Huyết áp thấp có thể gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy giảm chức năng thận, rung nhĩ… nếu không được điều trị kịp thời. Vậy hãy cùng Parapharmacy tìm hiểu về căn bệnh này và cách điều trị qua bài viết sau nhé!

Bệnh huyết áp thấp là gì?

Ở mỗi nhịp đập, tim sẽ tạo áp lực tác động lên thành mao mạch để đưa lưu lượng hồng cầu đến các bộ phận trong cơ thể. Áp lực này gọi là huyết áp, có thể thay đổi ở nhiều thời điểm trong ngày.

Khi tiến hành đo huyết áp, bệnh nhân sẽ thu được hai thông số từ máy đo điện tử, bao gồm: huyết áp tâm trương (số dưới) và huyết áp tâm thu (số trên). Huyết áp thấp là một trong những bệnh lý liên quan tới tim mạch, thường được chẩn đoán khi chỉ số huyết áp đạt dưới 90/60 mmHg.

Chỉ số dưới 90/60 mmHg được xem là huyết áp thấp

Đây dấu hiệu cảnh báo cho một số vấn đề nguy hiểm xảy ra ở tim, thận, tuyến giáp và hệ thần kinh thực vật… Lúc này, các mao mạch có thể co lại, khiến thể tích máu của người bệnh giảm nghiêm trọng.

Nguyên nhân gây tụt huyết áp

Theo nghiên cứu, có khá nhiều nguyên nhân khiến huyết áp giảm. Một trong số đó có thể kể đến những nguyên nhân điển hình như sau:

  • Do phản ứng ngược của một vài loại thuốc uống như: thuốc giúp lợi tiểu, các loại thuốc gây tê hoặc gây mê, thuốc có chứa thành phần nitrat, thuốc chống trầm cảm,…
  • Bị mất nước do đổ mồ hôi quá nhiều hoặc bị mất máu, bị tiêu chảy cấp. 
  • Bị ngất và bị choáng bất chợt.
  • Tư thế thay đổi một cách đột ngột (ví dụ khi đang nằm thì đứng bật dậy một cách đột ngột).
  • Bị choáng do chảy máu trong, hoặc do nhiễm trùng cấp tính, do chứng suy tim hay rối loạn nhịp tim một cách bất thường. 
  • Bị đau thắt vùng ngực cấp vì bệnh mạch vành cấp. 
  • Bị sốc phản vệ.
  • Những người bị biến chứng của bệnh đái tháo đường vì không thể kiểm soát được lượng đường ở trong máu; các căn bệnh nội tiết tố đi tiểu nhiều gây nên tình trạng mất nước. 
  • Thai nhi chèn ép ở bên trong khoang bụng của mẹ cũng gây nên tình trạng huyết áp giảm thấp. 
  • Bị suy tĩnh mạch vì một tư thế nào đó (thường gặp ở một số người vì phải đứng trong nhiều giờ liền).

Những triệu chứng thường gặp

  • Cảm giác hoa mắt hoặc chóng mặt
  • Mệt mỏi
  • Nhịp tim nhanh, nhịp thở nhanh, nông
  •  Đau đầu dữ dội hoặc mê sảng
  • Da lạnh, ẩm hoặc nhợt nhạt
  • Buồn nôn
  • Ngất
  • Giảm tập trung
  • Mờ mắt
  • Cảm giác khát

Ở những người khỏe mạnh, huyết áp thấp nhưng không kèm theo bất kỳ triệu chứng nào thường không đáng lo ngại và không cần điều trị. Tuy nhiên, huyết áp giảm đột ngột có thể là dấu hiệu của một vấn đề tiềm ẩn – đặc biệt là ở người cao tuổi. Cụ thể, huyết áp thấp khiến áp lực trong các mạch máu không đủ mạnh để đưa máu giàu oxy đến khắp nơi trong cơ thể, đặc biệt là não, tim và các cơ quan quan trọng khác.

Đây là căn nguyên dẫn đến cơn nhồi máu não, nhồi máu cơ tim – hai tình trạng đe dọa tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người bị bệnh tim mạch vành và huyết áp rất thấp có nguy cơ tăng các biến cố tim mạch, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim; trong khi huyết áp rất thấp có liên quan đến cơn đau thắt ngực ở những người bị bệnh động mạch vành mạn tính.

Không chỉ gây tổn thương tim và não, tụt huyết áp đột ngột còn gây ra các vấn đề sức khỏe khác như suy giảm chức năng thận, chấn thương do ngã (ở những người bị tụt huyết áp tư thế đứng), rung nhĩ… Thậm chí, hạ huyết áp nghiêm trọng có thể dẫn tới sốc, gây tử vong nếu không cấp cứu nhanh chóng.

Điều trị huyết áp thấp

Mục đích điều trị bệnh huyết áp thấp là phải nhanh chóng đưa huyết áp trở về trạng thái bình thường, sau đó duy trì để tránh tái phát. Về phương pháp điều trị, hiện nay chưa có một loại thuốc nào có hiệu quả lâu dài đối với căn bệnh này. Hay nói cách khác, thuốc dùng để điều trị hạ huyết áp hiện nay chỉ điều trị triệu chứng.

Trong những trường hợp cấp thiết, bác sĩ sẽ kê đơn cho người bệnh một số loại thuốc có tác dụng nâng huyết áp tạm thời như: Ephedrin, Heptamyl, Pantocrin

Huyết áp thấp
Huyết áp thấp khiến bạn có cảm giác hoa mắt hoặc chóng mặt

Xử lý nhanh khi bị tụt huyết áp

Sơ cứu người bị tụt huyết áp cần phải thực hiện nhanh chóng và đúng cách, nếu không có thể dẫn đến các biến chứng như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, suy thận, tai biến mạch máu não, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Khi một người bị tụt huyết áp, cần xem xét xem người đó có tiền sử bị bệnh tiểu đường không, nếu không thì loại bỏ khả năng người đó bị hạ đường huyết, tập trung sơ cứu hạ huyết áp . Quá trình sơ cứu cần thực hiện theo các bước:

  • Từ từ đặt bệnh nhân ngồi hay nằm xuống bề mặt phẳng, dùng gối kê đầu và chân, nên kê chân cao hơn so với đầu.
  • Cho bệnh nhân uống một cốc nước sâm, trà gừng, cafe, chè đặc,… hoặc thức ăn đậm muối sẽ giúp cơ thể dễ chịu trở lại. Nếu không có sẵn những thức ăn đồ uống như vậy thì cho bệnh nhân uống nhiều nước lọc để giúp kích thích nhịp tim, nâng chỉ số huyết áp tạm thời.
  • Có thể cho bệnh nhân ăn một chút socola, giúp bảo vệ thành mạch máu, giữ huyết áp ổn định hơn.
  • Nếu có thuốc điều trị huyết áp thấp do bác sĩ kê thì cho bệnh nhân uống.
  • Nếu tình trạng bệnh nhân được cải thiện, đỡ bệnh nhân ngồi dậy từ từ, nhắc họ cử động chân tay trước khi ngồi dậy
  • Nếu bệnh nhân không thấy đỡ hơn cần nhanh chóng đưa vào cơ sở y tế gần nhất để được khám chữa kịp thời.

Cách phòng ngừa huyết áp thấp

Chế độ dinh dưỡng

  • Nên ăn mặn hơn người bình thường. Người bị huyết áp thấp nên ăn 10-15g muối mỗi ngày.
  • Ăn nhiều chất dinh dưỡng, đủ bữa, đặc biệt bữa sáng rất quan trọng. Để ngăn ngừa huyết áp giảm đột ngột sau bữa ăn, bạn nên chia nhỏ những bữa ăn thành nhiều lần trong ngày và cần cố gắng hạn chế những thực phẩm giàu tinh bột như khoai tây, gạo, cháo, nui và bánh mỳ…
  • Trong chế độ ăn uống hàng ngày cần bổ sung thêm các loại thực phẩm có chứa các thành phần như protein, vitamin C và tất cả các loại vitamin thuộc nhóm B rất có lợi. Một số thức ăn đồ uống có tác dụng tăng huyết áp như: cà phê, nước chè đặc, nước sâm, bột tam thất, rau cần tây, hạt sen, long nhãn, táo tàu, quả dâu, nho khô, hạnh nhân, trà cam thảo, gừng rất tốt cho việc kiểm soát huyết áp thấp.
  • Không nên dùng những thức ăn có tính lợi tiểu như: rau cải, râu ngô, dưa hấu, bí ngô…
  • Uống nhiều nước có thể giúp tăng thể tích máu, làm giảm một trong những nguyên nhân tiềm tàng gây ra huyết áp thấp. Ngoài ra uống nước cũng giúp tránh tình trạng mất nước. Tránh sử dụng đồ uống có cồn.

Thay đổi chế độ sinh hoạt

  • Sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc khoảng 7 – 8 tiếng mỗi ngày.
  • Người bị bệnh huyết áp thấp rất hay bị hoa mắt, chóng mặt khi thay đổi tư thế, nên khi ngồi dậy phải từ từ. Nằm ngủ nên để đầu thấp, chân cao.
  • Người bệnh cũng nên giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ và nhất là bình tĩnh. Tránh những xúc động mạnh như: lo lắng, sợ hãi, chán nản có thể làm huyết áp hạ thêm.
  • Về chế độ luyện tập, người bệnh nên tập thể dục thể thao đều đặn, mỗi ngày nên tập thể dục ít nhất 10-15 phút. Có thể bắt đầu từ những môn nhẹ như đi bộ, cầu lông, bóng bàn, rồi nặng hơn như bơi, chạy, bơi, điền kinh, tennis cử tạ,… Nên tránh các môn dễ gây chóng mặt như nhào lộn, nhảy đu,…
  • Thường xuyên theo dõi huyết áp của mình bằng cách sử dụng máy đo huyết áp tại nhà hoặc đến các trung tâm y tế để kiểm tra và có biện pháp xử lý cũng như hướng điều trị kịp thời.
  • Cần biết cách phân bố thời gian lao động hợp lý, tránh những giờ nắng gắt và xen kẽ khoảng giải lao để bồi đắp tuần hoàn, tránh thúc đẩy tế bào rơi vào tình trạng mất nước suy kiệt.

Một điều quan trọng cần lưu ý là thường xuyên theo dõi huyết áp tại nhà của chính mình và người thân, để biết được tình trạng sức khỏe và có cách can thiệp kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Leave a reply