Rối loạn nhân cách ranh giới là một rối loạn sức khỏe tâm thần ảnh hưởng đến cách bạn suy nghĩ và cảm nhận về bản thân và những người khác, gây ra các vấn đề hoạt động trong cuộc sống hàng ngày.

Rối loạn nhân cách ranh giới

Rối loạn nhân cách ranh giới gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tinh thần và thể chất

Rối loạn nhân cách ranh giới là bệnh gì?

Rối loạn nhân cách ranh giới (Borderline Personality Disorder – BPD) là dạng rối loạn cảm xúc được đặc trưng bởi suy nghĩ, cảm xúc, tâm trạng, hành vi căng thẳng, bất ổn. Những người mắc phải tình trạng này có xu hướng phản ứng mạnh mẽ, bốc đồng, giận dữ và thường xuyên thay đổi tâm trạng.

Bốn đặc điểm cơ bản nhất của chứng bệnh bao gồm:

  • Sự bất ổn về cảm xúc
  • Hành vi bốc đồng
  • Hình ảnh bản thân bị biến đổi
  • Các mối quan hệ không ổn định

Khi cảm xúc dâng trào mãnh liệt, họ khó giữ được bình tĩnh và suy nghĩ thấu đáo. Kết quả là người bệnh có thể thực hiện những việc nguy hiểm, tự tổn thương bản thân hoặc tấn công người khác.

Trên nền rối loạn nhân cách ranh giới, bệnh nhân có thể đồng thời mắc phải chứng rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu và căn bệnh trầm cảm. Tỷ lệ tự tử vì bệnh lý này tương đương tỷ lệ tự tử vì rối loạn cảm xúc hoặc tâm thần phân liệt. Đa số người mắc bệnh này được chỉ định sử dụng thuốc tâm thần theo chế độ đa trị liệu.

Rối loạn nhân cách ranh giới thường được hình thành từ lứa tuổi thiếu niên hoặc xuất hiện trong độ tuổi trưởng thành (hai thời điểm mà chúng ta thường xuyên tương tác xã hội và trải nghiệm nhiều chuyển biến lớn trong cuộc sống cá nhân).

Nguyên nhân gây bệnh

Hiện nay, chúng ta chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân gây ra rối loạn nhân cách ranh giới. Các chuyên gia cho rằng bệnh do sự kết hợp của yếu tố sinh học và môi trường bên ngoài. Những nguyên nhân có thể dẫn đến rối loạn này là:

  • Di truyền học: Một số nghiên cứu cho thấy rối loạn nhân cách ranh giới có liên quan yếu tố gia đình. Bệnh có thể di truyền hoặc liên quan đến sức khỏe tâm thần của các thành viên gia đình.
  • Bất thường não bộ: Khi mắc rối loạn nhân cách ranh giới, bộ não người bệnh luôn trong trạng thái cảnh giác cao độ. Người này thường đề phòng, nghi ngờ mọi thứ và trở nên căng thẳng. Mỗi khi gặp vấn đề, bản năng chiến đấu của họ trỗi dậy mạnh mẽ khó có thể kiểm soát. Bên cạnh đó, serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh giúp điều chỉnh tâm trạng. Sự bất thường trong sản sinh serotonin khiến con người dễ mắc rối loạn nhân cách ranh giới.
  • Tuổi thơ dữ dội: Môi trường sống thời thơ ấu ảnh hưởng lớn đến sự hình thành rối loạn nhân cách này. Nhiều người bệnh từng bị lạm dụng tình dục hoặc lạm dụng thể chất, bị bỏ rơi lúc còn nhỏ. Một số sống tách xa cha mẹ, người thân thiếu sự quan tâm. Có người sống chung một nhà với người lạm dụng chất gây nghiện hoặc có vấn đề tâm thần khác. Nhiều người đã chịu đựng những xung đột, mâu thuẫn và các mối quan hệ gia đình không ổn định. Tất cả tạo nên chấn thương tâm lý tuổi nhỏ và dễ dẫn đến rối loạn nhân cách sau này.

Những biểu hiện của bệnh

Những đặc điểm thường thấy:

  • Sợ hãi bị bỏ rơi
  • Mối quan hệ không ổn định
  • Ý thức về bản thân thường xuyên biến động
  • Hành vi bốc đồng
  • Tự tổn hại chính mình
  • Sự dao động cảm xúc cực độ
  • Cảm giác trống rỗng kéo dài
  • Cơn giận dữ bùng nổ mạnh mẽ
  • Cảm thấy nghi ngờ hoặc xa rời với thực tế

Trong thực tế, rất khó để phân biệt rối loạn nhân cách ranh giới với bệnh tâm thần khác, chẳng hạn như trầm cảm hay rối loạn nhân cách chống đối xã hội. Tuy nhiên, căn bệnh này có thể đi kèm với các bệnh khác như tăng huyết áp, đau lưng mãn tính, viêm khớp và đau cơ xơ hóa. Đôi khi, béo phì là tác dụng phụ của các thuốc trị rối loạn nhân cách ranh giới và các rối loạn tâm thần liên quan khác.

Rối loạn nhân cách ranh giới

Rối loạn nhân cách ranh giới có thể tới những điều hành động tiêu cực cho sức khỏe

Rối loạn nhân cách ranh giới có nguy hiểm không?

Dạng rối loạn tâm thần này có thể dẫn đến hệ lụy khó lường trong nhiều lĩnh vực đời sống. Công việc, sự nghiệp, kết quả học tập, hoạt động xã hội, chất lượng mối quan hệ, hình ảnh cá nhân của bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chứng bệnh này cũng thường đi kèm một số rối loạn sức khỏe tâm thần như: rối loạn ăn uống, rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu, trầm cảm, lạm dụng chất kích thích…

Nhiều bệnh nhân thất nghiệp trong một khoảng thời gian dài, tái hôn liên tục, nhập viện vì tự làm hại bản thân, thậm chí cố gắng tự tử. Bên cạnh đó, những hành động bốc đồng có thể làm họ bị lây bệnh qua đường tình dục, mang thai ngoài ý muốn, gây ra tai nạn giao thông hoặc tham gia vào những mối quan hệ nguy hiểm, khiến bản thân bị lạm dụng, ngược đãi.

Điều trị bệnh rối loạn nhân cách ranh giới

Điều trị rối loạn nhân cách ranh giới có thể gồm một hoặc kết hợp nhiều phương pháp.

Điều trị tâm lý

Theo một số nghiên cứu, tâm lý trị liệu có thể làm giảm một số triệu chứng và tác động tiêu cực của bệnh. Những liệu pháp điều trị rối loạn nhân cách ranh giới bao gồm:

  • Liệu pháp nhận thức hành vi: giúp làm giảm sự thay đổi quá mức của tâm trạng, giúp người bệnh xác định giá trị của họ và điều chỉnh các vấn đề khi họ tương tác với những người khác
  • Liệu pháp hành vi biện chứng: chú ý đến tình huống hiện tại, điều chỉnh cảm xúc, hành vi và sự cân bằng trong các mối quan hệ xã hội
  • Liệu pháp tập trung giản đồ: tập trung vào cách mọi người nhìn nhận chính mình, đây là yếu tố ảnh hưởng đến cách họ phản ứng với môi trường và đối mặt với căng thẳng.

Điều trị bằng thuốc

Thuốc không được dùng để chữa chứng rối loạn nhân cách ranh giới. Tuy nhiên, thuốc có thể làm giảm các triệu chứng hoặc rối loạn đi kèm theo bệnh. Bác sĩ có thể kê toa thuốc khi:

  • Người bệnh rối loạn nhân cách ranh giới kèm theo trầm cảm hoặc rối loạn lưỡng cực.
  • Có các cơn hoảng loạn hoặc lo âu trầm trọng.
  • Xuất hiện ảo giác hoặc có những suy nghĩ kì quái, hoang tưởng.
  • Có suy nghĩ, hành vi tự tử hoặc có nguy cơ làm tổn thương bản thân và người khác.

Rối loạn nhân cách ranh giới thường tồi tệ và nặng nề trong thời trẻ nhưng lại trở nên ổn định và dễ kiểm soát hơn khi bệnh nhân bước vào độ tuổi 30 – 40.

Để hỗ trợ trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa, tham gia đầy đủ các buổi trị liệu tâm lý, học cách kiểm soát cảm xúc, cố gắng ổn định tâm trạng, duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, điều chỉnh thói quen sinh hoạt hàng ngày, đồng thời thường xuyên luyện tập thể dục – thể thao.

Leave a reply