Hạt tophi khiến cho các khớp xương luôn đau nhói, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động sống của người bệnh. Là biểu hiện của bệnh gout không được kiểm soát tốt và chuyển sang giai đoạn cuối.

Hạt tophi là gì?
Hạt tophi gây sưng đau và nhiều biến chứng

Hạt tophi là gì?

Hạt tophi hay nốt tophi là tập hợp những tinh thể của hợp chất sodium urate monohydrate, kết tủa trong mô liên kết, tăng dần trong nhiều năm, lắng đọng tại các vị trí khớp xương và phần mềm quanh khớp. Chúng trông như các nốt sần nhỏ, căng phồng và phát triển ngay bên dưới da tại vị trí các khớp xương.

Sự xuất hiện của các nốt tophi dưới da có thể xem là dấu hiệu cho thấy bệnh gout đã trở nặng, thường xảy ra vào khoảng 12 – 35% trường hợp. Nếu không điều trị gút kịp thời và hiệu quả, người bệnh khó tránh khỏi tình trạng tổn thương khớp.

Các vị trí phổ biến của nốt tophi

Hạt tophi trong gout có thể hình thành ở mọi khớp, nhưng thường gặp nhất vẫn là ở:

  • Bàn chân
  • Đầu gối
  • Cổ tay
  • Ngón tay
  • Gân gót chân (gân Achilles)
  • Tai

Cụ thể hơn, acit uric thường tích tụ và hình thành nốt tophi ở các mô:

  • Gân liên kết khớp và cơ
  • Sụn quanh khớp
  • Màng hoạt dịch
  • Dây chằng hoặc mô mỡ
  • Túi hoạt dịch (đóng vai trò “miếng đệm” giữa xương và các mô mềm khác)

Ngoài ra, đôi khi nốt tophi cũng có khả năng phát triển ở những mô liên kết ngoài khớp, chẳng hạn như:

  • Củng mạc
  • Tháp thận
  • Van tim

Nguyên nhân xuất hiện các hạt tophi

66% axit uric trong cơ thể được tổng hợp tự nhiên, còn lại là sản phẩm của quá trình phân giải purine đến từ thực phẩm giàu đạm (protein). Thận đóng vai trò điều chỉnh nồng độ axit uric bằng cách lọc thải hợp chất này ra khỏi máu. Nếu thận không thể lọc hết hoặc cơ thể sản sinh quá nhiều hoạt chất trên, tình trạng tăng acid uric máu sẽ xảy ra.

Khi đó, một lượng axit uric sẽ rời khỏi máu và bắt đầu lắng đọng thành tinh thể sắc nhọn ở khớp và mô mềm xung quanh, đồng thời gây viêm tại đây. Số lượng tinh thể ngày càng tăng sẽ hình thành nên các nốt tophi.

Như vậy, có thể thấy tophi không xuất hiện ngay từ đầu mà thay vào đó, những nốt sần này sẽ phát triển vào giai đoạn cuối của bệnh gout (mạn tính). Thông thường, bệnh cần khoảng 10 năm (hoặc ít hơn) kể từ thời điểm khởi phát để tiến triển thành giai đoạn này.

Đặc điểm và triệu chứng của hạt tophi

Mặc dù phát triển bên dưới lớp da nhưng các hạt tophi vẫn có thể dễ dàng sờ và trông thấy được. Hình dạng tròn hoặc ovan, số lượng có thể từ 1 đến rất nhiều hạt. Kich thước thay đổi, có thể rất khó phát hiện (0.5 – 1mm) hoặc rất to (3-10cm).

Bên trong chúng thường chứa dịch lỏng, sệt hoặc tinh thể rắn của axit uric. Qua lớp da có thể thấy màu trắng nhạt của tinh thể urat trong nốt tophi. Hạt có thể ở tình trạng viêm cấp (da nóng, đỏ) hoặc chảy ra chất nhão và trắng như phấn, hoặc rỉ dịch vàng. Bản thân các nốt này không tự gây đau nhưng bệnh nhân vẫn sẽ có cảm giác khó chịu này bởi:

  • Khớp bị sưng hoặc tổn thương
  • Da bị kéo căng do hạt tophi hình thành
  • Xuất hiện các phản ứng viêm

Bên cạnh đó, một cơn gút cấp đi kèm với tophi còn có thể kéo theo các triệu chứng như:

  • Khu vực xung quanh hạt sưng đau và nóng, mềm
  • Khó cử động khớp bị ảnh hưởng trong nhiều ngày, kể cả khi cơn đau đã thuyên giảm
  • Cường độ đau khớp có thể trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là trong vài giờ kể từ khi đợt cấp bắt đầu
  • Biên độ chuyển động của khớp bị ảnh hưởng giảm đi đáng kể.
Các nốt tophi xuất hiện ở bàn chân

Nhiễm trùng hạt Tophi

Nhiễm trùng hạt Tophi được đánh giá là một trong những biến chứng rất nghiêm trọng. Nếu không được kiểm soát tốt, các nốt Tophi dưới da có nguy cơ phát triển càng lúc càng lớn, đồng thời dẫn đến hàng loạt hệ lụy nguy hiểm như:

  • Nhiễm trùng, lở loét, nhất là khi nốt Tophi vỡ.
  • Chèn ép dây thần kinh gây đau và tê yếu.
  • Phá hủy lớp sụn và gây xói mòn đầu xương.
  • Tổn thương hoặc thậm chí là biến dạng khớp dẫn đến tàn phế.
  • Sỏi thận.
  • Suy giảm chức năng thận.

Điển hình nhất là tình trạng nhiễm trùng khớp xương hay nhiễm trùng huyết. Người bệnh đứng trước nguy cơ bị hoạt tử, phải loại bỏ khớp. Nhiều trường hợp, chức năng vận động còn bị lấy đi vĩnh viễn.

Trường hợp phát sinh biến chứng nhiễm trùng máu sẽ rất nguy hiểm. Nếu không xử lý kịp thời có thể làm tăng nguy cơ tử vong.

Điều trị hạt tophi

Điều trị hạt tophi thường là một phần trong phác đồ chữa bệnh gout. Tùy vào kích thước của nốt sần mà mỗi người bệnh sẽ có cách xử trí, điều trị riêng, chẳng hạn như:

Hạt tophi kích thước nhỏ

Các hạt nhỏ thường không gây đau hoặc hạn chế vận động quá mức nên việc phẫu thuật cắt bỏ nốt sần là không cần thiết. Thay vào đó, bệnh nhân có thể làm tan hạt và thu nhỏ kích thước của chúng bằng cách:

Dùng thuốc điều trị

Mục tiêu của phương pháp này là giảm lượng axit uric trong máu xuống mức 5 mg/dL hoặc thấp hơn để làm tan các hạt tophi. Các loại thuốc điều trị gút được kê toa thường là:

  • Nhóm thuốc ức chế tổng hợp axit uric (allopurinol, febuxostat…)
  • Pegloticase với tác dụng xúc tác quá trình chuyển hóa axit uric thành allantoin dễ tan và dễ đào thải

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể kê toa một số loại thuốc khác nhằm kiểm soát đợt cấp của gout mạn tính, bao gồm:

  • Colchicine
  • Nhóm giảm đau kháng viêm không steroid NSAIDs (indomethacine, ibuprofen…)
  • Thuốc ức chế interleukin-1
  • Corticosteroid

Thay đổi cách sinh hoạt

Một lối sống lành mạnh, khoa học không chỉ giúp kiểm soát tốt các triệu chứng bệnh gout, bao gồm cả tophi, giảm thiểu nguy cơ bùng phát đợt cấp mà còn góp phần nâng cao sức khỏe tổng thể. Chính vì vậy, bệnh nhân nên tập thói quen:

  • Uống đủ nước để hỗ trợ đào thải axit uric ra ngoài
  • Tránh ăn thực phẩm chứa đường hoặc nhiều purin (đạm)
  • Hạn chế hoặc tránh hẳn những thức uống chứa cồn (bia, rượu…) và đường (nước ngọt, nước trái cây đóng hộp…)
  • Cố gắng rèn luyện thể chất với các bài tập cường độ thấp

Duy trì trọng lượng

Xây dựng chế độ ăn uống cho người bị bệnh gout với đầy đủ dưỡng chất như tăng cường các rau củ quả, trái cây giàu vitamin C, bổ sung sữa và các sản phẩm làm từ sữa vào thực đơn hàng ngày…

Điều trị các hạt lớn

Với trường hợp nốt tophi có kích thước lớn, người bệnh có thể cần phải phẫu thuật cắt bỏ và dẫn lưu. Thực tế, bác sĩ thường hạn chế đề xuất giải pháp này bởi một số rủi ro kèm theo như nhiễm trùng, vết mổ không dễ lành… Tuy nhiên, đây sẽ là lựa chọn điều trị duy nhất khi:

  • Số lượng tophi xuất hiện nhiều (bội nhiễm), kích thước lớn
  • Bệnh nhân có triệu chứng lở loét
  • Khớp ảnh hưởng bị biến dạng, gây hạn chế khả năng vận động
  • Vị trí hình thành tophi ở: gân, khớp ngón tay hoặc ngón chân, túi hoạt dịch

Phẩu thuật

Người bệnh cũng cần đến phẫu thuật thay khớp nếu lớp sụn khớp hoặc xương đã bị thương tổn nặng nề.

Tránh nhiễm trùng là ưu tiên hàng đầu khi các nốt tophi vỡ ra. Do đó, lúc này bệnh nhân cần sơ cứu theo các bước sau:

  • Vệ sinh vết thương bằng nước muối sinh lý
  • Sát trùng vết thương bằng dung dịch chuyên dụng
  • Sử dụng băng, gạc tiệt trùng để băng bó vết thương
  • Đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để được thăm khám và chữa trị hiệu quả, phù hợp.

Cách chăm sóc người bệnh

Nếu bệnh nhân có dấu hiệu phát triển các hạt tophi trong gout, người chăm sóc sẽ cần chú ý:

  • Giúp người bệnh thường xuyên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đặc biệt là khu vực nổi nốt sần
  • Hỗ trợ bệnh nhân hoạt động, sinh hoạt để tránh gây va chạm làm vỡ tophi
  • Không tự ý chọc vỡ các nốt sần
  • Trong trường hợp tophi vỡ, người chăm sóc nên tiến hành sát trùng vết thương và đưa người bệnh đến cơ sở, trung tâm y tế gần nhất để được xử lý hiệu quả.

Khi đã được chẩn đoán mắc bệnh, người bệnh nên lưu ý theo dõi nồng độ axit uric thường xuyên. Bên cạnh đó, đừng quên tuân thủ đúng phác đồ điều trị kết hợp với thay đổi lối sinh hoạt lành mạnh để có thể kiểm soát bệnh tốt, qua đó hạn chế bệnh trở nặng và hình thành các hạt tophi, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày.

Leave a reply