Thương hàn là 1 bệnh nhiễm khuẩn toàn thân do trực khuẩn gây nên. Bệnh thương hàn có nhiều triệu chứng khác nhau trên từng bệnh nhân và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.

Thương hàn là bệnh gì?

Bệnh thương hàn là một bệnh lý nhiễm trùng với tác nhân gây bệnh là vi khuẩn Salmonella typhi. Thời gian ủ bệnh trung bình từ 8 – 14 ngày, phụ thuộc vào số lượng vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể người bệnh.

Bệnh thường khởi phát đột ngột. Trong trường hợp nhẹ, bệnh thương hàn thường không có triệu chứng. Trong trường hợp nặng, bệnh gây sốt cao kéo dài, mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, nôn khan, táo bón hoặc tiêu chảy,… Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây tử vong, loét thanh mạc và thủng ruột dẫn đến chảy máu.
Là 1 bệnh truyền nhiễm cấp tính có khả năng lây lan mạnh và có thể bùng phát thành dịch lớn. Vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn lây lan từ người sang người qua các con đường ăn uống hoặc tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm khuẩn.

Ở Việt Nam, bệnh thường bùng phát phổ biến và nguy hiểm nhất sau các mùa mưa lũ. Độ tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất dao động từ 15 đến 30 tuổi. Đây là nhóm đối tượng lao động, sinh sống và làm việc trong những điều kiện không an toàn.

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh thương hàn gây ra do trực khuẩn thương hàn Salmonella typhi. Đây là một loại vi khuẩn gram âm, di động bằng lông chuyển và không sinh nha bào ở môi trường bên ngoài. Vi khuẩn sống được ở môi trường ngoài cơ thể, khoảng 2 đến 3 tuần trong môi trường nước, 2-3 tháng trong phân hoặc nước đá. Nhiệt độ cao là yếu tố có thể tiêu diệt được vi khuẩn, nhiệt độ càng cao thời gian để diệt vi khuẩn càng ngắn lại. Ngoài ra, vi khuẩn Salmonella còn có thể bị diệt bởi những chất diệt khuẩn thông thường.

Nguồn truyền nhiễm bệnh quan trọng của bệnh thương hàn đến từ người bệnh, khi người bệnh vẫn có thể lây nhiễm cho người khác trong thời gian ủ bệnh. Bên cạnh đó sau khi chấm dứt các triệu chứng lâm sàng, đa số người đã khỏi bệnh vẫn mang vi khuẩn Salmonella typhi trong người và vẫn tiếp tục đào thải vi khuẩn ra môi trường bên ngoài trong khoảng thời gian từ 2 – 3 tuần. Trong một số trường hợp, người bệnh vẫn tiếp tục đào thải vi khuẩn ra ngoài môi trường trong 2 – 3 tháng.

Người mắc bệnh thương hàn do uống nước hoặc ăn những loại thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhất là trứng, thịt bò, thịt gia cầm, sữa… Vi khuẩn thương hàn có khả năng sinh sôi trong sữa và các chế phẩm, mà không làm thay đổi tính chất hay mùi vị. Nấu chín thực phẩm là phương pháp giúp giảm bớt nguy cơ nhiễm khuẩn, nhưng không loại bỏ hoàn toàn nguy cơ.

Bên cạnh đó, thương hàn còn có thể lây truyền từ người sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp, hay tiếp xúc với chất thải, đồ dùng bị nhiễm khuẩn từ người bệnh

Vật trung gian truyền bệnh như ruồi cũng đóng vai trò khá quan trọng. Ruồi là một trong những tác nhân gây nhiễm bẩn các loại thực phẩm và tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Phương thức gián tiếp cũng là đường lây chủ yếu của bệnh thương hàn, khiến bệnh dễ bùng phát thành dịch lớn.

Bệnh gây sốt, mệt mỏi, tiêu chảy

Những triệu chứng của bệnh

Bệnh thương hàn có những biểu hiện khác nhau trên lâm sàng tùy theo từng người bệnh. Thông thường, bệnh nhân sẽ trải qua các dấu hiệu sau:

  • Toàn thân mệt mỏi, nhức đầu, chán ăn
  • Sốt: Xuất hiện đột ngột, tăng dần nhiệt độ trong những ngày sau. Sốt cao hơn về chiều tối, có khi kèm lạnh run. Nhiệt độ cơ thể có khi đạt đến ngưỡng 41 độ C. Sốt cao khiến người bệnh đau đầu, tổng trạng xấu hơn.
  • Rối loạn tiêu hóa: Nhiễm vi khuẩn Salmonella typhi có thể khiến bệnh nhân táo bón hoặc tiêu chảy.
  • Nổi ban đỏ: Ban đỏ trong bệnh sốt thương hàn có thể gặp ở nhiều vị trí trong cơ thể như ngực, lưng, tức chi. Các nốt ban có thể có dạng ban dát phẳng, ban đầu kim của sởi.

Bệnh thương hàn trải qua nhiều giai đoạn bệnh khác nhau. Tuần đầu tiên kể từ khi khởi phát các dấu hiệu của bệnh là thời kỳ tốt để điều trị. Bỏ qua giai đoạn này, tỷ lệ gặp phải các biến chứng nguy hiểm sẽ tăng cao hơn, như viêm não màng não, thủng ruột, viêm xương tủy xương, viêm nội tâm mạc, …

Điều trị bệnh thương hàn

Vì tính lây nhiễm cao, bệnh nhân sốt thương hàn cần được tiến hành điều trị tuân theo các nguyên tắc cơ bản sau:

  • Cách ly người bệnh và tiến hành điều trị tại chỗ để giảm thiểu khả năng lây lan.
  • Theo dõi sát bệnh nhân để kịp thời phát hiện và chữa trị các biến chứng.

Điều trị đặc hiệu

Tuy việc điều trị bệnh không quá phức tạp nhưng hiện nay tình trạng Vi khuẩn thương hàn kháng thuốc kháng sinh là rào cản lớn đối với các bác sĩ trong quá trình điều trị bệnh. Hiện tượng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh được thông báo lần đầu tiên ở Ấn Độ năm 1960. Tại Việt Nam, vi khuẩn thương hàn kháng Chloramphenicol 91,2%; Bactrim 96%; Ampicillin 92,8%; cùng một số loại kháng sinh mới như Claforan, Norfloxacin, Ciprobay. Trong vòng 5 – 10 năm trở lại đây, các nhà nghiên cứu đã phân lập được chủng vi khuẩn kháng thuốc với kháng sinh như nhóm Fluoroquinolone và nhóm Cephalosporin thế hệ III. 

Điều trị triệu chứng

Bên cạnh điều trị đặc hiệu với kháng sinh nhóm Fluoroquinolone và nhóm Cephalosporin thế hệ III, triệu chứng của bệnh thương hàn còn được điều trị bằng cách bù nước điện giải (1500-2000ml/ngày) theo tỷ lệ Glucose 5%, Ringer Lactat, Natri clorid 9%, hạ sốt khi sốt cao, áp dụng chế độ ăn với thức ăn mềm và đủ chất dinh dưỡng trong thời gian sốt.

Điều trị biến chứng

Xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột và biến chứng choáng nội độc tố là những biến chứng có thể xảy ra trong quá trình điều trị bệnh thương hàn. Đối với trường hợp bị xuất huyết tiêu hóa, các bác sĩ không dịch chuyển bệnh nhân, và ngay lập tức cho chườm lạnh, sử dụng thuốc cầm máu và truyền thêm máu. Trong trường hợp người bệnh bị thủng ruột, bác sĩ có thể chống sốc điều trị ngoại khoa. Khi bệnh nhân có biến chứng choáng nội độc tố, các bác sĩ có thể dùng thuốc kháng viêm Solu medrol 30mg/kg truyền trong 30 phút đầu và có thể lặp lại sau 4 – 6 giờ trong vòng 48 giờ.

Ngoài ra để điều trị người lành mang vi khuẩn, các bác sĩ có thể sử dụng các loại thuốc như  Ciprofloxacin, Pefloxacin, Cefixim…

Tiêm vắc xin là cách phòng bệnh hiệu quả

Dự phòng bệnh thương hàn

Bệnh thương hàn là bệnh lý có thể dự phòng và giới hạn được nếu các biện pháp dự phòng được thực hiện tốt trong cộng đồng. Người dân cần phối hợp với các nhân viên y tế tuân theo những điều sau:

  • Giữ gìn vệ sinh môi trường sống, nhất là nguồn nước phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu.
  • Xử lý tốt các nguồn chất thải như phân, nước tiểu và rác thải.
  • Nấu chín thức ăn, không ăn các loại thực phẩm sống không rõ nguồn gốc và chất lượng.
  • Đun sôi nước uống, bỏ thói quen uống nước lã trực tiếp từ sông, suối, ao, hồ.
  • Tiêm phòng: bệnh thương hàn đã có vắc-xin phòng bệnh với khả năng tạo miễn dịch tốt. Đây là biện pháp phòng bệnh chủ động cần được khuyến khích thực hiện, giúp giảm thiểu đáng kể tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh trong cộng đồng. Loại vắc-xin được sử dụng phổ biến hiện nay là Vi-polysaccarit vì tính an toàn và hiệu quả cao.

Các loại vắc xin dùng để phòng bệnh thương hàn

Ở Việt Nam có 2 loại vắc xin thương hàn được cấp phép và sử dụng rộng rãi là:

  • Vắc xin phòng thương hàn TYPHIM VI của hãng Sanofi Pasteur (Pháp). Vắc xin được sử dụng qua đường tiêm, bào chế từ các kháng nguyên đã bị chết của trực khuẩn thương hàn.

Vắc xin TYPHYM VI chống chỉ định với các trường hợp:

  • Mẫn cảm với các thành phần trong vắc xin.
  • Không tiêm bắp cho người bị rối loạn đông máu hoặc giảm tiểu cầu.
  • Trẻ em dưới 2 tuổi vì đáp ứng miễn dịch thấp.
  • Vắc xin phòng thương hàn Typhoid Vi được sản xuất bởi nhà sản xuất vắc xin và sinh phẩm uy tín tại Việt Nam – Viện Pasteur Đà Lạt (DAVAC). 

Vắc xin Typhoid Vi chống chỉ định với các trường hợp:

  • Không sử dụng Typhoid Vi cho trường hợp có tiền sử dị ứng với một trong các thành phần của vắc xin.
  • Phụ nữ đang mang thai, trường hợp bắt buộc phải tiêm, cần hỏi ý kiến của bác sĩ.
  • Trong trường hợp bị sốt hoặc mắc bệnh cấp tính, nên hoãn tiêm vắc xin.

Leave a reply