Mụn cóc là một trong những bệnh da liễu lành tính phổ biến, có thể lây sang vùng da khác hoặc người khác khi tiếp xúc, gây mất thẩm mỹ. Vậy làm cách nào để loại bỏ chúng?

Mụn cóc là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
Mụn cóc xù xì thường mọc ở bàn tay

Mụn cóc là bệnh gì?

Mụn cóc là một dạng tăng sinh bất thường của da. Mụn cóc là một khối u xấu xí, sần sùi, nhiều khi mụn nổi giống như một bông súp lơ có màu trắng, thường có kích thước tương đương với hột cơm (vì vậy còn được gọi với cái tên hạt cơm).

Tác nhân gây bệnh là do virus HPV – Human Papilloma Virus, thuộc loại Papova Virus có ADN. Hiện nay có hơn 60 chủng HPV khác nhau, trong đó các type thường gặp là 6 và 11. Đôi khi vẫn gặp các virus thuộc type 16, 18, 31, 33 và 35 gây ra các chứng rối loạn sinh sản, mụn sinh dục (sùi mào gà) hay ung thư tử cung. Các type này thường được tìm thấy trong các tế bào biểu mô tăng sinh hay khối u trên da bị nhiễm.

Mụn cóc có rất nhiều loại khác nhau, trong đó, mụn cóc thông thường mọc ở bàn tay, cánh tay và cẳng chân. Tuy không phải bệnh lý đặc biệt nghiêm trọng nhưng mụn cóc xuất hiện gây mất thẩm mỹ, làm người bệnh khó chịu do mất nhiều thời gian điều trị và nguy cơ lây nhiễm rất cao. Không những vậy, mụn cóc có thể tự lây nhiễm trên bản thân người bệnh (từ vị trí ban đầu lan sang vùng da lân cận hay vùng da trực tiếp tiếp xúc do gãi, cào, chạm, sờ, cầm nắm,…). Thông thường các mụn cóc này sẽ phát triển rồi lây lan rất nhanh.

Mụn cóc lây chủ yếu do truyền nhiễm khi da tiếp xúc trực tiếp với da qua vết cắt, vết nứt hoặc da tiếp xúc với những vật dụng chung có dính virus HPV. Loại virus này có thể ở trên bề mặt như khăn tắm, đồ dùng cá nhân. HPV cũng có thể lây qua bàn chân trần khi đi ở hồ bơi, nhất là bàn chân có tổn thương. Sau đó phát triển và gây kích ứng các tế bào biểu mô bề mặt làm tăng sinh, hình thành hạt cơm.

Tuy nhiên, tùy vào cơ địa và sức khỏe hệ miễn dịch của mỗi người khi tiếp xúc với virus HPV có thể phát bệnh mụn cóc hay không. Đa số bệnh nhân khỏe mạnh và hệ miễn dịch tốt sẽ không có bị mụn cóc, dù có tiếp xúc với virus HPV.

Các loại mụn cóc và vị trí của chúng

Virus HPV gây bệnh trên nhiều vị trí khác nhau của cơ thể do đó có rất nhiều loại mụn cóc khác nhau. Tuy nhiên, một số loại sau đây là dạng thường gặp nhất dựa vào hình dạng và khu vực nổi mụn:

Mụn thông thường (common warts)

  • Những khối u xấu xí, màu đen hoặc xám, sần sùi mọc trên các ngón tay, bàn tay, cẳng tay hay bàn chân, ngón chân, quanh móng. Mụn xuất hiện thường do virus xâm nhập qua các vết xước khi cắn, cắt, làm móng. Có nhiều kích thước khác nhau đối với hạt cơm thông thường. Có loại chỉ có kích thước 1 – 2mm, cũng có loại lên đến vài chục mm.

Mụn cóc dạng phẳng (plane warts)

  • Các khối u có kích thước khá nhỏ, tối đa chỉ khoảng 5mm, nhẵn hơn so với các loại mụn cóc dạng khác. Dạng này có thể nổi ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Nam giới sẽ xuất hiện mụn phẳng nhiều ở quanh vị trí mọc râu, nữ sẽ thấy ở bàn chân còn trẻ em thì mụn nổi ở mặt. Dạng này có khả năng lây lan khá nhanh sang các vùng da lân cận. Nhiều trường hợp mụn nổi chi chít ở bàn tay và bàn chân, có lúc tạo thành một hàng dài các nốt mụn chống lên nhau, gọi là hiện tượng Koebner. 

Mụn cóc ở lòng bàn chân (verruca)

  • Mụn nổi ở lòng bàn chân hay gót chân khiến cho việc đi lại vô cùng khó khăn. Mụn rất dễ bị vỡ do chịu áp lực chèn ép của chân với mặt nền, gây đau mỗi khi di chuyển.

Mụn cóc sinh dục (genital warts)

  • Các nốt mụn nổi ở bộ phận sinh dục, hậu môn. Mụn cóc sinh dục hay còn được gọi quen thuộc mà nhiều người vẫn hay gọi là bệnh sùi mào gà – một trong số những bệnh xã hội phổ biến có tốc độ lây nhiễm cao hiện nay. Bệnh có khả năng lây lan nhanh qua quan hệ tình dục, tiếp xúc với dịch tiết hoặc vùng da bị nhiễm bệnh. Đối với trẻ sơ sinh có thể lây truyền trong quá trình sinh đẻ.

Mụn cóc miệng

  • Xuất hiện đơn lẻ hoặc thành cụm ở môi, lưỡi, miệng và nướu, có thể gây khó chịu khi ăn hoặc nuốt. Nguyên nhân gây mụn cóc miệng là do nhiễm virus HPV khi quan hệ tình dục đường miệng, nguy cơ mắc bệnh sẽ gia tăng nếu có nhiều bạn tình.

Ngoài ra còn có mụn ở dạng sợi mảnh, dài trên da, thường gặp ở mí mắt, mũi và phát triển cực kỳ nhanh chóng.

Cách điều trị mụn cóc

Mụn cóc nhỏ thường vô hại và dần dần tự biến mất. Các mụn cóc to có thể ảnh hưởng đến các mô cơ bên dưới, khiến bệnh nhân thấy khó chịu và vì lý do thẩm mỹ hoặc rủi ro lây nhiễm sang chỗ khác hay người khác.

Đối với các mụn cóc nhỏ có thể điều trị ở nhà bằng các loại thuốc bôi không cần kê toa, mua ở nhà thuốc. Nếu mụn cóc không hết hay ngày càng nhiều, cần phải gặp bác sĩ ngay, bởi có thể đó là dấu hiệu của một số ung thư da, như ung thư da tế bào vảy (có thể nhìn giống như mụn cóc). Ung thư tế bào vảy nếu không chữa sớm có thể bị di căn và tổn thương nặng nề.

Mục tiêu chữa trị mụn cóc là diệt mụn cóc trong khi kích thích hệ miễn dịch tấn công và diệt virus. Thường trị liệu mụn cóc có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng tùy vào mức độ bệnh nặng hay nhẹ. Nhìn chung, trị liệu mụn cóc kết hợp từ 2 hay nhiều cách kết sẽ tốt hơn là trị liệu đơn độc.

Dùng thuốc điều trị mụn cóc

  • Thuốc bôi hoặc thuốc dán salicylic acid sẽ làm từng lớp mụn cóc tróc ra từ từ. Đôi khi bác sĩ sẽ cho thuốc thoa salicylic nồng độ mạnh hơn (nồng độ khoảng 40-50%) sẽ giúp mụn cóc mau bóc ra hơn.
  • Thuốc bôi imiquimod (là thuốc trị ung thư da) lên mụn cóc sẽ làm mụn từ từ rụng đi, nhất là mụn cóc phẳng hay mụn cóc vùng sinh dục. Thuốc này có thể làm vùng da đau sưng đỏ trước khi mụn cóc dần rụng đi. Kết hợp phương pháp xịt lạnh và thuốc imiquimod thường có kết quả tốt hơn. Thuốc Imiquimod thường phải do bác sĩ chuyên khoa kê toa.
  • Thuốc bôi podofilox trực tiếp vào mụn cóc khiến mụn rụng đi từ từ. Tại vùng da bôi thuốc, bệnh nhân sẽ cảm thấy bị tê tê như bị phỏng, có thể hơi ngứa.
  • Thuốc bôi 5-fluorouracil (5-FU) cũng do bác sĩ chuyên khoa kê toa, thường được dùng nhiều cho mụn cóc ở trẻ em.
  • Tiêm thuốc bleomycin trực tiếp vào mụn cóc cũng có hiệu quả trong việc chữa trị bệnh. Bleomycin là thuốc hóa trị chữa ung thư. Tiêm thuốc này chỉ dành cho trường hợp mụn cóc không hiệu quả với các cách khác.

Can thiệp phẫu thuật

  • Xịt lạnh là cách bác sĩ hay dùng để chữa mụn cóc. Phương pháp này nên được thực hiện tại phòng khám. Xịt lạnh là phương pháp dùng chất nitro lỏng tạo ra nhiệt độ cực lạnh (-196 độ C) ở vùng xịt. Với nhiệt độ này, virus HPV bị phá hủy cũng như các mô vùng mụn cóc bị tổn thương hoàn toàn. Vài ngày sau khi xịt, da vùng xịt lạnh sẽ chuyển thành màu đen và mụn cóc dần dần rụng ra những ngày sau đó. Các nghiên cứu chỉ ra kết hợp xức thuốc salicylic acid và xịt lạnh có kết quả diệt mụn cóc cao hơn. Tác dụng phụ của chữa xịt lạnh là vùng da trị liệu có thể đau nhức, sưng nước và đổi màu khi phục hồi.
  • Đốt nóng cũng là một cách khác để diệt virus và mô mụn cóc bị nhiễm. Cách này gần đây ít được sử dụng do khói và mùi từ đốt nóng khá khó chịu.
  • Phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn mụn cóc: Với trường hợp mụn cóc bị mọc đi mọc lại hoặc mọc ở vùng mất thẩm mỹ, mụn cóc quá lớn, bác sĩ có thể sẽ cắt bỏ hoàn toàn và khâu lại.
  • Laser được dùng trong vài trường hợp mụn cóc không khỏi với các cách chữa thường quy. Phương pháp này sẽ đốt các mạch máu li ti trong mụn cóc khiến các mô không phát triển và dần dần hoại tử. Tuy nhiên cách dùng này cần thêm nhiều nghiên cứu để chứng minh hiệu quả.

Kết hợp tiểu phẫu và thoa các loại thuốc bôi như trên: Phương pháp này, bác sĩ sẽ cắt mụn cóc đến gần sát, sau đó thoa thuốc trichloroacetic acid nồng độ cao (80%) để làm diệt HPV trên bề mặt mụn cóc. Ngoài ra có thể dùng các thuốc khác như bleomycin

Các nghiên cứu chỉ ra dùng vaccine HPV có thể giúp chữa dứt hoặc ngăn ngừa mụn cóc tái nhiễm. Tùy vào độ tuổi hoặc giới tính mà bác sĩ sẽ cho tiêm vaccine HPV.

Dùng vaccine HPV loại có thể ngăn ngừa nhiều chủng virus có thể ngăn ngừa mụn cóc tái phát, nhất là mụn cóc vùng sinh dục.

Mụn cóc ở bàn chân gây khó chịu khi đi lại

Chữa mụn cóc tại nhà

Thông thường, thời gian ủ bệnh là từ 1 – 3 tháng, sau đó bắt đầu thấy mụn nổi trên các vị trí khác nhau. Có khoảng 70% trường hợp triệu chứng sẽ tự mất sau 2 năm mà không cần phải điều trị. Tuy nhiên, trong trường hợp mụn tái phát hay mụn nổi nhiều, dày đặc ở các vị trí khác nhau thì cần phải gặp bác sĩ để được điều trị tận gốc. Một số mẹo điều trị mụn tại nhà đơn giản bạn có thể tham khảo như sau:

Sử dụng tỏi

  • Thành phần chính có trong tỏi là allicin có tính kháng khuẩn và chống nấm cực kỳ tốt. Dân gian lợi dụng khả năng này của tỏi để lột bỏ các nốt mụn hạt cơm. Mỗi ngày, bạn chỉ việc giã nát tỏi rồi lấy nước cốt thoa lên các nốt mụn khoảng 2 đến 3 giờ, sau đó rửa lại bằng nước ấm. Kiên trì một thời gian, bạn sẽ dần thấy hiệu quả rõ rệt. 

Vỏ chuối xanh 

  • Ít ai nghĩ đến vỏ chuối lại có công dụng trị được các mụn hạt cơm. Tuy nhiên, lột vỏ chuối xanh rồi chà xát mặt trong lên các nốt mụn sau khi đã rửa sạch vị trí nổi mụn. Giữ nguyên nhựa chuối sau khi thực hiện chà xát. Thực hiện 2 lần/ ngày, sau vài tuần, mụn sẽ dần dần biến mất.

Đắp lá tía tô

  • Lá tía tô sau khi giã nát thì đắp lên các nốt mụn, dùng vải mềm quấn hoặc gạc để cố định. Tốt nhất bạn nên đắp vào buổi tối trước khi để tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt hoặc dính nước cốt, xê dịch chỗ đắp khi di chuyển và thời gian đắp được lâu. Đắp liên tục vài tuần, mụn sẽ dần teo lại rồi tự bong ra.

Dùng giấm táo

  • Nhờ thành phần axit malic và axit lactic trong giấm tạo sẽ ăn mòn mụn cóc. Bạn nên thực hiện từ 3 – 4 lần trong một ngày để đạt hiệu quả trị mụn nhanh hơn.

Sử dụng nha đam

  • Nha đam có rất nhiều công dụng, đặc biệt là thần dược dành cho da. Trong điều trị mụn hạt cơm, bạn chỉ việc bẻ lá nha đam, để cho chất nhựa trong suốt nhỏ lên trên các nốt mụn, hàm lượng axit bên trong nhựa nha đam sẽ giúp cho các vết mụn tiêu dần.

Cách phòng ngừa mụn cóc

Để ngăn ngừa mụn cóc hoặc ngăn ngừa mụn cóc tái phát, cần hiểu rõ cách lây lan và cách virus tấn công vào da.

  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với mụn cóc
  • Tránh cắn hoặc bức mụn cóc bằng tay vì có thể lây lan đến chỗ khác
  • Không dùng chung kìm cắt móng tay, phải khử khuẩn khử trùng sạch sẽ sau mỗi lần dùng. Đặc biệt với nhân viên làm móng cần lưu ý để tránh lây bệnh cho mình và cho khách hàng.
  • Không cắn móng tay, vì virus HPV có thể lây qua vùng da khác bị trầy xước khi bị cắn.

Leave a reply