Viêm tai giữa hay nhiễm trùng tai giữa là bệnh khá phổ biến xảy ra ở trẻ em, 1-2 tuổi là độ tuổi có nguy cơ nhiễm bệnh nhiều nhất. Bệnh không nguy hiểm nếu được phát hiện sớm và điều trị tích cực, song có không ít trường xảy ra nhiều biến chứng có hại do không điều trị kịp thời.

Bệnh viêm tai giữa
Bệnh viêm tai giữa

Viêm tai giữa là bệnh gì?

Cấu tạo tai của con người được chia làm 3 phần gồm tai ngoài, tai giữa và tai trong. Phía bên trong tai còn có một ống nối tai giữa với cổ họng, được biết đến với tên gọi là vòi nhĩ hay ống eustachian.

Viêm tai giữa là một nhóm các bệnh ở tai giữa, là sự tổn thương và viêm nhiễm xuất hiện trong tai giữa do các loại vi khuẩn sinh sôi và phát triển trong tai hoặc bị tác động từ các yếu tố bên ngoài môi trường.

Nếu bị viêm tai giữa mà không có biện pháp chữa trị kịp thời, sẽ dẫn đến viêm tai xương chũm cấp rất nguy hiểm. Một khi bệnh phát nặng, dễ gây ra biến chứng thủng màng nhĩ, giảm thính lực, xơ hóa màng nhĩ, liệt thần kinh mặt, viêm xương chũm. Nguy hiểm nhất là khi biến chứng xảy ra trong sọ não như viêm màng não, áp xe não, áp xe ngoài màng cứng,… dễ gây tử vong ở trẻ.

Tùy vào mức độ nhiễm trùng, viêm tai giữa thường được chia thành các loại bao gồm:

  • Viêm tai giữa cấp tính: Thường là một biến chứng của rối loạn chức năng vòi nhĩ xảy ra trong một đợt nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus.
  • Viêm tai giữa mạn tính: Là tình trạng viêm tai giữa dai dẳng, bị chảy mủ lâu ngày qua lỗ thủng màng nhĩ (thường trên 12 tuần).
  • Viêm tai giữa ứ dịch: Là tình trạng niêm mạc của tai giữa bị viêm và tiết dịch, nhưng dịch này không chảy ra ngoài tai mà bị ứ lại phía sau màng tai. Dịch ứ có thể là ở dạng thanh dịch, dịch nhầy hoặc keo dính.

Nguyên nhân gây ra bệnh viêm tai giữa

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến viêm tai giữa là do vi trùng hoặc siêu vi xâm nhập gây nhiễm trùng mũi họng, ngoài ra còn do tắc vòi nhĩ, viêm mũi xoang mủ, u ở vòm họng, biến chứng do viêm nhiễm đường hô hấp, trào ngược dạ dày,….

Các yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm: thời tiết lạnh, không khí ô nhiễm, cấu trúc tai bất thường,…

Viêm tai giữa có thể gặp phải ở nhiều đối tượng, song trẻ em là thường gặp nhất và tiến triển bệnh cũng thường nặng nhất do:

  • Cấu trúc tai trẻ phát triển chưa hoàn thiện
  • Hệ miễn dịch của trẻ còn yếu
  • Biến chứng từ các bệnh lý tai mũi họng

Những triệu chứng của bệnh

Khi bị viêm tai giữa, triệu chứng xuất hiện đầu tiên thường là tình trạng đau tai, có thể thấy xuất hiện nước chảy từ trong tai ra ngoài. Khi nhiễm trùng nặng hơn, nước này chuyển màu xanh hoặc vàng, có thể lẫn máu là dịch nhiễm trùng. Ngoài ra còn 1 số triệu chứng ít gặp hơn như: chóng mặt, ù tai, chán ăn, sốt cao, sưng đau trong tai,…

Viêm tai giữa ở trẻ nhỏ thường biểu hiện bằng các triệu chứng sau:

  • Trẻ sốt, thường là sốt cao 39 – 40 độ C, quấy khóc nhiều, bỏ bú, kém ăn, nôn trớ, co giật.
  • Nếu là trẻ lớn, sẽ kêu đau tai, còn trẻ nhỏ chỉ biết lắc đầu, lấy tay dụi vào tai.
  • Rối loạn tiêu hóa: Trẻ đi ngoài lỏng, nhiều lần, xuất hiện gần như đồng thời với triệu chứng sốt.

Các em bé có triệu chứng sốt không rõ nguyên nhân, tiêu chảy và nôn đều phải được khám kỹ càng về tai mũi họng để có thể phát hiện sớm được bệnh viêm tai giữa cấp.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, vài ngày sau (2-3 ngày) bệnh sẽ tiến triển sang giai đoạn vỡ mủ do màng tai bị thủng, mủ tự chảy ra ngoài qua lỗ tai với các biểu hiện sau:

  • Trẻ đỡ sốt, bớt quấy khóc, ăn được, ngủ được.
  • Hết rối loạn tiêu hóa, đi ngoài trở lại bình thường.
  • Không kêu đau tai nữa.

Khi có các triệu chứng nghi ngờ trên, bác sĩ thường dùng đèn soi tai có kính phóng đại để kiểm tra trong tai. Một số trường hợp có thể cần chẩn đoán bằng nội soi tai, kỹ thuật hình ảnh,… để tìm nguyên nhân và định hướng điều trị hiệu quả hơn.

Bệnh viêm tai giữa ở trẻ
Bệnh viêm tai giữa khiến trẻ đau nhức khó chịu

Biến chứng viêm tai giữa

Bệnh nhiễm trùng tai nếu không được chữa dứt điểm, tái phát nhiều lần có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Một trong số các biến chứng thường gặp nhất bao gồm:

  • Làm giảm thính giác: Thông thường tình trạng mất thính lực nhẹ có thể xuất hiện và tự biến mất khi khỏi nhiễm trùng tai. Song nhiễm trùng tai lặp đi lặp lại, hoặc nhiễm trùng tai nặng phát mủ trong tai giữa, có thể dẫn đến mất thính lực nghiêm trọng, tổn thương màng nhĩ và mất thính lực vĩnh viễn.
  • Chậm nói hoặc chậm phát triển: Nếu trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi bị suy giảm thính giác tạm thời hoặc vĩnh viễn, có thể gây chậm phát triển kỹ năng nói, giao tiếp xã hội và phát triển.
  • Thủng màng nhĩ: Hầu hết tình trạng thủng màng nhĩ sẽ lành trong vòng 72 giờ, nhưng cũng nhiều trường hợp cần phải can thiệp phẫu thuật.
  • Viêm não hoặc màng não: Nếu tình trạng nhiễm trùng không được điều trị hoặc không đáp ứng tốt với điều trị có thể lây lan sang các mô lân cận gây nhiễm trùng xương chũm gọi là viêm xương chũm. Viêm xương chũm có thể dẫn đến tổn thương xương và hình thành các u nang chứa đầy mủ. Nhiễm trùng tai giữa nghiêm trọng cũng có thể lây lan sang các mô khác trong hộp sọ, bao gồm não hoặc các màng bao quanh não gây viêm màng não.

Điều trị bệnh viêm tai giữa bằng cách nào?

Các biện pháp điều trị viêm tai giữa là nhằm hồi phục thính lực, ngăn chặn để bệnh không tái lại nhiều lần lần hoặc tiến triển sang thể mạn tính, không có khả năng hồi phục như viêm tai dính, xơ nhĩ, xẹp màng nhĩ.

Có hai phương pháp điều trị thường được áp dụng là điều trị nội khoa hoặc điều trị nội khoa.

  • Đối với điều trị nội khoa: Các loại thuốc thường được dùng gồm thuốc kháng sinh, thuốc kháng histamin, thuốc chống phù nề, thuốc nhỏ mũi, corticoid, bơm hơi vòi nhĩ (giúp cải thiện thính lực ngay nhưng chỉ trong thời gian ngắn, không quá 1 giờ, sử dụng thường xuyên, có thể gây chấn thương loa vòi và gây nhiễm trùng ngược dòng).
  • Đối với điều trị ngoại khoa: Đối với bệnh nhân không còn tiếp nhận với phương pháp điều trị nội khoa, lúc này bác sĩ sẽ cân nhắc để người bệnh được tiến hành nạo VA, cắt amidan khi có viêm amidan và viêm mũi họng tái phát nhiều lần trong năm; hoặc đặt ống thông khí. Đây là những giải pháp điều trị viêm tai giữa hiệu quả nhất hiện nay.

Phòng viêm tai giữa như thế nào?

Để phòng bệnh viêm tai giữa hiệu quả, đối với mỗi nhóm độ tuổi lại có những lưu ý khác nhau:

Đối với người lớn

  • Giữ tai sạch sẽ bằng cách vệ sinh thường xuyên, chú ý thực hiện nhẹ nhàng, tránh thao tác mạnh làm tổn thương niêm mạc tai, vi khuẩn dễ xâm nhập gây viêm tai
  • Tránh để nước vào tai (tắm, gội hoặc khi đi bơi)
  • Có bệnh lý về tai, mũi, họng cần điều trị sớm.

Đối với trẻ nhỏ

  • Vệ sinh tay sạch sẽ
  • Đi tiêm phòng đủ mũi và đúng thời
  • Cho trẻ bú mẹ đến khi 2 tuổi, vì sữa mẹ hỗ trợ cho sức đề kháng của trẻ tốt hơn
  • Tránh cho trẻ tiếp xúc với môi trường khói, bụi, thuốc lá.

Bệnh viêm tai giữa hoàn toàn có thể chữa khỏi triệt để nếu bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị sớm. Nếu tự điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ trong vài ngày không khỏi, cần đưa trẻ đi khám và điều trị bằng phương pháp khác. Tâm lý chủ quan tự điều trị không hiệu quả khiến viêm tai giữa nặng sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của người bệnh.

Leave a reply