Trầm cảm là vấn đề gây ảnh hưởng đến sức khỏe sinh lý và tinh thần nghiêm trọng. Bệnh xảy ra do nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân trong đó liên quan tới những công việc bạn làm hằng ngày. Công việc ấy khiến bạn mệt mỏi, căng thẳng, áp lực, không duy trì được năng lượng cũng như sự tỉnh táo trong suốt thời gian làm việc. Tình trạng này kéo dài có thể khiến bạn mắc bệnh trầm cảm nếu không có sự cải thiện tốt trong công việc. Vậy những công việc khiến bạn dễ mắc trầm cảm bao gồm công việc nào?

Những công việc khiến bạn dễ mắc trầm cảm

Áp lực từ công việc khiến bạn dễ mắc trầm cảm

Việc chọn ngành nghề không phù hợp không chỉ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn mà còn là nguyên nhân lớn dẫn đến việc trầm cảm. Đặc biệt, những công việc căng thẳng, lương thấp hoặc những công việc không nhận được sự tôn trọng thường sẽ dễ gây căng thẳng hơn hẳn những công việc khác. Dưới đây là những ngành nghề căng thẳng có nguy cơ khiến bạn bị trầm cảm nhất:

Chăm sóc bệnh nhân

Nếu bạn là một nhân viên chăm sóc người bệnh, dù tại gia hoặc ở bệnh viện, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm rất cao. Năm 2007, cơ quan Thống kê quốc gia về Sức khỏe và Sử dụng ma túy đã khảo sát 21 ngành nghề có tỷ lệ trầm cảm cao ở những nhân viên độ tuổi từ 18 đến 64. Kết quả cho thấy 10,8% số người làm việc chăm sóc bệnh nhân mắc chứng trầm cảm, tỷ lệ cao nhất trong tất cả các ngành được khảo sát.

Chăm sóc bệnh nhân toàn thời gian là một công việc yêu cầu nhân viên phải làm cả ngoài giờ hành chính nên họ dễ cảm thấy kiệt sức. Bên cạnh đó, những nhân viên chăm sóc tại viện dưỡng lão được hưởng mức lương rất thấp. Đã có rất nhiều nghiên cứu cho thấy rằng trầm cảm là căn bệnh cực kỳ phổ biến ở những người làm công việc này.

Nhân viên phục vụ

Hằng ngày nhân viên phục vụ phải đối mặt với rất nhiều vị khách hàng khó tính đồng thời bị các nhân viên cấp cao hơn quản lý nghiêm ngặt, cộng với đồng lương ít ỏi. Đây chính là những lý do khiến các nhân viên phục vụ nằm ở bờ vực trầm cảm.

10% số nhân viên phục vụ ăn uống nói chung mắc trầm cảm, gần 15% phụ nữ làm trong lĩnh vực này bị tình trạng tương tự.

“Đây là một công việc có thể khiến bạn bị cư xử thô lỗ, thậm chí còn có những trường hợp tệ hơn xảy ra. Khi người ta trầm cảm, thật khó để có năng lượng và động lực để làm việc và khi không có những thứ đó, bạn làm bất cứ việc gì cũng khó khăn”, các nhà tâm lý phân tích.

Người hoạt động nghệ thuật

Sự sáng tạo không hề có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn, trên thực tế những ngành nghề liên quan đến việc sáng tạo có thể đem lại sự thích thú và thỏa mãn mà không ngành nghề nào khác có thể tạo ra.

Tuy nhiên, những ngành nghề này lại thường đi kèm với mức lương không ổn định cũng như đa số những nghệ sĩ thường không được công chúng đánh giá cao. Chính những điều đó đã khiến cho những người hoạt động nghệ thuật dễ bị trầm cảm. Những ngành nghề liên quan đến nghệ thuật, thiết kế, giải trí và truyền thông có tỷ lệ trầm cảm là 9,1%.

Nhà hoạt động cộng đồng

Những ngành nghề liên quan đến công tác xã hội có thể đem lại nhiều lợi ích cho đời sống chung, nhưng những người này cũng dễ gặp tình trạng căng thẳng. Những nhân viên xã hội thường phải đối mặt với những chấn thương về mặt tâm lý của người khác.

Một ví dụ dễ thấy đó là khi làm việc với những gia đình có nhiều mâu thuẫn và trẻ em từng bị bạo hành, quấy rối sẽ không chỉ đòi hỏi người nhân viên phải có sự dũng cảm về mặt tâm lý, mà còn gây khó khăn đối với sức khỏe tâm lý của họ. Những người hoạt động trong ngành dịch vụ cộng đồng có tỷ lệ trầm cảm đến 9,6%.

Nhân viên chăm sóc sức khỏe

Bác sĩ, y tá và các kỹ thuật viên y tế thường có mức lương khá cao. Tuy nhiên, họ phải làm việc liên tục rất nhiều giờ và thường phải chịu rất nhiều áp lực nên có nhiều khả năng khiến sức khỏe tâm lý của họ bị ảnh hưởng.

Những người làm trong ngành y tế có mức độ trầm cảm tương đương nhân viên xã hội. Các nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ tự tử của bác sĩ cao hơn nhiều so với các ngành nghề khác.

Giáo viên

Những đòi hỏi đối với giáo viên dường như ngày càng tăng. Nhiều giáo viên không chỉ làm việc tại trường mà còn phải mang công việc về nhà.

“Giáo viên có áp lực từ nhiều đối tượng khác nhau – trẻ em, phụ huynh và các trường học cố gắng nâng cao tiêu chuẩn, đi cùng với đó là các đòi hỏi với giáo viên cũng tăng lên, gây áp lực cho họ và đôi khi khiến họ quên cả mục đích khi đến với nghề này là gì”, nhà tâm lý Willard nói.

Tư vấn tài chính và kế toán

Căng thẳng những điều họ có thể nói về công việc của mình. Hầu hết mọi người không thích giải quyết các vấn đề tiền bạc như quản lý khoản tiết kiệm hưu trí của mình. Vì vậy bạn có thể tưởng tượng việc phải kiểm soát hàng nghìn hay hàng triệu đô tiền cho những người khác sẽ thế nào.

Nhân viên bán hàng

Tình hình kinh tế hiện nay có thể tạo áp lực lên các nhân viên bán hàng, đặc biệt hơn, khi cả sự nghiệp của họ phụ thuộc vào việc liệu người khác có chịu chi tiền cho sản phẩm của họ hay không, điều này rất dễ đẩy các nhân viên vào bờ vực trầm cảm. Tỷ lệ trầm cảm ở ngành nghề này là 6,7%, tương đương với những người trong ngành nghề dịch vụ tài chính.

Những công việc khiến bạn dễ mắc trầm cảm

Sự áp lực và chứng kiến các tình hình sức khỏe của người bệnh khiến các y, bác sĩ dễ mắc trầm cảm

Khi bạn đang làm những công việc dễ mắc trầm cảm, sự thật chúng ta cũng khó có thể nghỉ việc ngay hay để mặc mà sống chung với nó. Trầm cảm trong công việc không biến mất một cách đơn giản, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh và giải quyết vấn đề này từ đầu bằng những hành động sau đây:

Lắng nghe cơ thể

Sự nghiệp rất quan trọng, nhưng sẽ không thể có “sự nghiệp” nào cả nếu sức khỏe tinh thần của bạn bị sa sút. Cảm giác chán nản và mất đi động lực sẽ khiến bạn không thể tập trung hoàn thành bất kỳ công việc nào, dù là đơn giản nhất. Khi bạn cảm thấy mệt mỏi và áp lực cũng là lúc cơ thể nhắc bạn cần phải yêu thương bản thân hơn, hãy sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để dưỡng sức và vực dậy tinh thần.

Hãy sắp xếp ngay một chuyến du lịch ngắn ngày, tham gia một khóa thiền, chơi thể thao hay họạt động nghệ thuật nào đó để giải tỏa bớt năng lượng tiêu cực.

Sống vui khỏe mỗi ngày

Hãy trở thành một phiên bản tốt hơn của bản thân mỗi ngày bằng cách thực hành lối sống khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần:

  • Ngủ đủ giấc: Thiếu ngủ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng uể oải nhanh nhất. Khi bạn thiếu ngủ, các tế bào não không được tái tạo, não bộ của bạn sẽ hạn chế, không thể suy nghĩ một cách sáng suốt. Do vậy, hãy rèn luyện thói quen ngủ sớm và ngủ đủ giấc. Khung giờ vàng cho giấc ngủ là trước 11 giờ tối, và cố gắng ngủ ít nhất 7-9 tiếng mỗi đêm, ngay cả vào cuối tuần.
  • Tập thể dục: Hoạt động thể chất sẽ não bộ sản sinh endorphin – hormone này giúp đánh bại căng thẳng, cải thiện tâm trạng và làm dịu sự lo lắng. Mỗi sáng bạn có thể đặt mục tiêu đi bộ 1km quanh nhà, hay tập cardio trong 15 phút. Dù bạn bận rộn đến thế nào đi nữa cũng đừng bỏ qua thói quen “tạo niềm vui” này nhé!
  • Ăn vặt “healthy – balance”: Vào những ngày tâm trạng thất thường, bạn sẽ có xu hướng thèm đồ ngọt hoặc những món chiên rán vì mang đến cảm giác vừa ngon miệng, vừa vui vẻ nhưng sau đó… tâm trạng của bạn vẫn y như cũ (đó là chưa kể nếu ăn uống theo cảm xúc sẽ dẫn đến tình trạng số cân càng lên – niềm vui càng xuống). Khi cảm thấy “buồn miệng” hãy chọn những món ăn lành mạnh hơn như trái cây, các loạt hạt hoặc sữa chua.

Tìm lại giá trị bản thân

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà mọi người đều chạy theo những quy chuẩn của xã hội, kỳ vọng của gia đình hoặc thành công của những người xung quanh. Việc cố gắng đạt được những thành quả không phù hợp với bản thân chỉ khiến bạn thêm áp lực và cảm thấy tồi tệ hơn nếu thất bại mà thôi.

Khi cảm thấy công việc quá căng thẳng, bạn cần bình tâm suy nghĩ để xác định rõ mục tiêu và điều mình thật sự mong muốn. Sau đó, hãy trò chuyện rõ ràng với sếp, đồng nghiệp về kế hoạch, dự án mình đang phụ trách, năng lực và khối lượng công viêc bạn có thể thực hiện được.

Thay vì đặt mục tiêu quá lớn, hãy hoàn thành công việc hiệu quả mỗi ngày, bạn sẽ thấy bản thân mình hữu ích và tự tin hơn, từ đó có thêm động lực để gặt hái những thành quả to lớn. Hãy dành vài phút cuối giờ để ghi lại những việc bạn hoàn thành tốt, những ảnh hưởng tích cực bạn mang đến cho công ty, cho đồng nghiệp để thấy một ngày làm việc của mình thật sự có ích.

Chia sẻ với đồng nghiệp đáng tin cậy

Đừng nghĩ đến công ty chỉ để làm việc, những lúc mệt mỏi bạn có thể than thở một chút với những người đồng nghiệp thân thiết. Đồng nghiệp chính là người hiểu rõ những bế tắc trong công việc của bạn còn hơn cả gia đình, họ có thể là “bác sĩ tâm lý 8/24” cho bạn những lời khuyên thực tế nhất.

Đặc biệt, bạn hãy ngước mặt lên nhìn xung quanh văn phòng; và bất cứ khi nào bạn bắt gặp một ánh mắt của đồng nghiệp hướng về phía mình thì đừng quên nở một nụ cười với họ thay vì chỉ “cắm mặt” vào laptop hay sổ sách.

Nếu áp lực công việc của bạn đến từ sếp, đồng nghiệp thì hãy mạnh dạn chia sẻ và tìm cách giải quyết sớm nhất trước khi năng suất làm việc giảm sút và tâm trạng của mình trở nên tồi tệ. Đôi khi những căng thẳng bạn đang đối mặt đến từ việc trao đổi thông tin, cách sắp xếp công việc mà thôi nên đừng ngần ngại mở lòng nhé!

Nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa

Nếu tất cả những phương pháp trên không thể giúp bạn cảm thấy khá hơn, bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa. Chứng trầm cảm hoàn toàn có thể điều trị bằng thuốc và liệu pháp điều trị tâm lý kịp thời. Lời khuyên hữu ích từ các chuyên gia sẽ giúp bạn nhanh cảm thấy tốt hơn, và công việc của bạn sẽ trở nên dễ quản lý hơn rất nhiều.

Leave a reply