Sâu răng là bệnh thường gặp, bệnh không chỉ gây đau nhức mà còn gây ra những biến chứng khác nguy hiểm hơn rất nhiều, nặng nhất là bạn phải mất răng.

Sâu răng: Nguyên nhân và cách điều trị
Sâu răng do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng chủ yếu là vi khuẩn trong mảng bám

Sâu răng là bệnh gì?

Sâu răng là tình trạng tổn thương mất mô cứng của răng do quá trình hủy khoáng gây ra bởi vi khuẩn ở mảng bám răng và hình thành các lỗ nhỏ trên răng. Tổn thương sâu răng là quá trình phức tạp bao gồm các phản ứng hóa lý liên quan đển sự di chuyển các ion bề mặt giữa răng và môi trường miệng, là quá trình sinh học giữa các vi khuẩn mảng bám với cơ chế bảo vệ của vật chủ.

Sâu răng là do sự kết hợp của các yếu tố, bao gồm vi khuẩn trong miệng, ăn vặt thường xuyên, sử dụng đồ uống có đường và vệ sinh răng miệng không tốt.

Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể để lại nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Một số bệnh dễ mắc phải ở người bị sâu răng là đau răng, hôi miệng, mất răng,… Ngoài ra, các triệu chứng bệnh cũng gây ra những ảnh hưởng về mặt tinh thần vì người bệnh thường thấy khó chịu, ăn không ngon, tự ti.

Nguyên nhân gây ra sâu răng

Bệnh sâu răng do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó vi khuẩn đóng vai trò chủ yếu gây nên tình trạng bệnh.

Vi khuẩn trong mảng bám răng đóng vai trò quan trọng gây nên tình trạng sâu răng. Vi khuẩn có khả năng gây bệnh là Streptococcus mutans, S. sanguis, S. mitis, S. oralis, các loại Actinomyces và Lactobacillus, trong đó vi khuẩn S. mutans và Lactobacillus là vi khuẩn có khả năng gây sâu răng cao nhất trong nghiên cứu thực nghiệm trên động vật.

Carbohydrate là một trong những nguyên nhân gây sâu răng, các loại carbohydrate khác nhau có đặc tính gây sâu răng khác nhau.

  • Sucrose (đường mía) có khả năng gây sâu răng cao hơn các loại đường khác.
  • Đường ngoại sinh (trong nước hoa quả, sữa, đường bổ sung) có khả năng gây bệnh cao hơn so với đường nội sinh (đường trong hoa quả, rau).

Ăn nhiều đường, nhất là ăn vặt thường xuyên giữa các bữa ăn chính làm tăng nguy cơ sâu răng. Cách thức và tần suất ăn đường ảnh hường tới sâu răng hơn là tổng lượng đường tiêu thụ của mỗi cá thể.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ lưu giữ cặn thức ăn, mảng bám răng sẽ tăng nguy cơ sâu răng như: răng có cấu trúc hố rãnh phức tạp, hố rãnh sâu, lệch lạc, chỉnh nha, sử dụng hàm giả bán phần, hàn răng không đúng quy cách…

Nước bọt đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ răng khỏi acid gây sâu răng nhờ các yếu tố: dòng chảy nước bọt, tốc độ dòng chảy nước bọt; cung cấp ion Canxi, Phosphat, Fluor để tái khoáng hóa men răng; tạo lớp màng mỏng bảo vệ men răng khỏi pH nguy cơ; cung cấp kháng thể IgG, IgM đề kháng vi khuẩn. Khi có tình trạng giảm tiết nước bọt, giảm dòng chảy nước bọt đến mức tối thiểu (0,7 mL/ phút) sẽ làm tăng nguy cơ sâu răng.

Những triệu chứng của bệnh

Khi sâu răng mới bắt đầu, người bệnh có thể không có bất kỳ triệu chứng nào cả. Khi sâu răng nặng hơn, nó có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng như:

  • Xuất hiện cảm giác đau răng (có thể đau liên tục nhưng cũng có khi đau từng cơn) nhưng không có bất kỳ tác động nào. Tức cơn đau răng tự phát, không tìm được nguyên nhân.
  • Răng trở nên nhạy cảm hơn khi ăn uống.
  • Khi ăn những thức ăn ngọt, nóng hoặc lạnh, răng thường có cảm giác đau dữ dội hơn.
  • Quan sát bằng mắt thường có thể nhìn thấy trên răng xuất hiện một lỗ hổng.
  • Trên bề mặt răng xuất hiện mảng bám có màu đen hoặc nâu rõ rệt. Một vài trường hợp nặng có thể nghe thấy mùi hôi từ vị trí răng bị sâu.
  • Khi cắn, nghiến, cảm giác răng đau nhiều hơn.
Kem đánh răng chứa Fluoride Crest 3D White

Điều trị bệnh sâu răng

Điều trị sâu răng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Lựa chọn điều trị bao gồm:

  • Phương pháp điều trị bằng florua: Nếu sâu răng chỉ mới bắt đầu, phương pháp điều trị bằng fluoride có thể giúp khôi phục lại men răng và đôi khi có thể đảo ngược trong giai đoạn rất sớm. Các phương pháp điều trị fluoride như sử dụng nước máy, kem đánh răng và nước súc miệng. Các phương pháp điều trị bằng florua có thể là chất lỏng, gel, bọt hoặc vecni được chải lên răng hoặc đặt trong một khay nhỏ vừa với răng của người bệnh.
  • Lấy tủy răng: Là phương pháp sửa chữa và cứu một chiếc răng bị nhiễm trùng hoặc hư hỏng nặng. Nha sĩ sẽ lấy phần tủy răng bị sâu, làm sạch ống tủy bằng thuốc để loại bỏ nhiễm trùng và kết thúc bằng phương pháp trám.
  • Trám răng: Còn được gọi là phục hình, là lựa chọn điều trị chính khi sâu răng đã tiến triển vượt qua giai đoạn sớm nhất. Chất trám được làm bằng các vật liệu khác nhau, chẳng hạn như nhựa composite có màu răng, hỗn hợp sứ hoặc nha khoa là sự kết hợp của một số vật liệu.
  • Bọc răng sứ: Đối với sâu răng rộng hoặc răng yếu, người bệnh có thể cần bọc răng – một lớp phủ toàn bộ thân răng. Răng sứ có thể được làm bằng vàng, sứ cường độ cao, nhựa, sứ nung chảy với kim loại hoặc các vật liệu khác.
  • Nhổ răng: Một số răng bị sâu răng nghiêm trọng đến mức chúng không thể phục hồi và phải được loại bỏ. Nhổ răng có thể để lại một khoảng trống sẽ làm cho các răng khác bị dịch chuyển, xô lệch.

Biện pháp phòng ngừa bệnh

Mọi người nên tự giác thực hiện những giải pháp nhằm giúp răng chắc khỏe và đẩy lùi nguy cơ bị sâu răng. Để giúp các bạn dễ dàng bảo vệ răng miệng của mình được khỏe mạnh và sạch đẹp, bạn cần áp dụng các biện pháp phòng tránh sau đây:

  • Sử dụng kem đánh răng có chứa Fluoride để vệ sinh răng miệng sau mỗi lần ăn uống. Đặc biệt, phải đánh răng ít nhất hai lần trong ngày (vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng sau khi thức dậy). 
  • Sử dụng chỉ nha khoa hoặc bàn chải đánh răng có đầu nhỏ để vệ sinh các kẽ răng. Hạn chế sử dụng tăm vì thông thường đầu tăm to nên rất dễ gây chảy máu chân răng.
  • Sau những bữa ăn nhẹ, nên sử dụng nước súc miệng có chứa Fluoride để làm sạch miệng nhanh.
  • Thực hiện khám và lấy vôi răng theo định kỳ hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Việc khám răng đúng định kỳ sẽ giúp bạn dễ dàng phát hiện những bệnh lý về răng miệng sớm và điều trị kịp thời.
  • Đối với những răng bị hư, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để phục hồi hoặc che lấp phần răng bị hư bằng cách trám răng. Phương pháp trám răng không chỉ giúp phục hồi chức năng răng mà còn mang lại vẻ đẹp thẩm mỹ cho răng miệng của bạn.
  • Hạn chế ăn vặt, nhất là những thức ăn ngọt, chứa nhiều đường (như bánh, kẹo,…), đồ ăn có mùi nồng (như mắm tôm) hoặc các loại nước uống có gas. Vì chúng sẽ kích thích vi khuẩn tấn công răng miệng của bạn để phát triển.
  • Nên ăn những thực phẩm tốt cho răng, hạn chế sử dụng những thức ăn quá cứng hoặc dễ bám dính trong kẽ răng. 
  • Sử dụng kẹo cao su xylitol kết hợp với Fluoride để giảm thiểu nguy cơ.

Kiểm tra thường xuyên có thể xác định sâu răng và các tình trạng răng miệng khác trước khi chúng gây ra các triệu chứng đáng lo ngại và dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn. Người bệnh cần khám sức khỏe răng miệng sớm thì càng có cơ hội đảo ngược các giai đoạn sớm nhất của sâu răng và ngăn chặn sự tiến triển của nó.

Leave a reply