Bệnh van tim là tình trạng một hoặc nhiều van tim bị ảnh hưởng chức năng hoạt động, khiến việc lưu thông máu không thể diễn ra như bình thường. Bệnh van tim là bệnh hay gặp nhất trong các loại bệnh lý tim mạch, nếu  bệnh không được kiếm soát và điều trị tốt sẽ gây nhiều biến chứng.

Bệnh van tim: nguyên nhân và cách điều trị
Bệnh van tim gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của bạn

Tổng quan về bệnh van tim

Cấu trúc tim bình thường sẽ có bốn ngăn tim bao gồm hai tâm nhĩ ở trên và hai tâm thất ở dưới, giữa các ngăn tim sẽ có các hệ thống dẫn máu sao cho đảm bảo được máu chỉ đi theo một chiều cố định người ta gọi đó là các van tim.

Các van tim (gồm van 2 lá, van 3 lá, van động mạch phổi và van động mạch chủ) nằm ở lối ra của 4 buồng tim, có nhiệm vụ duy trì dòng máu một chiều qua tim. Bốn van tim đảm bảo rằng máu luôn chảy tự do theo hướng thuận và không rò rỉ theo chiều ngược lại.

Mỗi van tim có các cánh (lá van) mở và đóng một lần trong mỗi nhịp tim. Nếu một hoặc nhiều van không mở/đóng đúng cách, dòng máu qua tim đến cơ thể sẽ bị gián đoạn, gây ra bệnh lý van tim.

Bệnh van tim thường biểu hiện dưới hai dạng tổn thương chính là hẹp van tim và hở van tim, đôi khi một van có tổn thương phối hợp cả hai dạng trên vừa hẹp vừa hở.

Hẹp van tim

Bệnh lý này xảy ra khi van tim không mở hoàn toàn do các lá van cứng hoặc dính nhau. Khe hở bị thu hẹp là nguyên nhân khiến tim hoạt động rất khó khăn để bơm máu qua đó, lâu ngày dẫn đến suy tim và các biến chứng nghiêm trọng khác. Tất cả 4 van tim đều có thể phát triển chứng hẹp van với các tên gọi: hẹp van 2 lá, hẹp van 3 lá, hẹp van động mạch phổi, hẹp van động mạch chủ.

Hở van tim

Còn có tên gọi khác là “trào ngược van tim”, đây là tình trạng một van không đóng chặt, khiến một lượng máu bị rò rỉ ngược lại qua van. Khi hiện tượng rò rỉ trở nên trầm trọng hơn, tim phải làm việc nhiều hơn để bù đắp cho van bị rò rỉ, đồng thời máu có thể chảy đến phần còn lại của cơ thể ít hơn. Tùy thuộc vào van nào bị ảnh hưởng, tình trạng này được gọi là hở van 2 lá, hở van 3 lá, hở van động mạch phổi hoặc hở van động mạch chủ.

Nguyên nhân gây nên bệnh lý về van tim

Các bệnh van tim do rất nhiều nguyên nhân gây ra, các nguyên nhân thường gặp bao gồm:

Sự thoái hóa về cấu trúc

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hở van tim. Các cấu trúc nâng đỡ van tim bị suy yếu, giãn ra theo thời gian khiến cho van tim không thể đóng chặt.

Bệnh thấp tim

Bệnh thấp tim là một thuật ngữ dùng để chỉ bất kỳ vấn đề tim mạch nào là hậu quả sau một đợt thấp khớp cấp. Thấp khớp cấp là tình trạng do nhiễm liên cầu khuẩn gây ra. Khi nhiễm liên cầu khuẩn, cơ thể sản sinh kháng thể để chống lại, tuy nhiên trong một số trường hợp kháng thể tấn công cả các bộ phận khác của cơ thể, cụ thể ở đây là van tim, gây viêm. Viêm có thể xảy ra ở một hoặc nhiều van tim, gây tổn thương tới van tim vĩnh viễn, khiến nó dày lên, sẹo hóa nhiều năm sau đó.

Các nguyên nhân khác

Các nguyên nhân khác gây bệnh lý van tim bao gồm:

  • Vôi hóa van tim: là nguyên nhân thường gặp trong hẹp van động mạch chủ ở người cao tuổi
  • Bệnh cơ tim giãn
  • Bệnh cơ tim phì đại
  • Một số dị tật bẩm sinh
  • Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
  • Hở van tim sau phẫu thuật van
  • Biến chứng của một số bệnh ít gặp
  • Chấn thương
  • Dị tật tim bẩm sinh
  • Xạ trị
  • Rung nhĩ.

Yếu tố nguy cơ của bệnh

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh van tim là:

  • Tuổi tác: Đến tuổi trung niên, nhiều người bị hở van tim do van bị thoái hóa tự nhiên
  • Tiền sử sa van 2 lá
  • Tiền sử mắc các bệnh lý nhiễm trùng
  • Tiền sử thiếu máu cơ tim hay nhồi máu cơ tim
  • Tiền sử tăng huyết áp, cholesterol cao, đái tháo đường và có các yếu tố nguy cơ bệnh tim khác

Các triệu chứng của bệnh van tim

Các triệu chứng thường thấy ở bệnh nhân là:

  • Khó thở: Tình trạng này thường xuyên xảy ra ngay cả khi người bệnh nằm nghỉ ngơi, khiến họ phải kê cao gối khi ngủ để dễ thở hơn.
  • Suy nhược hoặc chóng mặt: Người bệnh không đủ sức để thực hiện các hoạt động hàng ngày. Đôi lúc, họ cảm thấy xây xẩm, choáng váng đến mức bất tỉnh.
  • Khó chịu ở ngực: Người bệnh cảm thấy có áp lực hoặc sức nặng trong ngực khi hoạt động hoặc khi gặp phải không khí lạnh.
  • Đánh trống ngực: Triệu chứng này khiến người bệnh cảm thấy như nhịp tim nhanh, nhịp tim không đều, nhịp bị bỏ qua hoặc cảm giác tim đập lộn xộn trong lồng ngực.
  • Sưng mắt cá chân, bàn chân hoặc bụng (chứng phù nề).
  • Tăng cân nhanh chóng: Người bệnh có thể tăng hơn 1kg chỉ trong một ngày.
Tham khám định kỳ để biết được rõ nhất tình trạng sức khỏe của bạn

Các biến chứng có thể xảy ra

Nhiều biến chứng có thể xảy ra phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý nằm ở trên van tim nào cũng như mức độ nghiêm trọng của vấn đề:

  • Rung nhĩ: Xuất hiện với tần suất khoảng 4 trên 10 trường hợp. Rung nhĩ là tình trạng tim đập nhanh và bất thường do rối loạn dẫn truyền dòng điện. Nhịp tim bất thường có thể gây nên cảm giác đánh trống ngực và khó thở.
  • Suy tim: Tình trạng suy tim có thể xuất hiện và tiến triển ngày một nặng hơn. Các triệu chứng thường gặp của suy tim là khó thở, mệt mỏi, và phù.
  • Đột quỵ: Huyết khối có thể hình thành bên trong tâm nhĩ trái bị giãn hoặc rung nhĩ. Huyết khối có thể đi vào dòng máu, bị kẹt lại chỗ mạch máu nhỏ và gây tắc nghẽn hoàn toàn mạch máu đó (nếu gây tắc nghẽn mạch máu lên não sẽ gây ra đột quỵ).
  • Viêm nội tâm mạc: Đôi khi có thể xảy ra, bởi van tim bị hư hại dễ bị nhiễm khuẩn hơn van tim bình thường.

Điều trị bệnh van tim

Dùng thuốc điều trị

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho bạn để điều trị các triệu chứng và giảm nguy cơ tổn thương van thêm. Nếu trải qua một cuộc phẫu thuật sửa chữa van hoặc thay van, bệnh nhân cần được theo dõi và dùng thuốc lâu dài. Các loại thuốc điều trị bệnh van tim thường được kê toa là thuốc lợi tiểu, thuốc chống loạn nhịp tim, thuốc giãn mạch, thuốc gây ức chế men chuyển, thuốc chẹn beta, thuốc chống đông máu,…

Thủ thuật nong van tim

Van tim có thể được sửa chữa bằng thủ thuật nong van tim bằng bóng qua da nhằm mở rộng van bị hẹp. Phương pháp này thường được chỉ định cho những trường hợp hẹp van 2 lá, hẹp động mạch chủ nhưng không thể phẫu thuật, hoặc hẹp van động mạch phổi.

Phẫu thuật sửa van tim

Sửa van tim là phương pháp phẫu thuật nhằm mục đích sửa chữa van bị lỗi mà không cần sử dụng các bộ phận nhân tạo. Ưu điểm của phương pháp này là giảm nguy cơ nhiễm trùng, giảm nhu cầu dùng thuốc làm loãng máu suốt đời và sức mạnh cơ tim được bảo toàn.

Ở cuộc phẫu thuật này, bác sĩ sẽ tiến hành thay van nhân tạo. Có hai loại van thay thế: van cơ học và van sinh học. 

  • Van cơ học: được làm từ vật liệu nhân tạo (carbon hoặc titanium phủ pyrolytic carbon) để hạn chế tích lũy cholesterol và vôi hóa trên bề mặt. Ưu điểm của nó là có tuổi thọ cao, lên đến 20-30 năm.
  • Van sinh học: được làm bằng mô động vật (lợn, bò), có tuổi thọ thấp hơn van sinh học (10-15 năm). Tuy nhiên, loại van này có ưu điểm lớn, đó là hầu hết người bệnh không cần dùng thuốc chống đông suốt đời, trừ khi họ có các bệnh lý khác đi kèm (chẳng hạn như rung nhĩ) khiến họ bắt buộc phải dùng thuốc. Van sinh học được chỉ định ở người cao tuổi từ 60 trở lên. Nếu thay van sinh học ở người trẻ có nguy cơ mổ lại vì thoái hóa van sinh học xảy ra nhanh ở người trẻ hơn người cao tuổi.

Nhược điểm khi thay van tim cơ học là người bệnh phải dùng thuốc chống đông máu suốt đời để ngăn hình thành cục máu đông gây kẹt van và đột quỵ.

Tập thể dục giảm cân giúp giảm thiểu khả năng mắc bệnh

Thói quen giúp tim mạch khỏe mạnh

Có chế độ ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn uống lành mạnh là một trong những vũ khí tốt nhất trong cuộc chiến bảo vệ trái tim khỏe mạnh. Theo đó, để duy trì trái tim khỏe mạnh nên tập trung vào việc ăn nhiều rau lá xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt. Các sản phẩm từ sữa ít béo, cá và gia cầm không da cũng được khuyến khích.

Vận động đều đặn

Tập thể dục thường xuyên cũng quan trọng không kém trong việc bảo vệ sức khỏe tim mạch. Ngoài việc thúc đẩy tuần hoàn và tăng sức mạnh của cơ tim, hoạt động thường xuyên còn giúp giảm cholesterol, giữ cho trọng lượng cơ thể ở mức ổn định và tạo cho bạn năng lượng tràn trề để tận hưởng cuộc sống. Chưa hết, hoạt động thường xuyên còn làm giảm nguy cơ tử vong hoặc biến chứng nguy hiểm của bệnh tim.

Bạn hãy xây dựng thói quen tập thể dục hàng ngày với các bài tập đi bộ, chạy, bơi lội, đi xe đạp, yoga… Cố gắng tập ít nhất 150 phút/tuần.

Giảm cân

Nếu bạn thừa cân – béo phì, hãy giảm cân để giúp cơ thể hoạt động tốt hơn, đồng thời giảm căng thẳng cho tim. Theo các Hiệp hội Tim mạch Mỹ, người có cân nặng bình thường (BMI <23) ít có nguy cơ bị một số bệnh như ung thư, đái tháo đường, ngưng thở khi ngủ và cả bệnh tim mạch. 

Hạn chế rượu

Một lượng rượu vừa phải có lợi ích bảo vệ tim, nhưng uống quá nhiều sẽ gây ra tác hại. Hãy đảm bảo bạn chỉ uống tối đa 2 ly rượu/ngày (đối với nam) và 1 ly rượu/ngày (đối với nữ). Bạn có thể uống rượu vang, rượu mạnh nhưng nhớ tránh xa các loại cocktail vì chúng chứa nhiều đường, có thể làm tăng lượng đường trong máu và làm mòn men răng.

Bỏ thuốc lá

Hút thuốc lá là một trong những việc làm gây hại nhất cho tim. Theo thống kê gần đây, hút thuốc là nguyên nhân của hơn 440.000 trường hợp tử vong sớm hàng năm. Ngoài việc làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim, hút thuốc còn gây ung thư và các vấn đề về phổi.

Giảm căng thẳng

Căng thẳng là tác nhân có ảnh hưởng không nhỏ đến hầu hết các khía cạnh sức khỏe – từ tổn thương sức khỏe tinh thần đến làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, trầm cảm và lo lắng. Một số bài tập yoga và thiền cũng có tác dụng rất hiệu quả trong việc kiểm soát căng thẳng.

Đi khám bác sĩ thường xuyên là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm để giữ cho trái tim của mình luôn khỏe mạnh. Hãy cố gắng đến gặp bác sĩ tim mạch ít nhất 1 năm/lần. Với những bệnh nhân đã trải qua các cuộc phẫu thuật van tim, việc thăm khám cần thường xuyên hơn nữa (từ 3-6 tháng/lần theo lời dặn của bác sĩ). 

Leave a reply