Viêm mũi là căn bệnh phổ biến mà bất cứ ai đều có thể mắc phải. Tình trạng viêm sưng lớp niêm mạc ở khoang mũi, khiến mũi bị nghẹt, chảy nước mũi,… có thể gặp khi gặp thời tiết trở lạnh bất thường hay không khí ô nhiễm hay do bất cứ tác nhân nào bên ngoài tác động.

Bệnh viêm mũi: Nguyên nhân và cách điều trị
Bệnh viêm mũi

Bệnh viêm mũi

Mũi bị viêm khi lớp niêm mạc ở khoang mũi bị sưng lên khiến người bệnh cảm thấy nghẹt mũi, sổ mũi, ngứa và hắt hơi, khó chịu. Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân, có thể do môi trường bên ngoài hoặc tác nhân từ bên trong.

Bệnh viêm mũi được chia làm 2 loại là viêm mũi dị ứng và không do dị ứng. Bên cạnh đó, dựa vào thời gian biểu hiện các triệu chứng, bệnh có thể được chia thành viêm mũi cấp tính hoặc mãn tính. Viêm mũi cấp tính thường là do virus, vi khuẩn hoặc dị ứng gây ra. Trong khi đó, viêm mũi mãn tính thường đi kèm với viêm xoang mạn tính hoặc các bệnh lý khác.

Viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phát hiện và phản ứng lại với các tác nhân (được gọi là dị nguyên) từ môi trường. Những tác nhân này vô hại với hầu hết mọi người (như bụi, nấm mốc, phấn hoa, lông động vật, nước hoa…), nhưng nếu người bệnh bị dị ứng với chúng, cơ thể sẽ phản ứng lại như thể chúng có hại.

Khi tiếp xúc với các dị nguyên, hệ thống miễn dịch của người bệnh sẽ sản xuất các kháng thể gọi là immunoglobulin E (IgE). Điều này giải phóng các hóa chất liên quan đến phản ứng viêm, bao gồm histamine, dẫn đến các triệu chứng khó chịu của viêm mũi dị ứng.

Viêm mũi không do dị ứng

Khác với viêm mũi dị ứng, viêm mũi không do dị ứng không bị kích hoạt bởi chất gây dị ứng và không liên quan đến phản ứng của hệ thống miễn dịch. Nó được chia thành nhiều loại nhỏ hơn tùy vào nguyên nhân gây bệnh, thường gặp nhất là:

Viêm mũi do virus

  • Loại viêm mũi này xảy ra do sự xâm nhập và tấn công từ các loại virus, như virus cảm lạnh hoặc virus cúm. Tình trạng viêm kích thích sản xuất chất nhầy, gây hắt hơi, sổ mũi và nhiều triệu chứng khác.

Viêm mũi vận mạch

  • Viêm mũi vận mạch là tình trạng các mạch máu trong mũi trở nên nhạy cảm quá mức do sự mất cân bằng của hệ thần kinh kiểm soát niêm mạc mũi. Khi các mạch máu quá nhạy cảm, một số tác nhân từ môi trường có thể khiến chúng giãn ra, dẫn đến tăng tiết dịch nhầy và tắc nghẽn.

Các tác nhân gây kích ứng có thể gồm chất kích thích hóa học, nước hoa, khói thuốc, sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm, uống nhiều rượu, thức ăn cay, stress…

Viêm mũi teo

  • Viêm mũi teo là bệnh mãn tính, xảy ra khi niêm mạc mũi bị teo và cứng lại, khiến hốc mũi nở rộng, khô và đóng vảy. Sự sinh sôi của các loại vi sinh vật cũng gây ra mùi hôi khó chịu, nhưng thường người bệnh không ngửi thấy vì khứu giác cũng suy giảm hoặc mất đi do teo niêm mạc.

Viêm mũi do thuốc

  • Viêm mũi do thuốc thường xảy ra khi có sự lạm dụng thuốc thông mũi không kê đơn (dạng xịt mũi hoặc nhỏ mũi). Lúc này, thay vì làm giảm các triệu chứng mũi – xoang, thuốc thông mũi sẽ quay sang kích thích niêm mạc mũi và dẫn đến viêm mũi.

Nguyên nhân gây viêm mũi  

Viêm mũi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các yếu tố tác động từ bên ngoài sẽ gây nên viêm mũi dị ứng. Còn viêm mũi không dị ứng là do các tác nhân từ bên trong. Vì thế có thể thấy các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm mũi như:

  • Người bị hen suyễn: Người bị hen suyễn thường có hệ hô hấp nhạy cảm, dễ dị ứng với các tác nhân từ bên ngoài, chính vì thế càng dễ bị viêm mũi.
  • Người lớn tuổi: Theo thống kê những người thường xuyên bị viêm mũi không do dị ứng chiếm phần lớn sau độ tuổi 20.
  • Giới tính: Phụ nữ thường dễ bị viêm mũi hơn, nhất là trong thời gian mang thai, thời kỳ kinh nguyệt.
  • Do các tác nhân bên ngoài: Do tiếp xúc với khói bụi, hóa chất, khói thuốc lá, lông động vật,… Những người thường xuyên phải làm việc trong môi trường ô nhiễm, độc hại sẽ có nguy cơ cao bị viêm mũi hơn thông thường.
  • Do bệnh lý: Một số các bệnh lý về suy giáp, các bệnh lý mạn tính gây suy giảm sức đề kháng như tiểu đường, bệnh phổi mạn tính, lupus ban đỏ,… cũng là tác nhân làm tăng nguy cơ bị viêm mũi.

Triệu chứng bệnh viêm mũi

Các dấu hiệu của bệnh viêm mũi có thể diễn tiến từ nhẹ đến nghiêm trọng. Chúng thường ảnh hưởng đến khoang mũi, cổ họng và mắt của người bệnh, bao gồm:

  • Nghẹt mũi
  • Sổ mũi
  • Ngứa mũi, họng, mắt và tai
  • Chảy dịch mũi sau
  • Hắt xì
  • Ho
  • Viêm họng
  • Chảy nước mắt
  • Ngủ ngáy
  • Đau đầu
  • Đau mặt
  • Giảm khứu giác, vị giác hoặc thính giác.
Hạn chế tiếp xúc với khói bụi, hóa chất để bảo vệ mình

Điều trị bệnh viêm mũi

Phương pháp điều trị viêm mũi phụ thuộc vào việc xác định được nguyên nhân gây bệnh.

Đối với viêm mũi dị ứng, cách tốt nhất để ngăn các triệu chứng là tránh tối đa việc tiếp xúc với các dị nguyên.

  • Nếu người bệnh bị dị ứng với lông thú cưng, nấm mốc hoặc các chất gây dị ứng khác trong nhà, hãy tìm cách để loại bỏ những chất đó ra khỏi khu vực sinh sống.
  • Nếu người bệnh bị dị ứng với phấn hoa, hãy hạn chế thời gian ở ngoài trời trong mùa có lượng phấn hoa cao và những ngày lộng gió. Người bệnh cũng nên đóng cửa sổ, cửa ra vào và cửa xe để tránh phấn hoa bay vào nhà hoặc xe hơi.

Bác sĩ có thể cho bạn sử dụng thuốc xịt mũi corticosteroid không kê đơn hoặc kê đơn, thuốc kháng histamine, thuốc thông mũi hoặc các loại thuốc khác. Ngoài ra, liệu pháp miễn dịch cũng là một phương pháp có thể được cân nhắc để giảm độ nhạy cảm của người bệnh với các chất gây dị ứng.

Trường hợp người bệnh bị viêm mũi không do dị ứng, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc không kê đơn hoặc thuốc kê đơn như thuốc xịt mũi corticosteroid, nước muối sinh lý, xịt mũi kháng histamine hoặc thuốc thông mũi để điều trị.

Nếu nguyên nhân gây ra các triệu chứng là các bất thường trong cấu trúc khoang mũi, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để khắc phục.

Phòng ngừa bệnh viêm mũi

Không có cách nào để phòng ngừa bệnh viêm mũi dị ứng, vì nó là phản ứng của hệ thống miễn dịch. Dù vậy, để tránh các triệu chứng ảnh hưởng đến cuộc sống, người bệnh cần tìm cách hạn chế tối đa việc tiếp xúc với các chất gây dị ứng và dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Nếu viêm mũi không liên quan đến dị ứng, dưới đây là những việc người bệnh có thể làm để giảm triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tái phát:

  • Tránh các tác nhân gây bệnh hoặc khiến các triệu chứng bệnh thêm trầm trọng
  • Không lạm dụng thuốc thông mũi
  • Liên hệ lại với bác sĩ nếu việc điều trị không hiệu quả. Bác sĩ có thể thực hiện các thay đổi để cách trị viêm mũi có hiệu quả tốt hơn.

Điều quan trọng là tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch, hoặc các thực phẩm giàu omega-3 giúp làm giảm nguy cơ phát triển dị ứng và có tác dụng tốt trong phòng ngừa sưng tấy đường hô hấp. Tránh xa những môi trường khói bụi hoặc môi trường có thể là tác nhân gây dị ứng. Nhất là những người có tiền sử dị ứng. Nên đi khám xác định nguyên nhân và tìm hướng điều trị, đúng, kịp thời khi bị bệnh.

Leave a reply