụng chống ngứa và diệt cái ghẻ.
  • Permethrin cream 5% (Elimite) là thuốc điều trị ghẻ ít độc tính nhất, có thể dùng cho trẻ em và phụ nữ có thai.

Trường hợp bị ghẻ vảy

  • Phối hợp Ivermectin uống với thuốc bôi ngoài tại chỗ, nó có hiệu quả ở hầu hết các trường hợp ghẻ điển hình. Lưu ý Trẻ em dưới 5 tuổi hoặc ít hơn 15kg không được điều trị bằng ivermectin.

Theo đông y, nên thường xuyên tắm với nước của cây lá đắng, ba gạc, xoan, xà cừ, cúc tần.

Đối với ghẻ có bội nhiễm, viêm da, chàm hóa

  • Cần sử dụng phối hợp kháng sinh, steroid, kháng histamin, vitamin B1, C, oxit kẽm, mỡ kháng sinh, dung dịch milian; tím metyl 1%.

Nhưng lưu ý khi điều trị

  • Cần phát hiện sớm và điều trị sớm khi chưa có biến chứng.
  • Điều trị tất cả những người bị ghẻ sống chung cùng một lúc.
  • Nên bôi thuốc vào buổi tối trư­ớc khi đi ngủ: bôi một lớp mỏng từ cổ đến chân, bôi 2-3 đêm liên tục mới tắm.
  • Hạn chế, tốt nhất là nên tránh kỳ cọ cạo gãi vì nó có thể gây viêm da, nhiễm khuẩn.
  • Cần bôi liên tục 10- 15 ngày; theo dõi sau 10-15 ngày vì có thể có đợt trứng mới nở.
  • Điều trị kết hợp với phòng bệnh chống lây lan. Giặt, phơi quần áo, chăn màn, đồ dùng của người bệnh cách xa với đồ dùng của những người xung quanh.
  • Cách ly người bệnh, không dùng chung quần áo, ngủ chung.
  • Vệ sinh cá nhân hàng ngày với xà phòng, đặc biệt là ở các nếp như: Kẽ các ngón tay, bẹn, rốn…

Leave a reply